4
/
179154
Chiến tranh thuế quan, ai sẽ phải trả giá?
chien-tranh-thue-quan-ai-se-phai-tra-gia
news

Chiến tranh thuế quan, ai sẽ phải trả giá?

Thứ 6, 18/04/2025 | 08:34:15
2,961 lượt xem

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới, tác động trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng ở hai nước. Từ đồ chơi đến điện thoại, giá cả đang tăng vọt khi các đòn thuế quan ngày càng khốc liệt.

thuế quan - Ảnh 1.

Công nhân may quần áo cho sàn thương mại điện tử Temu tại một nhà máy may ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc - ̉Ảnh: AFP

Từ siêu thị đến các sàn thương mại điện tử, giá cả hàng hóa đang biến động chóng mặt. Người tiêu dùng không còn là những người đứng ngoài cuộc, mà đã trở thành những nạn nhân trực tiếp trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai cường quốc. 

Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới triển khai các đòn trừng phạt thuế quan, hàng tỉ người dân đang phải gánh chịu hậu quả không mong muốn.

Túi tiền người Mỹ "xẹp dần"

Thời kỳ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng Mỹ đang dần khép lại. Temu và Shein - hai nền tảng nổi tiếng với các sản phẩm giá rẻ - sẽ đồng loạt tăng giá từ ngày 25-4 do các mức thuế mới và quy định kiểm soát hàng hóa giá trị thấp của chính quyền Trump, theo Reuters. 

Trước đó, cả hai nền tảng từng hưởng lợi từ chính sách miễn thuế với hàng dưới 800 USD, nhưng sắc lệnh mới có hiệu lực từ 2-5 sẽ siết chặt lỗ hổng này.

Ngành công nghiệp đồ chơi là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất. Với mức thuế mới lên tới 145%, những món đồ chơi phổ biến như búp bê, xe mô hình hay bộ xếp hình đang dần trở thành hàng xa xỉ tại Mỹ. 

Khoảng 80% đồ chơi bán tại thị trường này được sản xuất ở Trung Quốc, khiến giá các mặt hàng có thể tăng từ 15 - 20%. Không chỉ người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều hơn, các doanh nghiệp nhỏ trong ngành cũng đối mặt với nguy cơ thua lỗ hoặc phá sản.

Các mặt hàng điện tử và thiết bị gia dụng cũng không ngoại lệ. Điện thoại thông minh, laptop, máy hút bụi, lò nướng - vốn phần lớn được lắp ráp tại Trung Quốc - đều chịu ảnh hưởng mạnh. 

Thuế quan khiến chi phí sản xuất tăng vọt, buộc các hãng công nghệ phải tính toán lại toàn bộ chuỗi cung ứng hoặc chuyển gánh nặng sang người tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế dự đoán khoảng 50 - 60% sản phẩm trên Amazon sẽ chịu tác động của mức thuế này và người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn đáng kể.

Trung Quốc đối mặt thách thức

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất đi một đối tác thương mại mua hơn 400 tỉ USD hàng hóa mỗi năm. Trước sức ép từ các đòn thuế quan của Washington, Bắc Kinh buộc phải điều chỉnh chiến lược phát triển, tuyên bố sẽ chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa nhằm duy trì đà tăng trưởng, tờ New York Times cho biết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chi tiêu nội địa tại đất nước tỉ dân vốn đã suy yếu từ trước khi cuộc chiến thuế quan bùng phát. Hồi phục hậu đại dịch chưa đạt kỳ vọng, nhà máy đóng cửa, tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao và thị trường bất động sản - nơi nắm giữ phần lớn tài sản của tầng lớp trung lưu - vẫn chưa phục hồi.

"Dù chúng tôi kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tăng cường nỗ lực nhằm bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ bằng nhu cầu nội địa nhưng điều này sẽ không hề dễ dàng - nhà phân tích Ting Lu của Tập đoàn Nomura nhận định - Kinh tế Trung Quốc hiện đang chịu hai lực cản lớn cùng lúc: cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước và cuộc chiến thương mại chưa từng có tiền lệ với Mỹ từ bên ngoài".

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng bắt đầu cảm nhận rõ sức ép lan truyền từ các đòn áp thuế. Xuất khẩu suy giảm kéo theo các nhà máy cắt giảm sản lượng, khiến việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng - hai yếu tố then chốt chi phối sức mua của hộ gia đình.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, người sản xuất và người tiêu dùng trong nước vốn không tách rời nhau. Khi các nhà máy phải gánh chi phí đầu vào tăng do thuế quan, họ sẽ buộc phải lựa chọn giữa việc tăng giá bán - khiến người tiêu dùng chịu thiệt - hoặc chấp nhận hy sinh lợi nhuận, dẫn tới cắt lương, giảm nhân sự hoặc thậm chí là đóng cửa.

Cuộc chiến thương mại giờ đây không chỉ dừng lại là câu chuyện giữa hai chính phủ hay những vấn đề vĩ mô, nó đã bắt đầu len lỏi vào từng gian bếp, tủ đồ chơi và giỏ hàng siêu thị của hàng tỉ người dân Mỹ - Trung.

Thương mại toàn cầu đứng trước nguy cơ

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 16-4 vừa hạ mạnh dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm nay từ mức tăng 3% xuống còn -0,2%. WTO đặc biệt lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng tách rời, khi thương mại hàng hóa song phương được dự đoán sẽ giảm đến 81%.

Nếu xu hướng phân mảnh kinh tế toàn cầu tiếp diễn, GDP toàn cầu có thể giảm tới 7% trong dài hạn, cảnh báo đây có thể là đợt suy giảm nghiêm trọng nhất kể từ đại dịch COVID-19.

Theo Hà Đào/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/chien-tranh-thue-quan-ai-se-phai-tra-gia-20250417232542435.htm

  • Từ khóa

Tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026

Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu...
13:12 - 13/05/2025
32 lượt xem

Sáng 13-5, giá vàng trong nước biến động lạ

Sau khi lao dốc vào chiều tối qua, giá vàng miếng SJC sáng nay, 13-5, lại quay đầu tăng, bất chấp giá vàng thế giới sụt giảm rất mạnh
10:21 - 13/05/2025
74 lượt xem

VinFast ra mắt xe điện chở hàng cỡ nhỏ giá từ 285 triệu đồng

VinFast vừa công bố ra mắt dòng xe điện chở hàng cỡ nhỏ EC Van, hướng đến cuộc cách mạng xanh trong vận tải hàng hóa.
08:38 - 13/05/2025
123 lượt xem

Cục Thuế phối hợp với Bộ Công an về phương thức "thông báo tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế"

Việc chia sẻ, xử lý và sử dụng thông tin tạm hoãn xuất cảnh sẽ được thực hiện theo phương thức điện tử.
06:51 - 13/05/2025
151 lượt xem

Việt Nam đạt Top 5 thị trường xuất khẩu của Campuchia

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Campuchia đạt 9,13 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ nhờ các hiệp định thương mại tự do thúc đẩy tăng trưởng.
18:59 - 12/05/2025
459 lượt xem