BGTV - Gần đây, dư luận lên án về việc một số người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm kẹo rau củ Kera, sữa giả...làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và chưa tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo. Trách nhiệm và xử lý pháp luật đối với trường hợp này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Phong Lan (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Giám đốc Công ty Luật TNHH Intelico giải đáp về vấn đề này như sau:
![]() Luật sư Nguyễn Thị Phong Lan |
Hành vi quảng cáo sai sự thật của những người nổi tiếng sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng, xã hội. Vì vậy trách nhiệm pháp lý cần được đặt ra nghiêm khắc hơn so với các trường hợp vi phạm khác.
Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi bổ sung 2018) quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như sau: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.”
Theo đó, người nổi tiếng có hành vi nói quá về chất lượng, tác dụng, công dụng, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm được xác định là quảng cáo sai sự thật. Đây là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật về quảng cáo.
Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi quảng cáo sai sự thật
Khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về việc vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như sau:“Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.”
Theo đó, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng. Ngoài ra, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin đối với người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi quảng cáo sai sự thật
Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội quảng cáo gian dối như sau:
1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Nếu người quảng cáo sai sự thật đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài hình phạt chính cải tạo không giam giữ đến 03 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong quá trình điều tra xác minh sự việc, cơ quan chức năng xác định hàng hóa, sản phẩm đó không chỉ là không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mà còn có hành vi vi phạm khác thì tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đó đều bị xử lý theo quy định pháp luật. Ví dụ như trường hợp của TikToker Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog đã quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm kẹo Kera. Cơ quan điều tra xác định đây là hành vi gian dối, có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội lừa dối khách hàng như sau: “1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Đối với các nghệ sĩ, những người nổi tiếng, người của công chúng thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật thì sẽ căn cứ tính chất mức độ vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm đã gây ra để xem xét xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc hơn các trường hợp thông thường.
Duy Phách