19
/
175878
Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
gin-giu-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the
news

Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Thứ 4, 05/02/2025 | 08:24:00
70 lượt xem

Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được tạo nên từ những lời hát, câu hò đầy nét mộc mạc. Theo tiến trình phát triển, bài chòi đã có một chỗ đứng vững chắc trong lòng nhiều thế hệ người dân. Thực hành di sản bài chòi dựa trên hai yếu tố là đàn và hô hát. Ðể bài chòi luôn tồn tại thì tinh thần trách nhiệm của mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ trong khi trình diễn là điều quan trọng nhất.

Nghệ sĩ Huyền Tân (bên phải) và Nghệ nhân Ưu tú Hồ Thanh Châu say mê nghệ thuật bài chòi. (Ảnh PHÚ TÂN)

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 7/12/2017, di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tính đại chúng, dễ nghe, dễ hiểu của bài chòi được thể hiện thông qua bốn làn điệu chính gồm: Xàng xê, Xuân nữ, Cổ bản và hò Quảng.

Hiện tại, thành phố Ðà Nẵng có sáu Nghệ nhân Ưu tú trong bộ môn bài chòi gồm: Hồ Thanh Châu, Phạm Hồng Thái, Lê Văn Dân, Ðỗ Hữu Quế, Võ Thị Ninh và Văn Phước Phô. Họ là sáu gam mầu riêng biệt cùng tham gia vào hành trình bảo tồn nghệ thuật bài chòi.

Trong cuộc sống thường nhật, mỗi nghệ nhân mang một tính cách khác nhau. Dẫu vậy, khi ánh đèn sân khấu sáng lên, ngọn lửa nghề thôi thúc họ cùng hướng đến giá trị tinh thần đầy nhân văn, bác ái.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Thái (56 tuổi) trú tại thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Ðà Nẵng) cho biết, bản thân ông đã có 40 năm trình diễn bài chòi. Nhớ lại những năm tháng thanh niên, ông Thái luôn trân quý cơ duyên được tham gia đoàn thông tin lưu động xã Hòa Phong. Cơ hội tiếp xúc với các nghệ nhân ca kịch đã tạo bước đệm để ông dấn thân vào nghiệp trình diễn bài chòi cho đến hiện nay.

“Vai trò chính của tôi trong đoàn là một nhạc công. Tuy nhiên, do bản thân quá say mê nghệ thuật bài chòi cho nên ngoài thời gian trình diễn, tôi tự tìm hiểu và nghiên cứu sâu về nó. Thực chất, nghệ thuật bài chòi không đặt nặng yếu tố sách vở, khoa học. Nhờ có tính dân dã cho nên hầu như mọi lứa tuổi đều thích bài chòi. Những năm qua, mỗi lần Câu lạc bộ bài chòi Sông Yên của chúng tôi đi trình diễn, người dân các làng xã đều ủng hộ nhiệt tình”, ông Thái cho biết.

Kỳ lạ thay, mọi câu ca dao, tục ngữ đều dễ dàng trở thành câu hát trong bài chòi. Khi trình diễn, người hô hát khéo léo áp dụng bốn làn điệu nhằm tạo tính mới mẻ, thu hút khán giả, nhờ đó, một nhiệm vụ quan trọng khác mà câu lạc bộ bài chòi thường làm là tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân.

Các kịch bản bài chòi theo hướng tuyên truyền thường ngắn gọn dưới năm phút. Bằng lối trình diễn dí dỏm, người dân dễ dàng tiếp thu và hiểu đúng các thông tin. Mặt khác, tính cách bộc trực, thẳng thắn của người miền trung trở thành điểm mạnh khi tuyên truyền thông tin bằng bài chòi.

Ông Thái vẫn nhớ như in, giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước, người dân ở các làng xã luôn trông chờ đoàn bài chòi về địa phương của mình. Thuở đó, người dân chủ yếu làm công việc đồng áng nặng nhọc.

Phút giây thư giãn của họ chính là được xem bài chòi cùng những nụ cười giòn tan. Từ sân khấu nhìn xuống, ông Thái dễ dàng nhận ra sân vận động xã đã chật kín người. Ðó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất đối với đoàn diễn.

