4
/
176570
Ly nước mía, nước dừa cũng tăng giá nên phải thắt chặt chi tiêu
ly-nuoc-mia-nuoc-dua-cung-tang-gia-nen-phai-that-chat-chi-tieu
news

Ly nước mía, nước dừa cũng tăng giá nên phải thắt chặt chi tiêu

Thứ 4, 19/02/2025 | 14:33:26
994 lượt xem

Cắt giảm tiền đi chợ, hạn chế mua sắm, Tết chỉ tiêu xài khiêm tốn... nhưng nhiều bạn đọc cho biết vẫn đang chật vật do thu nhập giảm sút, trong khi một số mặt hàng thiết yếu, đồ ăn lại đang tăng giá.

Ly nước mía, nước dừa cũng tăng giá nên phải thắt chặt chi tiêu - Ảnh 1.

Nhiều chợ truyền thống rơi vào cảnh ế ẩm kéo dài - Ảnh: QUANG BẢO

Bài viết "Chợ ế, siêu thị thưa khách 'không ngờ', do đâu?" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 18-2 thu hút nhiều ý kiến từ bạn đọc, trong đó đa phần chỉ ra nguyên nhân do người dân thắt chặt chi tiêu.

Một số ý kiến cho rằng kinh doanh online "chiếm sóng" nên chợ, siêu thị gặp khó. Do đó người bán phải thay đổi để tồn tại.

Bất ngờ giá cả tăng vọt

Nói về giá cả, bạn đọc tài khoản thie****@gmail.com cho biết sáng 18-2, hết sức bất ngờ về giá cả tăng vọt. Ở chợ, thịt ba rọi trước Tết mua kho hột vịt là 125.000 đồng một ký, bữa nay 140.000 đồng.

Trái khổ qua 15.000 đồng, nay 20.000 đồng. Bún trước Tết 10.000, nay 12.000 đồng. Gạo nhãn hàng quen thuộc, túi 5kg, trước Tết 105.000 đồng, nay 125.000 đồng. Nước mắm một hãng loại 25 độ đạm, chai 1 lít, trước Tết 54.000, nay 62.000 đồng...

"Gần như các mặt hàng đều tăng giá và nhận thấy người mua thưa thớt hơn", bạn đọc này viết.

So sánh giá trước và sau Tết, bạn đọc Ngô T. Hiển cho biết trước Tết giá hàng hóa tăng vọt lên 20 - 25% so với bình thường nên sau Tết phải trả lại mức giá binh thường người dân mới chịu nổi.

Giá thịt trước Tết chỉ hơn 90.000 đồng/kg nhưng Tết kéo nhau lên đến 140.000 đồng/kg.

Thực tế hơn, theo bạn đọc PTT, năm 2024 ăn tô phở 35.000 đồng, tô hủ tiếu 30.000 đồng. Bước qua năm 2025 tô phở 40.000 đồng, hủ tiếu 35.000 đồng. Đến ly nước mía, nước dừa còn tăng thì người dân bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu thôi.

Đo đếm rõ số lần ra hàng quán, bạn đọc Thành kể nhà bốn người ở TP.HCM trước đây ra hàng quán mỗi tuần và mua thực phẩm mỗi tháng 7-9 triệu đồng.

Từ Tết đến nay không ra quán, hai tuần gói ghém mới mua 2,4 triệu tiền ăn cho cả nhà vì thấy khó kiếm tiền nên thắt chặt từng đồng. Tết trước đây tốn 15 - 20 triệu, Tết này cả nhà tốn chỉ 5 triệu vậy mà vẫn "èo uột".

Tương tự, bạn đọc Vu cho rằng lý do chính ở việc người dân thắt chặt chi tiêu. Dẫn chứng, bạn đọc cho biết gia đình bây giờ hai ngày mới đi chợ một lần và chủ yếu mua thức ăn tươi cho hai đứa con nhỏ, còn người lớn rau mắm qua ngày.

Để tiết kiệm chi tiêu trong thời điểm này, bạn đọc Hoan cho biết gia đình mua đồ ăn lúc Tết vừa đủ ăn và hầu như mua siêu thị vì siêu thị có khuyến mãi.

Tuy vậy, bạn đọc này nhìn nhận mấy năm gần đây tình hình kinh tế khó khăn nên chợ, siêu thị đều thưa vắng hơn trước.

Có cái nhìn nhẹ nhàng hơn khi đánh giá chợ thưa vắng khách là do người dân mua sắm theo nhu cầu, bạn đọc Nguyễn Phong Phú cho biết trước Tết người dân cũng thắt chặt mua sắm, đến Tết ùn ùn mua sắm, tiếp theo là sau Tết người ta lo tập trung làm việc kiếm tiền, chỉ tập trung mua lương thực, thực phẩm cần thiết.

Mua bán online nhiều hơn, chợ cần thay đổi ra sao để tồn tại?

