11
/
175935
Quy định mới về dạy thêm, học thêm giúp tạo môi trường học đường lành mạnh
quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-giup-tao-moi-truong-hoc-duong-lanh-manh
news

Quy định mới về dạy thêm, học thêm giúp tạo môi trường học đường lành mạnh

Thứ 5, 06/02/2025 | 07:28:00
71 lượt xem

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định không được thu tiền với hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Giờ học tại Trường THCS-THPT Trưng Vương (Vĩnh Long). Ảnh: NTC

Quy định này được cho là sẽ trả lại môi trường học đường lành mạnh, bảo đảm nguyên tắc công bằng và tăng chất lượng dạy học chính khóa.

Đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ của nhà trường

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán (Hà Nội) cho rằng, dạy học thêm trong nhà trường có thu tiền dẫn đến vi phạm nguyên tắc công bằng; ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chính thức; tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh; làm giảm tính tích cực, nhân văn trong môi trường học đường.

Cụ thể, nhiều gia đình học sinh không có đủ khả năng tài chính để trả tiền học thêm có thể dẫn đến bất bình đẳng trong giáo dục; học sinh không có khả năng tài chính sẽ bị thiệt thòi, không có cơ hội học thêm như bạn bè. Thực tế đã có sự phân biệt đối xử, cách làm để “ép” học sinh phải học thêm ngay cả trong nhà trường.

Dạy thêm trong trường có thể làm giảm chất lượng giảng dạy chính thức khi giáo viên chú trọng quá nhiều vào học sinh tham gia học thêm, khiến việc giảng dạy không đồng đều và tận tâm. Hiện tượng giáo viên bớt xén bài giảng chính thức, dạy không nhiệt tình để phục vụ cho giờ dạy thêm làm méo mó mục tiêu dạy học.

Bên cạnh đó, học thêm có thể gây căng thẳng, áp lực cho học sinh, phụ huynh. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh yếu kém là trách nhiệm của nhà trường. Nếu hoạt động này có thu phí thì chứng tỏ trường chưa làm hết trách nhiệm.

“Vì những lý do này, tôi đề nghị cần thực hiện nghiêm túc Thông tư 29, cần dừng ngay việc dạy thêm có thu phí trong các cơ sở giáo dục, nhằm bảo vệ quyền lợi của học sinh và tạo ra môi trường học tập công bằng, chất lượng hơn”, thầy Trần Mạnh Tùng nêu quan điểm.

Thầy Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (TP Huế) nhận định, quy định tại Thông tư 29 phù hợp với Chương trình GDPT 2018 phát triển năng lực của người học, phù hợp xu thế phát triển xã hội. Văn bản ban hành tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho giáo viên dạy thêm, tránh tiêu cực, đồng thời bảo vệ quyền lợi học sinh và phụ huynh; tâm thế người dạy thêm cũng thoải mái.

Với Thông tư 29, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) bày tỏ đồng tình với những điểm mới, như: Dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ tổ chức với học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, lớp cuối cấp. Việc bồi dưỡng 3 đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền học học sinh.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng đồng tình với quy định cấm dạy thêm với học sinh tiểu học, vì với các em hoạt động chủ đạo là vui chơi, phát triển các năng lực cảm xúc xã hội. Cấm sắp xếp thời khóa biểu chính khóa, dạy thêm xen kẽ ngăn chặn được việc tạo áp lực về sự bất tiện để người học phải tự nguyện học thêm bắt buộc.

Điều này thể hiện tư tưởng của nền giáo dục nhân văn, hướng đến giáo dục mở - giáo dục suốt đời, vừa đảm bảo công bằng trong giáo dục, vừa đáp ứng nhu cầu và nhịp độ học tập đa dạng của học sinh; bên cạnh đó cũng quản lý hoạt động dạy thêm không phù hợp gây ra gánh nặng tài chính của các gia đình.

Ảnh minh họa INT

Đưa dạy học thêm vào quỹ đạo tích cực

“Tuy nhiên khi triển khai quy định này trên thực tế cần phối hợp đồng bộ các giải pháp. Cốt lõi là tư tưởng học để ứng thí phải được thay đổi triệt để sang việc học vì vẻ đẹp tri thức, thực học để phát triển tương lai sự nghiệp bền vững”. Nói điều này, PGS Trần Thành Nam cho rằng, học thêm và dạy thêm chỉ quản lý được khi chúng ta xác định chính xác đối tượng cần học và nhu cầu học tập chính đáng (đảm bảo tính vừa sức, tự nguyện).

Cần phải có các kênh thông tin đầu vào của người học về năng lực hiện tại, xu hướng tiềm năng, mục tiêu cá nhân và các điều kiện văn hóa, gia đình… để xác định đối tượng, nhu cầu học thêm một cách khách quan, định lượng chứ không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan, định tính.

Cùng với đó, đảm bảo chất lượng dạy thêm cần quản lý được thông tin quảng bá về khóa học (sau khóa học thêm, người học sẽ có thêm năng lực, phẩm chất, kỹ năng gì), nội dung chính được triển khai trong chương trình, đặc biệt là kết quả đánh giá đầu ra xem có đáp ứng những gì đã tuyên bố hay không. Để làm được điều này, chỉ có thể dựa vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số công tác quản lý dạy học. Không thể quản lý giáo viên dạy thêm bằng cách báo cáo hiệu trưởng theo cách trao đổi nhanh hay văn bản truyền thống.