Nhìn nhận về câu chuyện xây dựng lớp thế hệ tiếp nối nghệ thuật bài chòi, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Thái nhấn mạnh, độ tuổi tốt nhất để bồi dưỡng, rèn luyện bài chòi là từ 6-10 tuổi. Sở dĩ cần đào tạo cho các em nhỏ từ sớm là bởi trong độ tuổi này, khả năng tiếp thu, cảm xúc với âm nhạc nói chung và bài chòi nói riêng sẽ dễ nhất.

Chỉ cần mỗi trường học có một vài em học sinh yêu thích và biết hô hát ở mức cơ bản thì bài chòi sẽ mãi tồn tại. Thực tế hiện nay, toàn bộ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Hòa Vang đều đã có câu lạc bộ “Em hát dân ca” để làm nền tảng đào tạo bài chòi. Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Thái là người thầy trực tiếp hướng dẫn, luyện tập cho các em học sinh.

Bài chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh PHÚ TÂN)

Nét duyên đậm tình của xứ Quảng

“Ngày còn nhỏ, nhạc truyền thống nói chung và thể loại tuồng cổ, cải lương nói riêng có một sức hút đặc biệt đối với tôi. Giai đoạn những năm học trung học cơ sở tôi mới biết đến dân ca thông qua ca khúc “Về đây với phố tình thâm” của Nghệ sĩ Ưu tú Ðỗ Linh”, nghệ sĩ Huyền Tân (tên thật là Nguyễn Thị Phú Tân, 40 tuổi) Chủ nhiệm Câu lạc bộ bài chòi Sông Hàn nhớ lại dấu mốc đến với dân ca của mình.

Từ nghìn xưa, ca dao Việt Nam đã nhắn nhủ “Ðàn bầu ai gảy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Dẫu vậy, nghệ sĩ Huyền Tân luôn dành tình cảm cho loại nhạc cụ thú vị này. Ðàn bầu là một trong các nhạc cụ được sử dụng để trình diễn bài chòi. Mỗi khi nghe tiếng đàn bầu vang lên, chị Huyền Tân như được nhận thêm một năng lượng mạnh mẽ, đủ sức thể hiện hàng trăm câu hát trên sân khấu.

Hành trình tìm hiểu, tiếp nhận từng kiến thức và kỹ năng trình diễn bài chòi của chị Huyền Tân không hề dễ dàng. Năm 2018, khi đang có một công việc văn phòng ổn định, chị Huyền Tân quyết định nghỉ việc để rẽ lối sang lĩnh vực hô hát bài chòi. Chị Huyền Tân đặt mục tiêu phải gắn bó lâu dài với nghệ thuật bài chòi nhưng đây là thể loại ít người theo đuổi cho nên số lượng những người thầy dạy bài chòi ở miền trung chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nghệ sĩ Ưu tú Ðỗ Linh là người trực tiếp dẫn dắt, bồi dưỡng chị Huyền Tân trong giai đoạn xây dựng nền tảng kiến thức về nghệ thuật bài chòi. Theo đó, một buổi trình diễn bài chòi luôn có nhiều tiêu chí như chất lượng giọng hô hát, sự phù hợp nội dung lời hát trong từng không gian, hoàn cảnh và khán giả.

“Từ tiếng đàn đến lời ca trong bài chòi đều chứa đựng tính hướng thiện sâu sắc. Mỗi lần lên sân khấu, cảm xúc của chúng tôi thường sẽ thiên biến vạn hóa theo lời hô hát cũng như tâm trạng của người xem. Trong bộ 30 thẻ bài chòi, mỗi thẻ gợi cho bản thân người hô hát niềm tự hào, niềm tin mãnh liệt về nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam. Với tôi, mỗi ngày được nghe một vài câu hát bài chòi hoặc nhạc quê hương là điều hạnh phúc nhất”, nghệ sĩ Huyền Tân cho hay.

Những quan điểm, ý tứ trong đời sống được đưa vào nội dung bài chòi một cách khéo léo, uyển chuyển vừa giúp người nghe thư giãn, đồng thời mang theo những thông điệp tích cực cho cộng đồng.

