11
/
154565
Thầy cô hiểu trò, trường học hạnh phúc
thay-co-hieu-tro-truong-hoc-hanh-phuc
news

Thầy cô hiểu trò, trường học hạnh phúc

Thứ 2, 09/10/2023 | 14:36:00
2,066 lượt xem

Không có đứa trẻ nào đến trường là hư hỏng nhưng cũng không phải tất cả trẻ đến trường đều hiền lành chăm chỉ, chỉ biết lo học bài, trả bài mà không đùa nghịch, quậy phá.

Thầy cô thấu hiểu học trò để có ứng xử sư phạm phù hợp, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui  - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thầy cô thấu hiểu học trò để có ứng xử sư phạm phù hợp, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nói đến giáo dục là nói đến ngôi trường và học sinh. Nói về học sinh là phải nhớ "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò". Làm người thầy phải hiểu, phải biết tường tận điều này để học tập, rèn luyện và ứng xử phù hợp trong môi trường sư phạm.

Bản năng của tuổi trẻ

"Nhân chi sơ tính bản thiện", nhưng đùa nghịch lại là bản năng của tuổi trẻ. Rủ nhau tìm cách ăn cắp một quả xoài, trái chuối rồi chia nhau, vui cười hỉ hả. Không phải vì các em thiếu ăn mà đó là khám phá và liều lĩnh để đạt được, để làm tăng sự vui vẻ.

Một miếng xoài, một trái ổi, đó là kết quả trải nghiệm thú vị của mưu trí, gan dạ mà trẻ con nghĩ ra. Trèo tường, leo rào trốn học, cùng nhau đi lang thang chẳng để làm gì mà như thấy cả một bầu trời tự do. Cũng như tự nhiên nhìn nhau, thấy "ngang ngang" thì... đánh nhau để tự thỏa mãn chí khí hùng anh, để bạn bè thấy mình mà nể "thằng này không biết sợ ai, thua ai".

Cũng có đứa ngồi ủ rũ, buồn hắt buồn hiu, không ai mắng không ai nhiếc mà buồn, không ai đánh mà khóc. Rồi bạn bè cãi nhau, giận nhau, thù nhau nên sinh ra chán nản, thấy cô độc, bèn không thèm đi học để đi bụi đời.

Khi còn là người trẻ, bạn bè rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn với nhau còn hơn cả anh chị em trong nhà. "Học thầy không tày học bạn", từ đây nhiều phẩm chất tốt đẹp bạn bè bổ sung cho nhau. Mà cũng từ đây sinh ra biết bao thói hư tật xấu làm cha mẹ lo lắng...

Mỗi đứa trẻ có một cách nghịch ngợm khác nhau. Con trai giờ ra chơi rình các bạn gái ngồi nói chuyện không để ý đến ai thì bò lại cột hai tà áo vào nhau rồi rủ mấy đứa bạn đứng chờ các cô nàng đứng dậy té lăn cù thì cả bọn cười vang. 

Còn các cô bé đem cóc ổi, bánh kẹo vô lớp ăn vụng trong giờ học thì ôi thôi ngon ơi là ngon! Cũng đâu phải các nữ sinh này thiếu ăn, nhưng cái ngon của ăn vụng trong lớp nó có cái ngon kỳ lạ của tuổi học trò mà không bàn tiệc nào có thể thấy ngon hơn!

Còn biết bao nhiêu cái thú vị của những trò nghịch ngợm, phá phách, chây lười, đanh đá hay hỗn hào của học trò. Như các bạn trong lớp biết tên cha mẹ thì gọi nhau bằng tên của tía thằng này, má thằng kia. Học trò còn đặt các biệt danh cho thầy cô của mình nữa. Trong lớp thì khoanh tay thưa thầy thưa cô nhưng tụ tập nhau thì chỉ kêu biệt danh này biệt danh nọ do các em gán tên.

Cũng có nhiều em mơ mộng, thích ngắm nắng xem mưa. Có em thích sưu tầm các thứ, làm bảo tàng trong ngăn kéo của mình. Có em thích đá banh, gặp trái gì tròn tròn là đá văng lên tận lầu cao...

