Giáo dục cho trẻ mầm non và tiểu học tại các khu công nghiệp và khu chế xuất đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tiếp cận.
Cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư, trong đó có vấn đề về giáo dục. Ảnh: INT
Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp bảo đảm công bằng với trẻ nhập cư.
Rào cản tiếp cận giáo dục công lập
Từ kết quả nghiên cứu về đánh giá tiếp cận, công bằng giáo dục với trẻ nhập cư là học sinh tiểu học ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, vấn đề giáo dục cho trẻ em tại các khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức về tiếp cận và công bằng. Đây là khu vực có nhiều gia đình lao động nhập cư sinh sống.
Theo báo cáo tổng quan chính sách về công bằng trong tiếp cận giáo dục cho trẻ nhập cư tại các khu công nghiệp, chế xuất ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu, tại thành phố lớn trẻ em nhập cư chiếm đến 92% nhóm 5 tuổi và 86,4% nhóm độ tuổi tiểu học. Điều này làm phát sinh các vấn đề như: Thiếu hụt nguồn cung cấp dịch vụ hạ tầng - xã hội các địa phương nhiều khu công nghiệp; trong đó có giáo dục. Vô hình trung tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, chất lượng giáo dục kém và tạo gánh nặng chi phí cho các gia đình.
Thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu đô thị, công nghiệp tại các địa phương còn chưa đầy đủ và đồng bộ với phát triển đô thị, khu công nghiệp, do hạn chế nguồn lực thực hiện. Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam”, GS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện Xã hội học chia sẻ, việc tiếp cận dịch vụ giáo dục của con em lao động di cư còn hạn chế. Qua khảo sát cho thấy, các khu công nghiệp thiếu hụt trường mầm non, mẫu giáo. Hiện mới đáp ứng được 45% nhu cầu của người lao động di cư.
Đây là lý do khiến phần lớn trẻ em trong các gia đình di cư theo học các trường dân lập với chi phí cao hơn bởi hộ khẩu và tạm trú là vấn đề khó khăn. Ngoài ra, vấn đề hộ khẩu/tình trạng đăng ký cư trú là rào cản lớn trong tiếp cận hệ thống giáo dục công lập đối với lao động di cư.
Hiện, cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động, trong khi chỉ có 112 trường mầm non ở các khu này. TS Nguyễn Hải Hữu - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng, tình trạng thiếu trầm trọng cơ sở mầm non công lập cho trẻ em diễn ra phổ biến. Mặc dù, Chính phủ đã có chính sách phát triển trường mầm non trong khu có đông lao động nhưng quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non không đủ.
Vì thế, con em lao động di cư đang phải chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận giáo dục mầm non, cũng như quyền thụ hưởng chăm sóc, vui chơi. Do thiếu nhà trẻ, mẫu giáo phục vụ cho con em công nhân và người dân địa phương, nên không ít cơ sở mầm non tư thục, dân lập được mở ra để lao động nhập cư gửi con. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ tiền để gửi con vào những cơ sở giáo dục này. Nhiều cặp vợ chồng trẻ thường gửi con về quê cho ông bà chăm sóc.
Lớp học tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Điệp Quyên
Khoảng trống trong bảo đảm an sinh xã hội
Từ thực trạng nêu trên, PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) cho rằng, vấn đề an sinh xã hội là yếu tố quan trọng và thiết yếu. Chính sách an sinh xã hội đúng đắn là động lực to lớn để phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả quan trọng đạt được, việc bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta còn khoảng trống, mức độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội chưa cao, đối tượng hẹp. Do đó, bài toán cấp bách đặt ra là, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo PGS.TS Lê Mạnh Hùng, trong quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước nhiều lần khẳng định vai trò của an sinh xã hội và ban hành nhiều chính sách nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Bảo đảm an sinh xã hội thành tiêu chí và coi đó là đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Chính sách an sinh xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người được Đảng ta xác định là động lực to lớn để phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân.
Từ quan điểm trên, GS.TS Lê Anh Vinh cho hay, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tiếp cận công bằng giáo dục với trẻ nhập cư ở các khu công nghiệp và khu chế xuất. Theo đó, cần tăng cường, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, quy hoạch, hỗ trợ tài chính và học phí, đảm bảo đội ngũ giáo viên và chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, cần có chính sách về cư trú cho các gia đình di cư, phát triển mô hình trường học hòa nhập, phối hợp liên ngành, hợp tác công tư, hoàn thiện thể chế, chính sách, tăng cường phân cấp gắn với trách nhiệm đồng thời thực hiện giám sát và đánh giá.
Bà Lê Anh Lan - chuyên gia giáo dục thuộc UNICEF Việt Nam khẳng định sẽ đồng hành, phối hợp với Bộ GD&ĐT và các đơn vị liên quan, nhằm mang lại cho trẻ em Việt Nam cơ hội học tập tốt nhất, quyền học tập bình đẳng. Theo đó, tất cả trẻ em được đến trường, thu hẹp khoảng cách vùng miền của trẻ em Việt Nam.
Từ năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; trong đó có chính sách đặc thù đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động. Cùng với quy định của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn để các địa phương đầu tư phát triển giáo dục tại các khu công nghiệp, tập trung đông công nhân.
Theo Minh Phong/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/cong-bang-giao-duc-voi-tre-nhap-cu-post718735.html