Tái chế công nghiệp là quy trình rất phức tạp, đặc biệt là khâu phân loại kim loại phế liệu.
Từ trước đến nay, phần lớn kim loại phế liệu ở Mỹ được vận chuyển ra nước ngoài và phân loại bằng tay hoặc nấu chảy thành các vật liệu chất lượng thấp hơn với mức độ ứng dụng hạn chế hơn.
Sortera, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thị trấn Markle, bang Indiana - Mỹ, đã có có cách phân loại tốt hơn. Công ty này sản xuất thiết bị phân loại tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), chức năng phân tích dữ liệu và cả cảm biến tiên tiến để phân loại nhôm với khối lượng lớn và chi phí thấp. Tuy nhiên, thay vì bán hoặc cấp phép công nghệ của mình, họ tự ứng dụng công nghệ này tại cơ sở phân loại ở Markle và có kế hoạch mở rộng thêm các cơ sở khác trong năm nay.
Tại Markle, Sortera phân loại nhôm vụn thành các hợp kim khác nhau, hoặc phân loại tùy theo loại và cấp độ nhôm, với độ chính xác theo họ là lên đến 95%. "Những sản phẩm bị loại bỏ như ô tô, máy giặt... vốn đều bị xé vụn và tất cả vật liệu hỗn hợp đó không còn giá trị nữa. Việc chúng tôi làm là phân loại để có thể tái sử dụng tất cả các mảnh đó" - ông Michael Siemer, giám đốc điều hành của Sortera, giải thích với kênh CNBC.
Quy trình phân loại nhôm phế liệu của Sortera ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ảnh: SORTERA TECHNOLOGIES
Ông Ben Pope, phó chủ tịch cấp cao phụ trách vận hành và phát triển thương mại của Sortera, cung cấp thêm thông tin: Sortera kết hợp nhiều cảm biến, thêm AI và phần mềm riêng của mình để đạt được năng suất phân loại từ 5-8 tấn mỗi giờ đối với các vật liệu hỗn hợp cao. Hệ thống của chúng tôi hiện có 6 cảm biến. Tất cả chúng gửi dữ liệu đến một máy tính và máy tính đó sẽ đưa ra quyết định phân loại.
Công nghệ của Sortera phân tích từng mảnh vật liệu, thu thập dữ liệu bao gồm kích thước, mật độ, phân loại hóa học và dạng sản phẩm... nhằm quyết định xem chúng là vật liệu rèn hay đúc. Những điểm dữ liệu này giúp Sortera đưa ra quyết định nhất quán và có thể lặp lại trong quy trình phân loại, theo ông Pope.
Bên cạnh nhôm, Sortera đã lên kế hoạch mở rộng sang phân loại các kim loại phế liệu khác. Công nghệ của họ có tính mô-đun nên dễ dàng ứng dụng ở nhiều nơi, phục vụ nhu cầu nghiệp phát triển nhanh chóng. "Họ đã mang công nghệ thế kỷ XXI vào một ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời như kim loại, đồng thời tiên phong trong việc mở rộng quy mô ngành" - ông Kyle Teamey, đối tác quản lý tại quỹ đầu tư RA Capital, nhận xét.
Sortera cho hay quy trình của họ sử dụng rất ít năng lượng và không cần nước, đồng thời không thải gì thêm ra bãi rác. Thành lập từ năm 2020, Sortera cũng tự tin rằng họ là công ty duy nhất ở Mỹ có công nghệ phân loại nhôm để tái sử dụng với chất lượng cao nhất.
Theo Hải Ngọc/ Người lao động
https://nld.com.vn/phan-loai-nhom-phe-lieu-bang-cong-nghe-ai-196250218204246097.htm