HLV phản ứng gay gắt với trọng tài bằng những hành động chưa chuẩn mực, HLV khác lại phê phán chất lượng sân bãi tại VN bằng cách dùng hình ảnh có thâm ý mỉa mai...; bóng đá VN sẽ không thể coi là chuyên nghiệp nếu những người dẫn dắt đội bóng không biết kiềm chế cảm xúc.
Hành vi thái quá
V-League 2024 - 2025 mấy vòng gần đây lại rộ lên chuyện phản ứng trọng tài (TT). Khoan nói đến sự đúng sai từ quyết định của đội ngũ cầm cân nảy mực, nhưng thái độ, hành vi của nhiều lãnh đội, HLV ngoài đường biên thật không đẹp chút nào. Cách đây ít ngày, khi TT vừa thổi còi chấm dứt trận đấu giữa đội Công an Hà Nội (CAHN) và đội Quảng Nam ở vòng 13 V-League, HLV đội Quảng Nam Văn Sĩ Sơn cởi phăng áo khoác kèm động tác vứt luôn thẻ ngay trên sân và dành những lời khó nghe cho TT.
Các HLV cần tiết chế cảm xúc khi hành xử trên sân
Cũng ở vòng 13, HLV Popov cùng một thành viên ban huấn luyện đội Thanh Hóa bị TT truất quyền chỉ đạo vì những hành vi phản ứng thái quá bên ngoài đường biên. Đáng chú ý, ông Popov không chịu rời sân cho đến khi lực lượng an ninh áp tải lên khán đài. Trên sân Tam Kỳ, trong trận tiếp Thể Công Viettel, HLV Lê Đức Tuấn (đội Đà Nẵng) lao vào như muốn ăn thua đủ với TT bàn ngoài đường biên sau tình huống mà ông Tuấn cho rằng TT chính đã bỏ qua pha phạm lỗi của cầu thủ Khuất Văn Khang với Emerson. Chưa hết, khi bị truất quyền chỉ đạo, HLV đội Đà Nẵng còn dí sát người, liên tiếp chỉ vào mặt TT chính.
Thực tế còn nhiều trường hợp khác, HLV không ngại "phun" cả những lời lẽ khiếm nhã, quát thẳng mặt TT ngay trên sân. Thậm chí khán giả có thể nghe rõ mồn một những tiếng chửi thề, lời lẽ thô tục của một vài HLV ngay trên sóng truyền hình qua hệ thống micro tiếng động của sân. Nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó, bởi nó còn kéo theo những phản ứng "tát nước theo mưa" từ một bộ phận người hâm mộ, thóa mạ TT trên một số diễn đàn mạng xã hội. Rõ ràng đây là những hành động đi quá xa, vượt khỏi phản ứng thông thường.
Không phản ứng TT, HLV Mano Polking của đội CAHN sau trận hòa 2-2 với Hà Tĩnh đã đưa lên trang cá nhân hình ảnh mặt sân xấu nhưng kèm theo hình ảnh con bò sữa và cả dê, ngụ ý chê mặt sân như bãi chăn thả gia súc...
Cần hành xử có văn hóa
Thật ra phản ứng trên sân của cầu thủ hoặc lãnh đội, HLV là một phần của bóng đá. Thậm chí đó còn là biểu hiện của tính cách, tác phong chỉ đạo ngoài đường biên của một vài HLV. Thế giới cũng không thiếu những HLV nóng nảy. Chẳng hạn HLV Mourinho luôn tìm cách phản ứng, đẩy áp lực về phía TT. Ở mức độ nào đó, đây cũng là giải pháp ngầm được chấp nhận xưa nay và các HLV, lãnh đội hay sử dụng trên sân. Họ tìm mọi cách có thể để giành những lợi thế tốt nhất cho đội bóng mình dẫn dắt. Tuy nhiên cứ hở ra là phản ứng TT, thậm chí có những hành vi rất "hổ báo" vượt quá khuôn khổ luật chơi thì đó lại là hành vi phản văn hóa.
Lẽ ra với tâm thế lãnh đội, HLV... thì cũng nên biết quản lý cảm xúc cá nhân vì bản thân cũng là người dẫn dắt, người thầy của cầu thủ. Mọi hành vi trước đám đông, nhất là phản ứng TT nên có chừng mực, ứng xử có văn hóa để làm gương. Tôn trọng luật chơi là phản ánh phông văn hóa nhận thức của mọi thành phần tham gia vào "hệ sinh thái bóng đá", vì đây là môn thể thao vua, thu hút nhiều người hâm mộ, trong đó có người trẻ và cả trẻ em.
HLV, lãnh đội không thể lấy TT làm cái cớ, thả cảm xúc của mình lạc trôi, khiến hình ảnh bóng đá VN trở nên xấu xí. Thực chất ban tổ chức giải không cấm các đội có ý kiến và có thể gửi khiếu nại cho ban tổ chức nếu cảm thấy TT quyết định không thuyết phục. Dẫu vậy vẫn có nhiều trường hợp thể hiện hành vi thái quá trên sân hay mạng xã hội là thật sự phản cảm.
Từ chuyện trọng tài đến... sân bãi
Nhân đề cập chuyện HLV đội CAHN có hàm ý phê phán mặt sân Hà Tĩnh như bãi thả gia súc, đây là chuyện không mới. Hiện ở nhiều địa phương, các đội bóng vẫn nương nhờ sân vận động thuộc sở hữu nhà nước. Khi sân xuống cấp, muốn sửa chữa, nâng cấp, phải qua nhiều bước, vướng đủ thủ tục. Trong khi đó, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa thể thao theo Nghị định 59/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị định 69/2008 của Chính phủ thì nhiều nơi làm rất nửa vời.
Dù vậy, yêu cầu định hướng, phát triển hệ thống bóng đá chuyên nghiệp VN trong đó có đầu tư cơ sở vật chất là không thể bị trì hoãn. Đã đến lúc cơ quan điều hành bóng đá phải quyết liệt hơn, không nên nhân nhượng nữa, cần yêu cầu các địa phương, đội bóng cải thiện điều kiện thi đấu theo tiêu chuẩn. Nếu khó thì làm từng bước, theo hướng ưu tiên cho mặt sân nhằm tránh nguy cơ cầu thủ bị chấn thương, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn.
Theo Huỳnh Sang/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/v-league-va-van-hoa-ton-trong-luat-choi-185250217215158933.htm