Ngoài lý do kinh tế khó khăn, nhiều bạn đọc cho rằng kinh doanh online đang phát triển mạnh mẽ khiến hoạt động mua sắm ở nhiều siêu thị, đặc biệt chợ truyền thống thêm ế ẩm.

Bạn đọc có tên Lão gàn cho biết ở chỗ bạn đọc ở, các chủ nhà có nhóm Zalo chuyên về đồ ăn thức uống hằng ngày. Trong 100 thành viên, tới 30 người tự chế biến và bán trong, ngoài nhóm. Ông bà, chồng con thành nhân viên giao hàng luôn. Vậy là chợ, siêu thị đã bị chia bớt thị phần rồi.

Bạn đọc huut****@gmail.com cho rằng bây giờ mua hàng online chủ yếu phải chiếm đến 60 - 70% lượng hàng hóa lưu thông cả nước, shipper đi đến tận từng ngõ ngách giao những mặt hàng nhỏ nhất với mức phí rất thấp.

Do đó người dân ít mua các chợ truyền thống và các cửa hàng ở mặt đường lớn, mặt phố lớn cũng lần lượt phải đóng cửa vì không thể chịu đựng được những loại phí rất lớn là thuê mặt bằng.

Trong khi đó, bạn đọc Phước khẳng định bây giờ người dân không cần đi đâu xa, không cần tới siêu thị cũng không cần tới chợ. Dịch vụ bán hàng thiết yếu rất đơn giản như tạp hóa, hàng bán rau, thịt cá... chỗ nào cũng bán, từ đầu ngõ đến cuối ngõ.

Ở góc nhìn khác, bạn đọc Tuấn cho rằng đi ngang qua mặt tiền một chợ, nghe mùi hơi thối bốc lên từ nước thải đổ thẳng ra đường.

"Người ta vẫn ăn nhiêu đó cơm gạo, muối đường. Chỉ là khi có nhiều nơi lựa chọn, người ta sẽ chọn nơi sạch sẽ, vệ sinh, tiện lợi. Chợ truyền thống cần thay đổi thì mới tồn tại, nếu không thì cũng chỉ cầm chừng, phục vụ số ít khách hàng", bạn đọc này nhận định.

Ngược lại, theo bạn đọc Nguyễn Phong Phú, nhiều người đã quen mua sắm hàng online, bỏ chợ truyền thống thì cũng chưa đúng lắm.

"Hàng online người ta chỉ mua mấy loại hàng mà chợ truyền thống chưa có bán hoặc bán giá bên ngoài còn đắt hơn giá trên mạng. Chứ có rất nhiều người vẫn có thói quen xem hàng thật trước mắt mới chịu mua bởi lo ngại về chất lượng hàng hóa trôi nổi".

Một bạn đọc cũng khẳng định không bao giờ mua hàng online vì món hàng không tận mắt thấy, không cầm được tận tay, khi giao hên xui nên vẫn chọn chợ. Thứ nữa, không mua online mà chọn siêu thị vì hàng có nguồn gốc, giá cả rõ ràng.

Theo Quang Bảo/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/ly-nuoc-mia-nuoc-dua-cung-tang-gia-nen-phai-that-chat-chi-tieu-2025021910134428.htm

  • Từ khóa

Hết hàng "giải cứu", giá sầu riêng bật tăng trở lại

Giá sầu riêng đã tăng trở lại khi xuất khẩu hồi phục và số vườn tới kỳ thu hoạch ít hơn
14:27 - 20/02/2025
456 lượt xem

Giá vàng ngày 20/2: Tăng không ngừng và đang hướng lên lại đỉnh lịch sử

Giá vàng thế giới hôm nay (20/2) kéo dài đà tăng do lực mua trú ẩn an toàn tiếp tục hỗ trợ kim loại quý trong tuần này, giao dịch ở mức 2.942 USD/ounce....
14:16 - 20/02/2025
440 lượt xem

Ông Trump tăng thuế, xe ngoại lao đao

Mức thuế quan mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên ô tô nhập khẩu vào Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến nhà sản xuất ô tô nước ngoài lao đao, buộc phải tìm...
10:08 - 20/02/2025
571 lượt xem

Sân bay Vinh sẽ có 2 đường băng, 2 nhà ga hành khách

Với quy hoạch mới được phê duyệt, tới năm 2030, sân bay Vinh có thể đón tới 8 triệu khách/năm và nâng lên 14 triệu vào năm 2050.
09:46 - 20/02/2025
560 lượt xem

Nếu đánh thuế lãi tiền gửi, phải đánh cả thuế vàng?

Thuế tài sản vẫn áp dụng ở một số quốc gia nhưng nếu phải đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm, cần áp dụng tất cả các kênh đầu tư gồm cả vàng.
08:40 - 20/02/2025
582 lượt xem