Mặc dù đã nỗ lực thực hiện tốt chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, song tỉnh Điện Biên lại gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền tỉnh tập trung chỉ đạo, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả.
Đại diện hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khơ Mú ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vui mừng nhận nhà ở mới do Bộ Quốc phòng hỗ trợ.
Đánh giá về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đã và đang được triển khai trên địa bàn, đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: “Chính sách hỗ trợ, phát triển nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công; nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp; nhà ở xã hội dành cho các gia đình, cá nhân thuộc diện phải thu hồi đất hoặc ở trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu,… hiện tại đang được tỉnh triển khai đồng thời theo từng nhóm đối tượng”.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, tỉnh mới thực hiện tốt chính sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí để hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn làm mới, sửa chữa nhà ở với mức hỗ trợ bình quân từ 50-60 triệu đồng/nhà. Việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội mới đáp ứng một phần nhu cầu, riêng nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp thì Điện Biên chưa triển khai được dự án nào.
Cụ thể, việc xây dựng nhà ở công vụ (nhà làm việc, nhà công tác cho cán bộ, công chức, giáo viên và cán bộ ngành y tế,…) mới đáp ứng hơn 54% so với kế hoạch đặt ra; nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp chưa được triển khai, cho nên hiện tại các công ty, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đều chủ động bố trí nhà ở cho công nhân, người lao động. Còn việc phát triển nhà ở xã hội thì hiện chưa có dự án nào được phê duyệt triển khai vì tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể đủ sức hấp dẫn.
Dẫn chứng kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số làm mới hoặc sửa chữa nhà ở từ nguồn vốn xã hội hóa, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí Phạm Đức Toàn cho biết: 5 năm qua, tỉnh đã làm mới, sửa chữa hơn 12 nghìn ngôi nhà cho các đối tượng. Riêng năm 2024, Điện Biên đã hỗ trợ 2.534 gia đình làm mới, sửa chữa nhà ở, trong đó có 572 nhà ở cho người có công, gia đình người có công và cựu chiến binh được hỗ trợ gần 21 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (hơn 82,735 tỷ đồng), tỉnh đã triển khai làm mới, sửa chữa nhà ở cho 1.647 hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật). Từ nguồn vận động của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo tỉnh” đã xây dựng kế hoạch, phân bổ hỗ trợ 315 hộ làm nhà ở với tổng kinh phí hơn 15,75 tỷ đồng.
Việc thực hiện các dự án san nền, hỗ trợ nhà ở đối với các gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất, giải tỏa, phá dỡ nhà ở và các gia đình tại khu vực nông thôn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu được quan tâm thực hiện kịp thời. Hiện tại tỉnh đã hoàn thành 5 dự án phát triển nhà ở trên nền đất tái định cư, đã bố trí 778 lô, đồng thời tiếp tục cải tạo quỹ đất tái định cư, bảo đảm bố trí 1.261 lô với tổng diện tích dự kiến 145.767 m2.
Lý giải thực trạng tỉnh nghèo, có nhiều đối tượng thật sự có nhu cầu về nhà ở nhưng lại chưa có một dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tập trung nào được triển khai, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Điện Biên Bùi Văn Luyện chỉ rõ: Nguyên nhân khách quan là do thị trường nhà đất ở Điện Biên không sôi động, hấp dẫn như các địa phương khác. Nguyên nhân chủ quan là do khó khăn về nguồn vốn, tỉnh lại chưa có chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Hiện tại, cả tỉnh mới có một nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng đề xuất dự án nhà ở xã hội tại thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay, tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng. Ngày 7/2 vừa qua, nhà đầu tư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý nghiên cứu khảo sát, lập đề xuất đầu tư dự án; đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh giao các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay chủ động hỗ trợ, cung cấp tài liệu và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện quy trình đầu tư bảo đảm đúng quy định, thuận tiện nhất.
Đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số,… song đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên vẫn nghiêm khắc phê bình sự chậm trễ của một số đơn vị trong triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà thuê, nhà để bán cho các đối tượng có thu nhập thấp, trong khi nhóm đối tượng này đang có nhu cầu bức thiết và đây là nhu cầu rất chính đáng.
Đồng chí Trần Quốc Cường chỉ rõ: Các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp huyện còn lúng túng trong triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà để bán và cho thuê dành cho nhóm có thu nhập thấp. Sự lúng túng này biểu hiện ngay từ khâu xác định quỹ đất, tài chính, nguồn lực và đơn vị thực hiện. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội tỉnh, mà chủ công là Sở Xây dựng, Sở Tài chính được yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ, tham mưu hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư “thật sự hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư” thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Lưu ý việc xây dựng chính sách phải “đủ mạnh” về tài chính, tạo điều kiện ưu đãi về thủ tục cho nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Xây dựng khi nghiên cứu, trình chính sách cần làm rõ sự phân cấp, phân quyền giữa cấp tỉnh và cấp huyện trong thực hiện dự án đầu tư nhà ở xã hội bảo đảm thuận lợi cho địa phương và nhà đầu tư; tránh tình trạng tỉnh làm thay huyện hoặc ngành làm thay huyện trong kêu gọi thực hiện dự án.
Việc rà soát, đánh giá, dự báo nhu cầu nhà ở xã hội; nhất là nhóm đối tượng có thu nhập thấp phải được thực hiện thường xuyên để có cơ sở kêu gọi xã hội hóa nguồn lực, thu hút xúc tiến đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đối với cấp huyện, theo thẩm quyền phải chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiểu, hợp tác phát triển các dự án.
Theo Lê Lan/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/chung-tay-thuc-hien-chinh-sach-phat-trien-nha-o-xa-hoi-post859932.html