BGTV - Mẹ tôi có một thửa đất đã ủy quyền cho tôi quản lý, sử dụng từ năm 2020. Năm 2024, mẹ tôi chết không để lại di chúc, mọi người thừa kế trong gia đình đã họp và thống nhất giao cho tôi trực tiếp quản lý, sử dụng đất. Hiện thửa đất xảy ra tranh chấp với gia đình hàng xóm. Xin hỏi luật sư, đất chưa có giấy chứng nhận QSDĐ khi có tranh chấp có được giải quyết không? Khi còn sống mẹ tôi đã ủy quyền cho tôi toàn quyền sử dụng đất tôi có phải chủ sử dụng đất không? Tôi có quyền khởi kiện
Về nội dung này, Luật sư Đào Phương - Giám đốc Công ty luật QR Law, TP Bắc Giang có nội dung trả lời như sau:
![]() Luật sư Đào Phương |
Gia đình bạn và hàng xóm có tranh chấp về việc xác định ranh giới đất giữa hai nhà, chính là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thì đây là tranh chấp đất đai. Tranh chấp đất đai thì sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý, giải quyết dù bạn có GCNQSD đất hay không.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, theo quy định tại Điều 235 Luật đất đai năm 2024 thì trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tranh chấp đất đai phải được thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Trường hợp hòa giải không thành, mới đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 236 Luật đất đai năm 2024 như sau:
- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một bên có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ đủ điều kiện cấp GCNQSD đất quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
- Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật đất đai thì các bên tranh chấp được lựa chọn Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Khởi kiện tại Tòa án.
Theo nội dung trình bày ở trên, gia đình hàng xóm có GCNQSDĐ nên tranh chấp của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết tại Tòa án.
Hiện nay có rất nhiều người hiểu nhầm rằng được chủ sử dụng đất ủy quyền toàn bộ (quyền quản lý, chuyển nhượng, tặng cho,…) thì đã trở thành chủ sử dụng đất.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Như vậy, dù được thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong thời hạn ủy quyền nhưng bạn không phải chủ sử dụng đất, bạn chỉ đại diện cho mẹ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Đặc biệt, pháp luật quy định, đại diện theo ủy quyền chấm dứt khi xảy ra trường hợp người được đại diện chết. Mẹ bạn chết năm 2024 nên Hợp đồng ủy quyền hiện nay không còn hiệu lực.
Tuy nhiên, quyền sử dụng đất này là di sản thừa kế do mẹ bạn để lại, bạn cũng cung cấp thông tin là những người thừa kế của mẹ bạn đã họp và giao cho bạn trực tiếp quản lý, sử dụng đất, thì đây là căn cứ chứng minh bạn có quyền lợi ích hợp pháp đối với thửa đất và có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai.Bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình./.
Duy Phách