190
/
179357
Trước nỗi lo thuốc giả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân mua ở các nhà thuốc hợp pháp
truoc-noi-lo-thuoc-gia-bo-y-te-khuyen-cao-nguoi-dan-mua-o-cac-nha-thuoc-hop-phap
news

Trước nỗi lo thuốc giả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân mua ở các nhà thuốc hợp pháp

Thứ 4, 23/04/2025 | 11:51:00
5,463 lượt xem

Để giảm thiểu nguy cơ mua phải thuốc giả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên mua ở các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng...

Cầm trên tay lọ thuốc thực phẩm chức năng đang uống dở, chị N.T.H (50 tuổi, ở Đồng Nai) coi tới lui rồi quyết định tạm dừng lại vì không rõ đây có phải là hàng thật không.

Hoang mang vì lo đã từng mua phải thuốc giả

Chị H. cho biết tháng 3 vừa qua, chị có đặt mua một lọ dầu cá trên mạng với giá 300.000 đồng. Chị uống đến nay được nửa hộp nhưng không rõ đây có phải thật sự là thuốc được cấp phép, hay chỉ là hàng giả.

"Là người tiêu dùng tôi rất hoang mang khi thấy có nhiều đường dây sản xuất thuốc giả. Có thể trước đây tôi có thể đã mua nhầm thuốc giả vì thường mua online và các tiệm thuốc gần nhà. Hiện tại tôi cũng không biết nên mua thuốc ở đâu là uy tín. Với hộp dầu cá đang uống phải nhờ người nào rành coi giùm có phải hàng thật hay không mới dám uống tiếp", chị H. cho biết.

Hoang mang trước 'ma trận' thuốc giả, làm thế nào để tránh mua nhầm? - Ảnh 1.

Lọ dầu cá Omega-3 chị H. đang sử dụng và một số sản phẩm đang có tại nhà ẢNH: NVCC

Tương tự anh N.V.H (36 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, mẹ anh bị bệnh cao huyết áp đã nhiều năm, nhưng tình trạng vẫn ổn định vì đều đặn uống thuốc bác sĩ kê. Một lần, do thuốc trong nhà hết, hiệu thuốc anh hay mua đóng cửa nên anh ghé một nhà thuốc nhỏ gần chợ để mua. Bao bì giống y hệt, giá rẻ hơn 20.000 đồng.

"Sau vài ngày dùng thuốc mới, mẹ tôi thường xuyên chóng mặt, huyết áp tăng thất thường. Tôi nghĩ do sức khỏe của mẹ tôi không tốt chứ không nghi ngờ chất lượng thuốc. Sau đó, tôi đưa mẹ đi bệnh viện khám, mua thuốc mới theo toa của bác sĩ thì sức khỏe mẹ tôi ổn định trở lại", anh H. chia sẻ.

Cùng quan điểm, chị L.T.T.T (33 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, mỗi lần con bị ho chị hay ghé các tiệm gần nhà mua thuốc. Có lần con chị uống thuốc bệnh vẫn nặng hơn, dẫn đến viêm tiểu phế quản.

"Là một người trẻ nhưng tôi cũng không biết làm sao để phân biệt thuốc thật hay giả khi mua cho con", chị T. cho hay.

Nguy cơ tiềm ẩn khi điều trị bằng thuốc giả

Dược sĩ chuyên khoa 1 Phạm Ngọc Thảo Uyên, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết việc ngại đi khám, tự ý mua thuốc theo lời truyền miệng, cộng thêm tâm lý ưa chuộng thuốc ngoại, khiến nhiều người - đặc biệt là người cao tuổi, dễ trở thành "mục tiêu" của thuốc giả.

Hậu quả là tiền mất tật mang, bệnh không thuyên giảm, thậm chí nếu sử dụng lâu dài còn có nguy cơ gây tổn thương gan, thận, tim mạch.

"Thuốc giả thường không chứa hoạt chất điều trị hoặc chứa các thành phần không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát về hàm lượng và độ tinh khiết. Khi đi vào cơ thể, những chất này có thể gây độc tính hoặc tích lũy, làm hư hại gan và thận - hai cơ quan đảm nhiệm vai trò chuyển hóa và thải trừ thuốc", dược sĩ Uyên cho biết.

Hoang mang trước 'ma trận' thuốc giả, làm thế nào để tránh mua nhầm? - Ảnh 2.

Sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm. Trường hợp có in mã vạch/mã QR trên vỏ hộp, mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy thận trọng ẢNH: BVCC

Cẩn trọng khi sử dụng thuốc - đừng để sự lơ là trở thành cái giá phải trả

Dược sĩ Phạm Ngọc Thảo Uyên khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi, cần trang bị kiến thức cơ bản để phân biệt và lựa chọn thuốc an toàn. Việc dùng thuốc theo cảm tính hay không có hướng dẫn của bác sĩ rất dễ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Thay vào đó, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ và chỉ sử dụng thuốc đã được kiểm chứng.

