Những ngày sát lễ 30.4, người dân đến phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) rất tự hào, thích thú khi tham quan triển lãm bãi cọc Bạch Đằng, chiêm ngưỡng xe tăng nặng 3 tấn treo lơ lửng...
Trong không khí chuẩn bị mừng đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025), ở TP.HCM có nhiều khu vực hút khách đến tham quan như công viên Bến Bạch Đằng, Dinh Độc Lập... Ngoài ra, dịp lễ 30.4 người dân và du khách có thể đến phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) chụp ảnh với những mô hình độc đáo.
Điểm tham quan hút khách dịp lễ 30.4
Tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), triển lãm ngoài trời Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30.4.1975 của họa sĩ thị giác Lê Hữu Hiếu (43 tuổi) thu hút nhiều khách tham quan.
Hoạ sĩ Lê Hữu Hiếu, quê Hà Tĩnh có nhiều triển lãm cá nhân ở các nước trên thế giới nhưng với anh điều vinh dự lớn nhất là cống hiến cho Tổ quốc. Nghệ sĩ thị giác nổi bật với phong cách hội hoa siêu thực, kết hợp thể hiện, sử dụng đa dạng chất liệu. Với niềm đam mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam, gần 100 mô hình tại triển lãm lần này là sự kết hợp của văn hóa truyền thống và giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trong số các tác phẩm, người dân thích thú ngắm xe tăng treo ngược. Xe tăng M24 Chaffee do Mỹ viện trợ cho Pháp năm 1953, hiện nằm tại cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên. Xe được nghệ sĩ tái hiện lại theo tỉ lệ 1:1, nặng 3 tấn, gợi nhớ về trận chiến Điện Biên Phủ năm 1954.
Xe được treo ngược lên đầu cọc Bạch Đằng thể hiện sự kế thừa nguồn sức mạnh từ cha ông, tạo nên kỳ tích thời hiện đại. Xe tăng lơ lửng liên tưởng đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Gỗ bạch đàn xoắn làm cọc được khai thác cách 10 km về phía đầu nguồn sông Bạch Đằng. Việc đưa xe tăng lên đầu mũi cọc sử dụng lại cây ở vị trí cha ông từng khai thác làm cọc có ý nghĩa đặc biệt - sự biết ơn những giá trị cha ông đã làm. Triển lãm có 30 cọc, cao từ 5,6 - 9 m, tổng khối lượng khoảng 60 tấn.
Hình tượng bãi Bạch Đằng là sự liên tưởng tới trận Bạch Đằng năm 1288 trong cuộc đấu tranh chống quân Nguyên lần thứ 3 của nhà Trần (1225 - 1400). Trên cọc khắc chữ Hán Nôm các dòng trong bài Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo (1228 -1300). Phần chữ đỏ được sơn son, cọc phủ bằng sơn mài.
Bức tranh sơn mài Hịch Tướng Sĩ cao 3,8 m, dài 9,5 m, gồm 18 tấm nhỏ ghép thành trở thành điểm chụp hình được nhiều người yêu thích. Hịch tướng sĩ là bài hịch nổi tiếng do Trần Hưng Đạo soạn khoảng năm 1284, trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2. Tác phẩm nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân, đề cao tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước.
Khơi gợi lòng tự hào dân tộc
Người dân đến tham quan triển lãm không khỏi bất ngờ trước độ hoành tráng của các mô hình. "Tôi cảm thấy tinh thần yêu nước trong lòng được khơi gợi nhiều hơn", chị Nguyễn Mai chia sẻ.
Phần lớn không gian trưng bày 27 tượng kim loại đúc là hình ảnh ẩn dụ về sự kiên cường, bất khuất của lớp lớp những con người đất Việt mình đồng da sắt, kiên cường hy sinh cho Tổ quốc. Các tượng cao từ 3,5 - 4,5 m, trọng lượng tổng thể 25 tấn.
Các mô hình là sự kết hợp tái hiện các nghề thủ công như nghề đúc kim loại, nghề chạm khắc gỗ, nghề sơn mài truyền thống. Mô hình có trọng lượng và khối lượng "khổng lồ" tạo ấn tượng cho người xem. Họa sĩ cho biết, ý tưởng thực hiện triển lãm có từ 10 năm trước và mất 2 năm thực hiện.
Mô hình Thần Bảo Hộ với kích thước lớn nhất, thể hiện một vị thần trong tưởng tượng vươn mình bảo vệ đất nước Việt Nam. Tác phẩm cao 6 m, dài 4 m, nặng 3 tấn làm bằng nhiều chất liệu như gỗ, gốm...
Dù thời tiết nắng nóng, nhiều người vẫn nán lại tham quan, thích thú chụp hình kỷ niệm.
Triển lãm diễn ra từ ngày 19 - 25.4, người dân đến tham quan nên đi vào sáng sớm hoặc chiều tối để tránh nắng nóng. Đó cũng là thời điểm tốt nhất với ánh sáng đẹp, có thể lưu lại những tấm hình bên người thân, bạn bè nhân dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.
Theo Phan Diệp-Phạm Hữu/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/le-304-o-tphcm-chup-anh-voi-coc-bach-dang-xe-tang-treo-nguoc-doc-la-185250421130434282.htm