11
/
178593
Tuyển sinh ĐH 2025: Bộ GD-ĐT giải thích về quy đổi tương đương điểm chuẩn
tuyen-sinh-dh-2025-bo-gd-dt-giai-thich-ve-quy-doi-tuong-duong-diem-chuan
news

Tuyển sinh ĐH 2025: Bộ GD-ĐT giải thích về quy đổi tương đương điểm chuẩn

Thứ 7, 05/04/2025 | 09:01:19
2,121 lượt xem

Yêu cầu quy đổi tương đương điểm chuẩn giữa các phương thức tuyển sinh năm nay không chỉ đảm bảo công bằng cho thí sinh, mà còn là cơ sở để các trường đại học rà soát và điều chỉnh phương thức tuyển sinh.

Theo quy định, trong kỳ tuyển sinh năm 2025, các trường ĐH phải quy đổi tương đương điểm chuẩn/trúng tuyển giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển về thang chung.

Điểm thi tốt nghiệp THPT là trục chính

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từ năm 2022, trong quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường khi đưa ra một phương thức tuyển sinh nào đó phải dựa trên đánh giá giữa đầu vào với kết quả học tập tại trường ĐH của thí sinh (TS). Sau 3 năm, các trường ĐH hoàn toàn có đủ căn cứ để xem phương thức đó phù hợp hay không. Việc tính toán quy đổi lần này cũng là để các trường rà soát lại các phương thức. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường có quy tắc (hoặc công thức) để quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, không yêu cầu quy đổi toàn bộ điểm xét tuyển của TS, cũng không phải quy đổi tất cả các phương thức về một thang điểm thống nhất.

Điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là trục chính để quy đổi tương đương điểm chuẩn. ẢNH: NHẬT THỊNH       

"Điểm thi tốt nghiệp THPT là phổ biến nhất, hầu như em nào cũng có, nên chúng ta thống nhất là quy đổi điểm trúng tuyển tất cả các phương thức khác về điểm trúng tuyển phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT mà có thêm phương thức khác thì các trường sẽ phải có bảng quy đổi. Có bao nhiêu phương thức (ngoài phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp) là có bấy nhiêu bảng quy đổi. Bảng quy đổi gồm 2 trục, một là điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, một là trục điểm đánh giá khác theo phương thức khác", ông Hoàng Minh Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết việc quy đổi sẽ thực hiện tuyến tính theo từng khoảng điểm, khoảng nhỏ hay lớn thì Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn. Mỗi khoảng sẽ gồm 2 - 3 điểm, ví dụ từ 20 - 23 điểm, sau đó tìm công thức phù hợp để xác định khoảng điểm nào của kỳ thi đánh giá năng lực, hay đánh giá tư duy tương đương khoảng điểm này.

Với quy chế sửa đổi, không có em nào bị thiệt thòi cả. Em nào mà nói bị thiệt thòi thì có thể trước đó được hưởng một cái mà lẽ ra mình không được hưởng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT HOÀNG MINH SƠN

Bộ cùng với các trường sẽ xây dựng một khung quy tắc có 2 phần (2 nội dung). Một là công thức chuẩn (hay là quy tắc chuẩn). Hai là giới hạn mà các trường có thể thay đổi. "Tất nhiên chỉ có thể đưa ra khung quy tắc này khi có điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay. Còn từ nay đến khi có kết quả thi, Bộ GD-ĐT cùng các trường sẽ đưa ra những phương pháp, thống nhất phương pháp và ví dụ minh họa dựa trên kết quả năm trước để thí sinh và xã hội cùng hiểu", ông Hoàng Minh Sơn nói.

Rà soát điều chỉnh thông tin tuyển sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho biết Bộ sẽ hướng dẫn các trường cùng hỗ trợ nhau để làm phần mềm quy đổi. Trong phần mềm, Bộ cung cấp toàn bộ dữ liệu, các trường chỉ đưa thêm vào kết quả học tập của sinh viên trường mình các năm trước. Từ đó, các trường sẽ dễ dàng đối sánh được ngay kết quả thi với kết quả học tập các năm trước của sinh viên. Khi đó sẽ có thêm công cụ để các trường rà soát lại phương thức xét tuyển. Từ quy tắc quy đổi chung, sẽ cân nhắc để xem có những ưu tiên gì ở trường mình nhằm điều chỉnh các tham số.

Với các cơ sở đào tạo có tổ chức kỳ thi riêng (2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội…), Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị phối hợp với Vụ Giáo dục ĐH để hoàn thiện phương pháp, khung đánh giá, khung quy đổi, cùng những ví dụ minh họa từ những năm trước, để cùng công bố. Bộ cùng các đơn vị cũng sẽ xây dựng một kênh cập nhật dữ liệu kết quả thi bằng phương pháp nào đó để nhanh nhất và không xảy ra sai sót.

 - Ảnh 2.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cuối tuần qua. Năm nay, các trường ĐH phải quy đổi tương đương điểm chuẩn/trúng tuyển giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển về thang chung. ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Hoàng Minh Sơn cho biết các trường chuẩn bị ngay việc lấy kết quả học tập có thể quy đổi về một đầu điểm nào đó. Cũng không cần điểm tất cả môn học, mà chỉ cần những môn liên quan đến đánh giá năng lực của ngành đào tạo, để có điểm số, để đối chiếu.