Trẻ em phải là vậy.

Tuổi học trò thần tiên, thầy cô thiên thần

Tôi thích câu nói của đại văn hào Victor Hugo: "Không có cỏ dại cũng không có người xấu, mà chỉ có những kẻ kém việc cấy cày" (Những người khốn khổ). Khi chọn vào trường sư phạm để ra trường bước vào lớp học làm thầy làm cô, sinh viên phải học tập mất nhiều năm.

Trong đó, các môn tâm lý học như tâm lý thanh thiếu niên, tâm lý xã hội học, tâm lý giáo dục gia đình... được trau dồi cho thẩm thấu đến trái tim làm thầy trước khi nói đến phần tri thức chuyên môn.

Học sinh mỗi lớp học, mỗi cấp học, mỗi năm lớn thêm một tuổi, lên thêm một lớp, cân nặng thêm kg, sức vóc lớn rộng thì cũng có cách nổi loạn, phá phách, ương bướng khác nhau. Người thầy cần nhìn về học trò bằng ánh mắt và trái tim yêu thương, thấu hiểu từng em trong cái tập thể của lớp học, trường học.

Thầy cô cần hiểu gia cảnh từng em, có học sinh sống trong gia đình khá giả được cưng yêu, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Một lời mắng nhiếc, nạt nộ khiến các em tức tưởi, tủi thân. Còn có em trong nhà luôn bị chửi bới, nạt nộ, bị đòn roi thì chai lì, không còn biết sợ là gì.

Thầy cô cần biết được xuất phát điểm của các hành vi mà mỗi học sinh làm để có phương pháp giáo dục, giúp đỡ thật phù hợp, để nâng đỡ các em chứ không phải làm tổn thương.

Tuổi học trò, tuổi thần tiên vì có những thầy cô như thiên thần trong ngôi trường thân yêu chắp cánh cho các em trở thành những ngôi sao sáng đẹp, lung linh trên bầu trời Việt Nam.

Dạy dỗ

Dạy là phải dỗ! Dỗ là một nghệ thuật của nhà sư phạm. Thầy cô dỗ bằng trí thức mà cũng bằng bí quyết của mình. Rèn luyện học sinh một cách nhẹ nhàng, uốn nắn sai lầm các em một cách công phu để những bản năng của trẻ như cây còn cong queo, mỗi ngày mỗi ngày thêm một chút ngay, chút thẳng mà vươn lên.

Phải tỉ mẩn, phải kiên nhẫn từng li từng tí, mỗi giờ dạy mỗi ngày học giúp cho các mầm non đâm chồi nảy lộc, cho cây lá xanh tươi đến ngày các em tốt nghiệp, trưởng thành, ra trường làm một người công dân, làm người có học.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/thay-co-hieu-tro-truong-hoc-hanh-phuc-20231009085319961.htm 

  • Từ khóa

Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra về dạy thêm, học thêm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
18:05 - 21/02/2025
197 lượt xem

Phụ huynh yêu cầu vô lý, 154 học sinh vẫn... 'ăn Tết' chưa chịu đi học

Liên quan đến vụ 154 học sinh tại Quảng Bình vẫn chưa trở lại trường từ sau Tết vì cho rằng điểm trường chính xa, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều...
16:35 - 21/02/2025
285 lượt xem

Vì sao phụ huynh cho con học thêm?

Vì nhiều lý do, các bậc phụ huynh dù đôi khi dè sẻn từ nguồn thu nhập ít ỏi của mình, hầu hết đều phải cho con đi học thêm.
14:39 - 21/02/2025
313 lượt xem

Số thí sinh đăng ký dự thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tăng kỷ lục

Năm 2025, số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tăng kỷ lục so với cùng đợt đăng ký các năm trước.
10:47 - 21/02/2025
356 lượt xem

Pakistan: Ngôi trường trên xe bus

Chính phủ Pakistan đang triển khai mô hình 'Trường học trên bánh xe' nhằm hỗ trợ trẻ em tiếp cận giáo dục.
08:47 - 21/02/2025
395 lượt xem