19
/
172420
Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh ký văn bản khẩn kêu cứu gửi Quốc hội
hon-30-doanh-nghiep-dien-anh-ky-van-ban-khan-keu-cuu-gui-quoc-hoi
news

Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh ký văn bản khẩn kêu cứu gửi Quốc hội

Thứ 6, 15/11/2024 | 15:52:00
1,877 lượt xem

Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh cùng ký vào văn bản khẩn về điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, sẽ bấm nút thông qua ngày 26-11 tới.

Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh gửi văn bản khẩn về điều chỉnh thuế tới Quốc hội - Ảnh 1.

Mai của Trấn Thành là một trong những phim thắng phòng vé nhưng không phải phim nào cũng thế - Ảnh: ĐPCC

Hiện dự thảo thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất tăng thuế lên gấp đôi với các lĩnh vực văn hóa và thể thao, đang được lấy ý kiến tại nghị trường.

Văn bản khẩn trên được gửi đi ngày 12-11 có con dấu hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh gửi tới Quốc hội và Chính phủ.

Trong danh sách trên có nhiều cái tên đáng chú ý như BHD, CJ CGV, Thiên Ngân, Mega GS, DCine, Beta Media, Hoan Khuê, ABC Picrutes, Daylight, Chánh Phương Phim, CJ HK, VCCorp, 89s Group, Thu Trang…

Hôm nay (15-11), nhiều đạo diễn, nhà làm phim cũng chia sẻ về vấn đề này.

Các doanh nghiệp đề xuất giữ mức thuế 5%, thậm chí còn giảm

Trong văn bản gửi đi, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và chiếu phim "không xin Nhà nước đầu tư tài chính, không xin cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực, mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp ổn định". Trong đó có vấn đề thuế VAT.

"Nếu Nhà nước không thể giảm thuế, chúng tôi xin đừng tăng thêm thuế cho người dân khi thụ hưởng các giá trị điện ảnh do chúng tôi phục vụ", văn bản nêu.

Các doanh nghiệp đưa ra ba lập luận.

1. Điện ảnh là một phần quan trọng của hoạt động văn hóa dân tộc, Đảng và Nhà nước luôn rất quan tâm đến lĩnh vực.

Các doanh nghiệp điện ảnh đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu chung của ngành mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong quyết định 2156/QĐ-TTg.

Mặt khác Luật Điện ảnh năm 2022 cũng quy định: "Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh…".

2. Sau COVID-19, tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (thời điểm trước dịch) và đang gặp rất nhiều khó khăn.

3. Bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch giảm, tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp điện ảnh.

"Việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh", văn bản nêu.

Văn bản cho rằng đề xuất tăng thuế suất từ 5% lên 10% là không có bất kỳ lý giải hay lập luận khoa học và thực tiễn nào. Thậm chí các doanh nghiệp còn đề nghị giảm 2% so với mức hiện nay.

Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh gửi văn bản khẩn về điều chỉnh thuế tới Quốc hội - Ảnh 2.

Ông Vi Kiến Thành - Ảnh: NAM TRẦN

Cục trưởng Cục Điện ảnh: "Mong Quốc hội hết sức cân nhắc"

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói với Tuổi Trẻ Online, ở góc độ một cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, cục cũng cho rằng "việc nâng thuế lên gấp đôi không phù hợp trong khi muốn chấn hưng phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh".

Theo ông Thành, để phát triển điện ảnh, một trong những chính sách cần quan tâm là giảm thuế. Ở ta, không được giảm còn đề xuất tăng. Điều này đi ngược lại đường lối khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển văn hóa và điện ảnh thời gian qua.

"Mong Quốc hội hết sức cân nhắc vì nếu tăng thuế sẽ ảnh hưởng rất nặng tới sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hiện nay", ông Thành nói.

Lãnh đạo cục bày tỏ thêm, "điện ảnh Việt Nam hiện nay khó khăn nhiều hơn là thuận lợi. Đừng thấy các phim trăm tỉ mà cho rằng đó là thuận lợi. Không phải đâu".

"Hiện điện ảnh Việt Nam mới khôi phục lại được như trước thời điểm COVID-19, chưa có sự phát triển nào lạc quan ở đây nên tăng thuế là việc không phù hợp", ông phát biểu.

Trước đó, tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cũng cho rằng trong giai đoạn mà lĩnh vực văn hóa cần được quan tâm đặc biệt như hiện nay, cần tạo một môi trường thuận lợi cho văn hóa phát triển, trong đó có thuế. Vì thế, tăng thuế như vậy là "vô lý".