Để hạn chế nguy cơ dùng phải thuốc giả, hãy ghi nhớ những điều sau:

  • Ưu tiên mua thuốc tại các nhà thuốc đạt chuẩn GPP và được cấp phép bởi cơ quan chức năng.
  • Tránh xa các loại thuốc không rõ nhãn mác, thiếu tiếng Việt hoặc không có số đăng ký lưu hành chính thức.
  • Khi có biểu hiện bệnh, hãy đi khám tại bệnh viện chuyên khoa thay vì tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo quảng cáo lan truyền.
  • Đừng tin vào các quảng cáo thuốc "xách tay", "nhập khẩu từ nước ngoài" nếu thiếu thông tin minh bạch.
  • Đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu nào từ những "viên thuốc lạ" - cảnh giác là cách bảo vệ chính mình và người thân.

Khuyến cáo của Bộ Y tế giúp tránh mua phải thuốc giả

Để giảm thiểu nguy cơ mua phải thuốc giả, Bộ Y tế đưa ra một số khuyến cáo:

Mua thuốc tại nơi uy tín: Chỉ mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Không mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream...

Kiểm tra bao bì và thông tin trên vỏ thuốc: Bao bì phải nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu bị chỉnh sửa; Kiểm tra các thông tin như tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Các thông tin này phải rõ ràng, không tẩy xóa.

So sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in, hoặc logo; quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, không nên sử dụng.

Sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm (trường hợp có in mã vạch/mã QR trên vỏ hộp, mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ).

Yêu cầu hóa đơn và chứng từ: Khi mua thuốc, yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.

Chú ý giá cả bất thường: Thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường để thu hút người mua. Nếu giá quá thấp so với thị trường, cần cẩn trọng.

Tìm hiểu thông tin từ nguồn chính thức: Tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý Dược (dav.gov.vn) hoặc các trang web uy tín của nhà sản xuất. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mua. Đối với thuốc kê đơn chỉ mua thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ.

Cảnh giác với thuốc bán online: Kể từ ngày 1.7.2025, khi Luật số 44/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật dược có hiệu lực thi hành thì một số thuốc (thuốc không kê đơn) mới được kinh doanh (bán lẻ) theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Sau ngày 1.7.2025, trường hợp mua thuốc qua mạng, chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến được phép; không mua qua các nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.

Hạn chế mua thuốc theo lời quảng cáo: Tránh tin vào các lời quảng cáo "thần dược" hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng hoặc truyền miệng.

Báo cáo nếu nghi ngờ: Nếu phát hiện dấu hiệu thuốc giả, báo ngay cho cơ quan chức năng như sở y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương để xử lý. Nếu đã mua phải thuốc giả, ngừng sử dụng ngay và liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn. Việc sử dụng thuốc giả có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe.

Theo Lê Cầm/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/truoc-ma-tran-thuoc-gia-bo-y-te-khuyen-cao-nguoi-dan-mua-o-cac-nha-thuoc-hop-phap-18525042123521254.htm 

  • Từ khóa

Bệnh nhân nữ 14 tuổi mắc u não hiếm gặp do hội chứng di truyền Von Hippel-Lindau

Bệnh nhân mắc u túi nội dịch trong bệnh lý di truyền là một trường hợp đặc biệt, nằm trong số 3 ca hiếm gặp được ghi nhận trong suốt 10 năm qua tại Bệnh...
10:53 - 05/05/2025
93 lượt xem

Có được từ chối cấp cứu người bệnh không có thân nhân đi cùng?

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ năm 2024), có 21 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trong đó, hành vi từ chối hoặc...
09:40 - 05/05/2025
127 lượt xem

Đột phá: Thuốc tiêm mới chỉ mất 5 phút, điều trị 15 loại ung thư

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) thông báo họ đã tạo ra loại thuốc điều trị ung thư mới, chỉ mất vài phút tiêm, nhưng có thể điều trị cho 15 loại ung thư...
07:31 - 05/05/2025
176 lượt xem

Hộp xốp đựng thực phẩm có an toàn không?

Sử dụng hộp xốp để chứa đựng, bảo quản thực phẩm cần theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo của nhà sản xuất.
07:59 - 04/05/2025
752 lượt xem

Lên mạng tìm hiểu rồi nhỏ nước cốt chanh vào mắt mũi, gây bỏng, biến chứng nặng

Nhỏ nước cốt chanh vào mắt mũi làm tình trạng viêm nặng hơn do bỏng niêm mạc, suy yếu cơ chế miễn dịch, dễ biến chứng thủng nhĩ, giảm thị lực vĩnh...
17:21 - 03/05/2025
1,108 lượt xem