Nhà văn Lý Lan gây tò mò khi mở đầu sách Bí mật của tôi và Thằn Lằn Đen: 'Tôi định giữ những câu chuyện này lại cho mình, chép vào một quyển vở đẹp để dành, khi nào thích ai lắm mới kể cho nghe. Và tôi đã hứa với Thằn Lằn Đen là sẽ kể cho nó nghe'.
Nhà văn Lý Lan chụp ảnh với độc giả thiếu nhi trong buổi ký tặng diễn ra tại Đường sách TP.HCM vào ngày 22-2 - Ảnh: HỒ LAM
Sách Bí mật của tôi và Thằn Lằn Đen của nhà văn Lý Lan vừa trở lại với bạn đọc trong một diện mạo mới khi được tái bản, đổi bìa và thêm nhiều minh họa với nét vẽ vui nhộn.
Tập sách nhỏ gọn, dày hơn 100 trang gồm 19 câu chuyện nhỏ được nối kết trong mạch chính là chuyện tâm sự mỗi đêm của nhân vật tôi và Thằn Lằn Đen, phù hợp với độc giả ở mọi độ tuổi, đặc biệt là các em nhỏ từ 6 tuổi trở lên.
Tình yêu thương luôn là sợi dây nối kết
Cách đây hơn 30 năm, khi viết Bí mật của tôi và Thằn Lằn Đen, nhà văn Lý Lan còn trẻ và luôn hoài niệm về tuổi thơ. Do mồ côi mẹ nên nội tâm bà cũng có những tâm lý, tình cảm của một người trưởng thành mà không có mẹ.
Công việc đi dạy lúc ấy lại bận rộn khiến bà không có nhiều bạn bè. Từ những cảm xúc đó, bà muốn viết một câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa một con người và một con thằn lằn, bắt đầu cho một ngàn lẻ một câu chuyện mỗi đêm.
"Tôi" kể cho Thằn Lằn Đen nghe chuyện này, Thằn Lằn Đen kể cho "Tôi" nghe chuyện khác.
Như chuyện tình bạn khăng khít nhưng lại bị chia cắt của Thằn Lằn Đen và Thằn Lằn Hường:
"Thằn Lằn Đen muốn có bạn. Nó đã cố làm quen với con Gián, con Nhền Nhện và cả con Dế nữa.
Nhưng Dế chỉ chơi với Dế, Gián thì sợ Thằn Lằn, còn Nhện thì không thèm chơi với ai hết".
Nhà văn Lý Lan cho biết cảm xúc chủ đạo của tác phẩm này chính là tình thương, tình yêu, bắt đầu từ nỗi cô đơn khi ta không có bạn bè và người thân yêu bên cạnh.
Và rồi làm sao để hòa hợp được với những người bạn khác ta về văn hóa, hình thức, giai cấp...
"Với Bí mật của tôi và Thằn Lằn Đen, thông điệp lớn nhất mà tôi muốn gửi đến độc giả là những tình cảm mà ta có được trong cuộc đời này rất quý giá. Dù là một món đồ, con vật, cây cối như trái ớt, chú thằn lằn, hột tiêu... hay là con người thì tình yêu thương luôn là sợi dây để nối kết chúng ta lại với nhau", bà Lý Lan nói.
Những con vật, món đồ biết khóc biết cười
Trong Bí mật của tôi và Thằn Lằn Đen, tác giả đã nhân hóa, xây dựng hình tượng các con vật, món đồ, cây cối theo cách sinh động.
Khi đọc, độc giả có cảm tưởng như những con vật cũng mang một nét tính cách và cũng chính là bản thể của con người. Chúng đều biết nói tiếng người, bông hoa biết yêu, giọt nước biết khóc cười, áo quần biết sợ sệt...
Ở câu chuyện nhỏ đầu tiên, tiếng tặc lưỡi của Thằn Lằn Đen sống động hơn với lời rủ rê bạn Dế ra chơi cùng: "Nhóc! nhóc! Ra chơi nhóc ơi".
Hay với Chuyện Biển và Chim Ưng trong sách, người đọc ấn tượng khi nhà văn mô tả cỏ giống như một con người biết lao động và có được tình bạn tâm giao với sương theo một cách thật đẹp:
"Cỏ phải làm việc suốt đêm để lớn lên. Mồ hôi rịn trên lá Cỏ lấm tấm, to dần rồi lại hợp lại thành một giọt sương trong veo và đẹp lóng lánh khi bình minh lên. Tia mặt trời ấm áp chiếu qua Giọt Sương tạo thành một cầu vồng bảy màu bắc qua con suối nhỏ.
Giọt Sương nhấp nháy những tia sáng rực rỡ sắc màu. Cỏ thì thầm âu yếm: "Sương hãy mãi mãi bên Cỏ, suốt đời là hạt ngọc yêu quý của Cỏ".
Từng sáng tác trong một thời kỳ chưa có sự phát triển của điện thoại và mạng xã hội, Lý Lan tâm sự bà đắm chìm vào thế giới thiên nhiên nên trong những "đứa con tinh thần", bà nhân cách hóa đồ vật và cây cối, mượn thiên nhiên để thể hiện câu chuyện, cảm xúc, những vấn đề liên quan đến con người.
Độc giả xếp hàng chờ nhà văn Lý Lan ký tặng
Nhà văn Lý Lan là nhà thơ, nhà văn, dịch giả người Việt Nam. Bà là dịch giả của bộ truyện Harry Potter bản tiếng Việt. Một số tựa sách của bà được nhiều độc giả yêu thích là Tự truyện một con heo (giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn), truyện dài Bí mật của tôi và Thằn Lằn Đen và Ngôi nhà trong cỏ (giải A cuộc thi sáng tác cho nhi đồng). |
Theo Hồ Lam/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/ly-lan-viet-bi-mat-cua-toi-va-than-lan-den-de-thay-nhung-tinh-cam-co-trong-doi-deu-quy-gia-20250223092833566.htm