HLV Kim Sang-sik cần sớm định hình phong cách chơi bóng cho U.22 Việt Nam tại vòng loại U.23 châu Á 2026 và SEA Games 33.
Triết lý nào cho U.22 Việt Nam?
Đội tuyển Việt Nam của HLV Kim Sang-sik đã vô địch AFF Cup 2024 nhờ lối chơi mang đậm màu sắc thực dụng: phòng ngự chắc chắn, pressing nhanh và mạnh, tổ chức tấn công nhanh và đơn giản, với tiêu chí tiếp cận vòng cấm càng nhanh càng tốt.
Ông Kim thành công, nhờ hàng phòng ngự giàu kinh nghiệm cùng trung phong Nguyễn Xuân Son quá toàn diện và cơ bắp. Với Xuân Son, đội tuyển Việt Nam có một mũi tấn công đủ sức tranh chấp tay đôi, so vai với hậu vệ đối thủ để xây dựng đấu pháp phản công. Dù lối chơi của đội tuyển Việt Nam chưa đẹp, nhưng cần ngợi khen HLV Kim Sang-sik bởi ông đã đắp cho học trò "tấm chăn" phù hợp với trình độ, đồng thời tối ưu hóa sức mạnh con người hiện có.
HLV Kim Sang-sik sẽ tìm ra con đường phù hợp cho U.22 Việt Nam? ẢNH: TUẤN MINH
Để có được thành quả tương tự cùng U.22 Việt Nam, HLV Kim Sang-sik cũng cần tìm cho học trò tấm chăn phù hợp như vậy. Quá khứ đã cho thấy chỉ khi định hình được phong cách rõ ràng, U.22 Việt Nam mới có "đường băng" để cất cánh.
U.22 Việt Nam dưới bàn tay nhào nặn của HLV Park Hang-seo từng vô địch SEA Games 30 năm 2019 với hàng công hủy diệt (ghi 24 bàn) và hàng thủ chắc chắn (thủng 4 bàn). Sở dĩ cả đội có thể đá toàn diện, là nhờ chất lượng cầu thủ vượt trội từ những gương mặt đã trải mình ở đội tuyển Việt Nam trong suốt nhiều năm, nhờ vậy từ trình độ đến bản lĩnh đều hơn hẳn các đối thủ trong khu vực.
Đến SEA Games 31 năm 2022, khi hàng công U.22 Việt Nam suy yếu, HLV Park Hang-seo dành tới 2 trong 3 suất cầu thủ quá tuổi để bổ sung cho tuyến giữa. Ý đồ ông Park là xây dựng lối chơi thực dụng, nhờ việc kiểm soát tốt nhịp chơi và trừng phạt đối thủ trong khoảnh khắc. U.22 Việt Nam chỉ ghi 8 bàn sau 6 trận, nhưng vẫn vô địch nhờ phòng ngự vững vàng (sạch lưới cả giải).
Để U.22 Việt Nam trở lại đỉnh cao, HLV Kim Sang-sik cần sớm định hình triết lý chơi cụ thể như vậy.
Bài toán khó
Tuy nhiên, huấn luyện U.22 Việt Nam nan giải hơn đội tuyển quốc gia. Ông Kim sẽ không có một mẫu trung phong "làm tất ăn cả" như Xuân Son, cũng không có hàng thủ giàu kinh nghiệm để xây dựng đấu pháp chắc chắn.
Trong tay nhà cầm quân người Hàn Quốc là một thế hệ lỡ cỡ: chỉ 3 cầu thủ U.22 đá trên 10 trận ở V-League mùa này (tính đến thời điểm hiện tại), đa số ngồi dự bị ở V-League hoặc đang chơi tại hạng nhất. Chưa bao giờ, tuyến phòng ngự lại khiến U.22 Việt Nam lo lắng như hiện tại, khi các hậu vệ như Nguyên Hoàng, Mạnh Hưng, Văn Chưởng, Hiểu Minh... đều non nớt kinh nghiệm, với chỉ lần đầu bước lên ngưỡng chuyên nghiệp.
Văn Trường là gương mặt quen của U.22 Việt Nam, nhưng ít khi được ra sân tại V-League ẢNH: MINH TÚ
Các tiền đạo như Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Đình Bắc cùng dàn tiền vệ với Nguyễn Thái Sơn, Khuất Văn Khang... chưa đủ tốt để ông Kim ưng ý. Minh chứng là chỉ Vĩ Hào và Thái Sơn trụ lại sau các bài kiểm tra của ban huấn luyện để góp mặt ở AFF Cup 2024.
Với dàn sao trẻ trong tay, HLV Kim Sang-sik toan tính gì? Đá với triết lý chặt chẽ, khoa học và cơ bắp đậm chất Hàn Quốc, quay về "bản lề" phòng ngự phản công để mở cửa chiến thắng, hay ưu tiên kiểm soát bóng và tấn công như thời HLV Philippe Troussier để cầu thủ phát huy tối đa tư duy kỹ chiến thuật... đều là những lựa chọn tiềm năng cho ông Kim.
HLV Kim Sang-sik mới có một đợt tập trung cùng U.22 Việt Nam. Một cầu thủ trẻ khẳng định, ông Kim chưa huấn luyện chiến thuật, mà chỉ động viên học trò tự tin chứng tỏ bản thân và thể hiện đam mê. Với vỏn vẹn 3, 4 ngày làm quen với học trò, ông Kim có lẽ chưa thể hiểu hết bối cảnh bóng đá trẻ Việt Nam.
Những đợt tập trung từ giờ đến tháng 11 là cơ hội để HLV người Hàn Quốc nắm rõ năng lực học trò, từ đó mới chọn ra cách chơi phù hợp. Chỉ đến khi hiểu mình có gì trong tay, thầy Kim cùng học trò mới vạch ra được con đường đi tới thành công.
Theo Hồng Nam/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/u22-viet-nam-bay-bong-hay-thuc-dung-de-vo-dich-sea-games-thay-kim-phai-chon-185250212131918306.htm