"Kêu gọi các nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, các hiệp hội, ban ngành... có thêm tiếng nói để có thêm sự đồng thuận để giữ nguyên mức thuế 5% như hiện nay", ông Bùi Hoài Sơn nói giữa hội thảo.

Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh gửi văn bản khẩn về điều chỉnh thuế tới Quốc hội - Ảnh 3.

Từ trái qua: đạo diễn Charlie Nguyễn, Phan Gia Nhật Linh, Bùi Thạc Chuyên

"Toàn ngành điện ảnh Việt đang nín thở"

Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: "Toàn ngành điện ảnh Việt đang nín thở chờ ngày 26-11, ngày Quốc hội biểu quyết về việc tăng thuế VAT lên gấp đôi".

Theo anh, trong khi các quốc gia đang nỗ lực cạnh tranh bằng các chính sách hoàn/giảm/miễn thuế để thu hút các nhà làm phim, quảng bá văn hóa và thúc đẩy du lịch địa phương thì điện ảnh Việt Nam không những không được giảm mà phải "cầu xin đừng tăng thuế...".

"Nếu vẫn tăng thuế chắc chắn tác động rất lớn tới toàn ngành. Đặc biệt các dự án phim của các nhà làm phim trẻ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm cơ hội", anh nói.

"Đây là ngành rủi ro và mạo hiểm lớn. Nếu tăng thuế, chỉ sợ không ai dám làm phim nữa", đạo diễn Charlie nói.

Hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh gửi văn bản khẩn về điều chỉnh thuế tới Quốc hội - Ảnh 5.

Phim Lật mặt 7 của Lý Hải - Ảnh: ĐPCC

Còn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, trong lúc đang cần những hỗ trợ thiết thực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (sau loạt hội nghị, hội thảo, tọa đàm về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua), đề xuất tăng thuế gấp đôi (từ 5% lên 10%) khiến anh "ngỡ ngàng".

Bùi Thạc Chuyên "hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ cân nhắc và có quyết định đúng đắn" và xem đó như "một hành động thiết thực cho khát vọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam".

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng trong thực tế, ngoài vài phim thắng đậm phòng vé của Trấn Thành và Lý Hải thì các phim còn lại vẫn còn chật vật để hòa vốn.

"Việc đánh thuế cao chỉ khiến cho những nhà làm phim muốn đầu tư trau chuốt càng e ngại hơn, dẫn đến việc càng khó thúc đẩy cho sự đa dạng phong phú của điện ảnh Việt", anh nói

Theo Đậu Dung/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/hon-30-doanh-nghiep-dien-anh-ky-van-ban-khan-keu-cuu-gui-quoc-hoi-20241115134433027.htm#content-3 

  • Từ khóa

Vụ quán ăn 'chặt chém' khách: Đến lúc cân nhắc xử lý hình sự để răn đe

Nhiều nghệ sĩ cho rằng việc các hàng quán 'chặt chém' thực khách tạo hình ảnh xấu đến du lịch Việt Nam, cần có biện pháp xử lý nghiêm để giải quyết triệt...
15:58 - 05/02/2025
326 lượt xem

Du lịch về nguồn - loại hình thế mạnh của ngành “công nghiệp không khói” Việt Nam

Trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng vẻ vang với những chiến công chói lọi chống lại giặc ngoại...
14:47 - 05/02/2025
344 lượt xem

Tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025

Từ ngày 14 đến 16/2, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, sẽ diễn ra Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025. Đây là hoạt động...
11:23 - 05/02/2025
435 lượt xem

Phú Quốc quyết không để xảy ra nạn 'chặt chém', ép du khách

Đoàn kiểm tra liên ngành 389 TP Phú Quốc hôm nay kiểm tra các cơ sở, điểm bán đồ ăn, quà đặc sản lưu niệm ở chợ đêm Phú Quốc, không để xảy ra tình trạng...
10:10 - 05/02/2025
461 lượt xem

Đi lễ chùa thì cầu xin điều gì để có ‘một đời sống sáng’?

‘Khi đến chùa thì đừng cầu xin gì. Cứ rỗng rang, không xin xỏ gì đã là tự sinh phước, tự được tất cả những gì mình muốn mà không cần xin và chờ’.
09:51 - 05/02/2025
449 lượt xem