Trên cơ sở rà soát của mình, các trường hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, xem phương thức đã từng dùng có lợi hay không. Trên cơ sở đó, các trường hoàn thiện thông báo tuyển sinh. "Những nội dung nào mà phải chờ, như ngưỡng điểm trúng tuyển, công thức quy đổi cuối cùng, đến khi có điểm thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT và các trường sẽ cùng làm", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Hoàng Minh Sơn khẳng định: "Với quy chế sửa đổi, không có em nào bị thiệt thòi cả. Em nào mà nói bị thiệt thòi thì có thể trước đó được hưởng một cái mà lẽ ra mình không được hưởng. Ví dụ như năm trước có mỗi chứng chỉ IELTS mà các em đã trúng tuyển, thì thực sự không công bằng với bạn khác. Chúng ta sẽ làm để TS không thiệt thòi, mà chỉ làm công bằng hơn cho tất cả các em".

Không để các trường ĐH tùy ý tuyển sinh bằng các tổ hợp "lạ"

Theo PGS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, những năm trước vẫn có tình trạng TS dùng tổ hợp nào xét tuyển thì cũng không ảnh hưởng gì tới việc học ở ĐH vì ở phổ thông TS được học tương đối toàn diện. Còn với chương trình giáo dục phổ thông mới thì TS có nhiều lựa chọn trong quá trình học phổ thông. Trong khi đó, một điểm mới trong quy định về tuyển sinh ĐH 2025 là các trường ĐH không bị giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển. Vì thế Bộ GD-ĐT cần lưu ý vấn đề này để có quy định phù hợp.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện nay dự thảo hướng dẫn tuyển sinh ĐH, CĐ 2025 mà Bộ đang xin ý kiến chưa nói kỹ về việc này. Vì thế, đây sẽ là nội dung được bổ sung để Bộ hướng dẫn các trường rõ hơn, nhằm đảm bảo chất lượng xét tuyển.

Ông Hoàng Minh Sơn nói: "Chúng ta không giới hạn số lượng tổ hợp không có nghĩa là để các trường tự do trong việc đưa các tổ hợp chỉ với mục đích tuyển được nhiều hơn. Việc mở rộng số lượng tổ hợp này là để các trường có cơ hội tuyển đúng những TS phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo của mình trong bối cảnh chương trình phổ thông mới cho phép học sinh được lựa chọn môn học. Nguyên tắc cơ bản là với những môn học có tính chất tạo kiến thức điều kiện trong chương trình ĐH, nhưng ở phổ thông học sinh lại không chọn học những môn đó, thì các trường ĐH không được tuyển những em này".

Ông Hoàng Minh Sơn nêu ví dụ: "Chẳng hạn như với các ngành y, dược, nếu các trường xem kiến thức cơ bản các em phải được học ở THPT là một trong hai môn hóa hoặc sinh học, thì các trường ĐH sẽ tuyển các tổ hợp với yêu cầu bắt buộc phải có điểm môn sinh hoặc môn hóa. Hoặc với ngành y, các thầy thấy rằng cần phải có kiến thức môn sinh, nhưng vì một lý do nào đó mà các thầy xét tổ hợp toán, lý, hóa thì các thầy cần phải nêu trong điều kiện để TS đăng ký xét tuyển phải có điểm học bạ môn sinh từ mức bao nhiêu điểm trở lên. Nghĩa là phải có những yêu cầu tối thiểu cho thấy các em đó có kiến thức môn điều kiện của các ngành mà các em đăng ký xét tuyển".

Ông Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường xử lý hài hòa, vẫn tạo điều kiện để TS được lấy điểm môn cao nhất, để các em có điểm xét tuyển tốt nhất, nhưng vẫn đảm bảo điều kiện tối thiểu về việc TS có học môn đó ở THPT và đạt kết quả từ bao nhiêu. Vụ Giáo dục ĐH sẽ tiếp tục giúp lãnh đạo Bộ hoàn thiện dự thảo hướng dẫn với bao gồm nội dung này. Phải tránh việc các trường đưa ra những tổ hợp không phù hợp. Cái này vừa liên quan đến chất lượng đào tạo - tuyển sinh, vừa ảnh hưởng đến uy tín của các trường và của ngành GD-ĐT.

Theo Quý Hiên/Thanh niên

https://thanhnien.vn/tuyen-sinh-dh-2025-bo-gd-dt-giai-thich-ve-quy-doi-tuong-duong-diem-chuan-185250404203054702.htm

  • Từ khóa

Định hướng phân bố số lượng cơ sở giáo dục đại học tại các vùng

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phân bố số lượng tại các vùng như sau:
16:55 - 10/04/2025
419 lượt xem

Du học sinh ít quan tâm hơn tới du học Mỹ, bậc sau ĐH giảm 42%

Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất về mối quan tâm tới du học Mỹ vào quý 1 năm 2025, trong bối cảnh giáo dục ĐH Mỹ phải đối diện với nhiều vấn đề sau những...
15:13 - 10/04/2025
458 lượt xem

Ảnh hưởng khi Bộ Giáo dục Mỹ biến mất

Chị Rebecca, 48 tuổi, sống tại bang Michigan, Mỹ, đang đối mặt với sự thay đổi nghiêm trọng khi Tổng thống Donald Trump giải thể Bộ Giáo dục.
14:24 - 10/04/2025
487 lượt xem

Dạy học 2 buổi/ngày: Lo hợp thức hóa dạy thêm

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều giải thích nhằm trấn an dư luận rằng việc dạy học 2 buổi/ngày không phải để hợp thức hóa dạy thêm nhưng nỗi lo vẫn hiện hữu nếu...
08:38 - 10/04/2025
736 lượt xem

Tạo sức hút cho ngành đào tạo miễn học phí

Theo quy định của Nhà nước, nhiều ngành đào tạo được miễn học phí. Đây là một trong những chính sách nhằm thu hút nhân tài.
07:41 - 10/04/2025
619 lượt xem