Những năm qua, mỗi anh hiệu (là nhân vật trung tâm của bài chòi, trực tiếp hô hát mang đậm dấu ấn cá nhân), chị hiệu trong Câu lạc bộ bài chòi Sông Hàn dần trở nên quen thuộc với người dân thành phố Ðà Nẵng. Ðiều đáng mừng là câu lạc bộ này đã tìm được một số nhân tố đầy tiềm năng.

Là người dân gốc tỉnh Quảng Nam, anh Phan Ngọc Sa có chất giọng hoàn toàn phù hợp để trình diễn bài chòi. Từ vị trí chạy cờ, người hô hát phụ rồi đến vị trí hát chính, anh Sa dễ dàng tiếp thu các kỹ năng biểu diễn và xử lý trên sân khấu.

Khi anh Phan Ngọc Sa đề nghị được tách khỏi Câu lạc bộ bài chòi Sông Hàn để về quê và thành lập một đội bài chòi mới ở thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), chị Huyền Tân tin tưởng rằng, nỗ lực phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi đã có thêm một “mầm xanh”.

“Chúng ta lưu giữ nét đẹp của nghệ thuật bài chòi chính là góp chút sức lực nhỏ bé để cùng giữ gìn và phát triển một nét văn hóa dân tộc. Lớp thế hệ chúng tôi luôn sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm cùng nguồn năng lượng, đam mê với nghề đến lớp sau. Hiện tại, nếu chúng ta không “đốt lên ngọn lửa” cho bài chòi thì sau này, nó chỉ còn là quá vãng”, nghệ sĩ Huyền Tân chia sẻ.

Bài chòi cần tính tương tác rất cao giữa người xem và các anh hiệu, chị hiệu, nhạc công. Nếu người hô hát bài chòi thiên về giọng ca (hát rõ lời, rõ dấu, luyến láy) thì nhạc công cần có khả năng nhạy cảm, vừa quen tai (để bắt theo nhịp) và quen tay (xử lý nhạc cụ). Do đó, trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh việc bồi dưỡng nên một thế hệ người trẻ làm nhạc công chuyên về nhạc cụ dân tộc và hô hát bài chòi thuần thục, đầy năng lượng.

Theo Nhân Dân

https://nhandan.vn/gin-giu-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-phi-vat-the-post858669.html


  • Từ khóa

Phú Quốc quyết không để xảy ra nạn 'chặt chém', ép du khách

Đoàn kiểm tra liên ngành 389 TP Phú Quốc hôm nay kiểm tra các cơ sở, điểm bán đồ ăn, quà đặc sản lưu niệm ở chợ đêm Phú Quốc, không để xảy ra tình trạng...
10:10 - 05/02/2025
35 lượt xem

Đi lễ chùa thì cầu xin điều gì để có ‘một đời sống sáng’?

‘Khi đến chùa thì đừng cầu xin gì. Cứ rỗng rang, không xin xỏ gì đã là tự sinh phước, tự được tất cả những gì mình muốn mà không cần xin và chờ’.
09:51 - 05/02/2025
33 lượt xem

Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Lê Văn Duyệt, mong vạn vật phát triển thái hòa

Sáng 4-2, lễ hội Khai hạ - Cầu an diễn ra tại lăng Lê Văn Duyệt, gồm nhiều nghi lễ trang trọng như: khai hạ, khai bút, khai ấn, dâng hương... với ý nghĩa...
16:15 - 04/02/2025
466 lượt xem

Jisoo BlackPink tổ chức fan meeting tại Hà Nội

Jisoo (BlackPink) vừa công bố danh sách các quốc gia nằm trong chuyến lưu diễn vòng quanh châu Á, trong đó có Việt Nam.
14:59 - 04/02/2025
493 lượt xem

Hà Nam bảo tồn và phát huy không gian lễ hội Tịch điền

Ngày 4/2 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025), trên cánh đồng Tịch điền (thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn), Ủy ban nhân dân thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tổ...
14:40 - 04/02/2025
487 lượt xem