“Tất cả thông tin đầu vào, đầu ra của người học phải được tuyên bố công khai để các bên (nhà trường, phụ huynh, cộng đồng) cùng theo dõi giám sát. Cần tận dụng sức mạnh của AI để phân tích dữ liệu học tập của học sinh, đưa ra đề xuất phù hợp về thời gian học, nội dung học thêm để không quá tải và theo thiên hướng nghề nghiệp, tiềm năng từng cá nhân.

Hệ thống này cũng giúp đánh giá chất lượng dạy của giáo viên trong từng lĩnh vực cụ thể, cung cấp phản hồi để giáo viên cải tiến chất lượng giảng dạy, chia sẻ với phụ huynh về sự tiến bộ của học sinh và cơ quan quản lý để đảm bảo tính minh bạch về nội dung, thời gian dạy thêm, tài chính mà thầy cô nhận được để triển khai trách nhiệm về thuế thu nhập cá nhân”, PGS Trần Thành Nam gợi ý thêm.

Nêu giải pháp để đưa dạy học thêm vào quỹ đạo tích cực, thầy Trần Mạnh Tùng nhấn mạnh đầu tiên đến làm tốt khâu đăng ký kinh doanh. Sở GD&ĐT, sở Kế hoạch và Đầu tư cần công khai các tiêu chí, điều kiện để đăng ký dạy thêm và nghiêm túc trong xét duyệt hồ sơ, cấp đăng ký kinh doanh.

Cùng đó làm tốt khâu quản lý hoạt động dạy thêm với việc các cấp chính quyền theo phân công nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm; các cấp quản lý giáo dục làm tốt việc quản lý chuyên môn và phối hợp thanh, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm; học sinh, phụ huynh, truyền thông và xã hội cùng tham gia giám sát. Đồng thời, cần phân rõ nhiệm vụ của các cấp trong quản lý hoạt động dạy thêm. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm khi nhà trường, giáo viên của mình vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm.

“Phải làm sao học sinh phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu, không để việc học thêm như nhu cầu của đa số học sinh như hiện nay. Ngoài ra, Chương trình GDPT mới tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Nếu đề thi thay đổi theo hướng này thì cũng tác động trở lại việc dạy - học, khi đó việc học thêm sẽ giảm. Thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh về học thêm cũng rất quan trọng.

Cần tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp thông tin để học sinh, phụ huynh nhận thức rõ khi nào cần học thêm, học cái gì và học như thế nào. Giảm áp lực thi cử, xây dựng thêm trường, lớp... đáp ứng quyền lợi của người học; chính sách tăng lương, thu nhập để giáo viên yên tâm với nghề, không phải bươn chải dạy thêm cũng là giải pháp quan trọng”, thầy Trần Mạnh Tùng cho hay.

Về hoạt động tổ chức ôn thi vào lớp 10, ôn thi tốt nghiệp THPT, tôi tin rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều nếu thầy cô phân định được rạch ròi trách nhiệm của người giáo viên (đã được trả lương từ ngân sách) để không bỏ lại học sinh nào phía sau, cũng như không để lãng phí một tài năng nào của đất nước.

Tất nhiên, như thế lương từ ngân sách phải được đảm bảo để giáo viên đủ tái tạo sức lao động và không phải phân tâm về khó khăn cơm áo gạo tiền. Luật Nhà giáo nếu được ban hành trong năm nay sẽ là nền tảng để xác lập vị thế và trả công cho các giáo viên một cách xứng đáng. - PGS.TS Trần Thành Nam

Theo Hiếu Nguyễn/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-moi-ve-day-them-hoc-them-giup-tao-moi-truong-hoc-duong-lanh-manh-post718259.html

  • Từ khóa

Học sinh, phụ huynh Hà Nội sốt ruột ngóng môn thi thứ ba vào lớp 10

Năm đầu tiên thi lớp 10 theo chương trình mới, quy chế mới và cả thay đổi lớn về ôn tập, dạy thêm nhưng đến nay học sinh Hà Nội vẫn chưa biết kế hoạch...
09:20 - 06/02/2025
20 lượt xem

Thi đại học có nhiều tổ hợp mới, ngành mới

Kỳ tuyển sinh đại học 2025 ghi nhận nhiều trường đại học mở thêm các ngành học mới, tổ hợp mới phù hợp với các môn thi tốt nghiệp THPT.
16:17 - 05/02/2025
444 lượt xem

Trung Quốc 'vượt mặt' Mỹ trong bảng xếp hạng toàn cầu

Trung Quốc đang khẳng định vị thế toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học...
14:42 - 05/02/2025
472 lượt xem

Làm sao khai thác thế mạnh của sổ liên lạc điện tử?

Có nhiều tiện ích nhưng việc sử dụng sổ liên lạc điện tử tại nhà trường thời gian qua lại không đồng nhất, gây ra một số ý kiến trái chiều.
10:30 - 05/02/2025
580 lượt xem

Ông Trump thất vọng vì giáo dục Mỹ xếp chót bảng, sẽ đóng cửa Bộ Giáo dục?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4-2 tuyên bố mong muốn có thể đóng cửa Bộ Giáo dục Mỹ bằng một sắc lệnh hành pháp, để các bang tự quản các trường học.
08:39 - 05/02/2025
608 lượt xem