11
/
150085
Chấm thi tốt nghiệp THPT: Cẩn trọng từng khâu để không làm mất điểm thí sinh
cham-thi-tot-nghiep-thpt-can-trong-tung-khau-de-khong-lam-mat-diem-thi-sinh
news

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Cẩn trọng từng khâu để không làm mất điểm thí sinh

Thứ 2, 10/07/2023 | 08:05:40
2,177 lượt xem

Việc chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đi được hơn nửa chặng đường, các địa phương và Bộ GD-ĐT đều nhấn mạnh tinh thần cẩn trọng, nghiêm ngặt ở từng khâu để không làm mất điểm, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

"Gạn đục khơi trong" khi chấm môn ngữ văn

Hà Nội là địa phương có số thí sinh (TS) dự thi lớn nhất nước (chiếm khoảng 1/10 tổng số TS dự thi trên toàn quốc). Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã điều động khoảng 600 cán bộ, giáo viên (GV) chấm thi. Đây cũng là số lượng cán bộ chấm thi lớn gấp nhiều lần so với phần lớn địa phương khác.

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Cẩn trọng từng khâu để không làm mất điểm thí sinh  - Ảnh 1.

Thí sinh hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và đợi công bố kết quả, dự kiến trong tuần sau. NGỌC DƯƠNG

Một giám khảo tham gia chấm thi tại Hà Nội chia sẻ, nhiều năm làm công tác này luôn tâm niệm chấm thi tự luận là phải "gạn đục khơi trong", đọc thật kỹ bài làm của TS, cái gì có lợi nhất cho các em thì cố gắng làm, tránh làm mất điểm của TS. Cũng theo GV này, khi Bộ công bố đáp án và thang điểm môn ngữ văn thì GV cũng cảm thấy đáp án tương đối mở. Điều này vừa thuận lợi nhưng cũng vừa khó khăn cho công tác chấm thi. Do vậy, việc chấm chung ít nhất 10 bài thi trước khi chấm chính thức để thống nhất rất quan trọng.

"Qua thực tế chấm thi cho thấy ở câu vận dụng cao số 4: "Từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ Ai cũng đi qua cơn giông của đời mình, không ít bài làm của TS thể hiện các em có suy luận sâu sắc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục. Tuy nhiên, cũng có em thật thà liên tưởng những môn học mà các em cho là nặng nề, không thực tế trong chương trình giáo dục phổ thông chính là "những cơn giông của đời mình". Đề mở, đáp án mở thì người chấm cũng phải cởi mở, không khuôn mẫu. Khi chấm thi, tôi đặt địa vị mình là TS sẽ buồn ra sao nếu bài thi của mình không được đánh giá công bằng, chính xác", vị giám khảo này nói.

Một số địa phương đã hoàn thành chấm thi tự luận

Trong khi đó, một số địa phương có ít bài thi đã hoàn thành chấm thi tự luận.

Ví dụ, Sở GD-ĐT Hải Dương cho hay đã hoàn thành việc chấm 21.703 bài thi môn ngữ văn, bài thi tự luận duy nhất trong kỳ thi này, trong chiều 6.7 với sự tham gia của 96 cán bộ chấm thi. Hơn 101.000 bài thi trắc nghiệm cũng đang được chấm bằng máy và dự kiến đến ngày 10.7 sẽ cơ bản chấm xong, tiếp tục thực hiện các bước, quy trình tiếp theo do Bộ GD-ĐT quy định.

Công bố kết quả thi lúc 8 giờ ngày 18.7

Theo kế hoạch của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, kết quả thi sẽ được công bố vào 8 giờ ngày 18.7.

Từ 10 - 30.7, tất cả TS sẽ thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Sau đó, TS có 7 ngày, từ 31.7 - 6.8 để nộp lệ phí xét tuyển.

Tại Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đến chiều 7.7 công tác chấm thi của tỉnh đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng công việc. Dự kiến trong đầu tuần này (khoảng ngày 10 - 11.7), công tác chấm thi sẽ cơ bản hoàn tất. Theo ông Phê, hiện việc chấm thi diễn ra tương đối thuận lợi. Đề thi và đáp án môn ngữ văn tương đối mở nhưng trước khi chấm chính thức, tổ chấm thi tự luận đã chấm chung một số lượng bài đủ lớn để thống nhất cách chấm, đảm bảo cao nhất quyền lợi của TS.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết đối với ban chấm thi tự luận, địa phương đặc biệt lưu ý những nội dung có tính mở, những bài làm vận dụng, sáng tạo của học sinh; đồng thời làm tốt công tác bảo quản bài thi, hồ sơ chấm thi theo quy định. Theo kế hoạch, công tác chấm thi tại tỉnh này sẽ hoàn thành vào ngày 10.7.

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Cẩn trọng từng khâu để không làm mất điểm thí sinh  - Ảnh 3.

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi tốt nghiệp kỳ thi THPT năm 2023. NHẬT THỊNH

Mọi khâu đều phải thực hiện đúng quy chế

Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết công tác làm phách bài thi tự luận được tiến hành một vòng nên ban làm phách được cách ly triệt để trong suốt thời gian được tập trung làm phách cho đến khi hoàn thành chấm bài thi tự luận. Theo ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, sở đã lựa chọn đội ngũ nhân sự tham gia chấm thi bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Tất cả các nhân sự tham gia đều có phẩm chất, năng lực chuyên môn tốt và được học tập rất kỹ quy chế thi, hướng dẫn chấm thi của Bộ và Sở GD-ĐT.

Tại tỉnh Điện Biên, với môn tự luận, mỗi ngày một GV chấm ít nhất 40 bài theo đúng định mức quy định. Sở GD-ĐT yêu cầu những vấn đề phát sinh phải được thảo luận, trao đổi cẩn thận, bám sát các quy định của quy chế; bảo đảm chất lượng và tiến độ chấm thi…

Tại Sơn La, một trong những "điểm nóng" từng xảy ra sai phạm chấm thi năm 2018, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT, yêu cầu các khâu, các bộ phận cần phải phối hợp làm việc nhịp nhàng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; khâu nhập điểm đảm bảo chính xác, không để sai sót; làm tốt việc bảo quản bài thi, hồ sơ chấm thi, tập hợp lưu trữ bài thi, hồ sơ thi đúng quy chế thi...

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Cẩn trọng từng khâu để không làm mất điểm thí sinh  - Ảnh 4.

Phụ huynh đợi con sau giờ thi. NHẬT THỊNH

Lưu ý những bài thi điểm cao hoặc điểm liệt

Bộ GD-ĐT cho biết mới đây bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dẫn đầu đoàn công tác số 3 của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chấm thi tại một số địa phương như Long An, Tiền Giang… Tại đây, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh yêu cầu công tác chấm thi phải thận trọng, chuyên nghiệp, phân công rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, cá nhân. Từng khâu nhỏ nhất của công tác chấm thi phải được quan tâm và thực hiện đúng quy chế, đảm bảo sự công bằng.

Bà Ngô Thị Minh cũng lưu ý điểm thi tốt nghiệp THPT ngoài việc được sử dụng để xét tốt nghiệp cho học sinh còn là căn cứ để đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng; do vậy những bài thi điểm cao hoặc điểm liệt phải được lưu tâm để điểm thi khi công bố thực sự chính xác, đánh giá kiến thức các em tiếp thu được sau 12 năm học tập ở bậc phổ thông.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu không chỉ trong quá trình chấm thi, khâu cộng điểm và ghi điểm chính thức cho TS cũng cần được tiến hành cẩn trọng, tuyệt đối chính xác để không ảnh hưởng đến quyền lợi và kết quả của các em trong kỳ thi này. 

Theo Tuệ Nguyễn/Thanh niên

https://thanhnien.vn/cham-thi-tot-nghiep-thpt-can-trong-tung-khau-de-khong-lam-mat-diem-thi-sinh-185230709233108822.htm

  • Từ khóa

Giáo dục theo truyền thống trong kỷ nguyên AI

Khi công nghệ AI và ứng dụng số xâm nhập vào đời sống, nhiều quốc gia lựa chọn hướng đi khác là duy trì và trở về phương pháp giáo dục truyền...
09:23 - 23/02/2025
512 lượt xem

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm quy định về dạy - học thêm

Ngành Giáo dục và chính quyền địa phương khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
07:38 - 22/02/2025
1,203 lượt xem

Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra về dạy thêm, học thêm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
18:05 - 21/02/2025
1,550 lượt xem

Phụ huynh yêu cầu vô lý, 154 học sinh vẫn... 'ăn Tết' chưa chịu đi học

Liên quan đến vụ 154 học sinh tại Quảng Bình vẫn chưa trở lại trường từ sau Tết vì cho rằng điểm trường chính xa, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều...
16:35 - 21/02/2025
1,595 lượt xem

Vì sao phụ huynh cho con học thêm?

Vì nhiều lý do, các bậc phụ huynh dù đôi khi dè sẻn từ nguồn thu nhập ít ỏi của mình, hầu hết đều phải cho con đi học thêm.
14:39 - 21/02/2025
2,220 lượt xem