190
/
162919
Chuyên gia tim mạch lý giải nguyên nhân ngưng tim khi chạy
chuyen-gia-tim-mach-ly-giai-nguyen-nhan-ngung-tim-khi-chay
news

Chuyên gia tim mạch lý giải nguyên nhân ngưng tim khi chạy

Thứ 4, 17/04/2024 | 10:12:00
2,164 lượt xem

Các trường hợp ngưng tim trên đường chạy thường là khi vận động viên đã chạy khá dài, hoặc gần kết thúc để về đích. Các chuyên gia tim mạch đã lý giải nguyên nhân và đưa ra lời khuyên ngăn ngừa biến cố tim mạch khi gắng sức.

Mới đây, một nam thanh niên đột ngột ngã gục vì ngưng tim khi về đích trong giải chạy marathon tại Hà Nội.

Người bị ngưng tuần hoàn, ngưng tim cần được cấp cứu kịp thời, đúng cách

Người bị ngưng tuần hoàn, ngưng tim cần được cấp cứu kịp thời, đúng cách Q.ANH

Về biến cố ngưng tuần hoàn, ngưng tim khi hoạt động gắng sức, tiến sĩ - bác sĩ Trần Song Giang, Trưởng Khoa C9, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chia sẻ thường là do bệnh lý tim mạch. Bệnh lý tim mạch đó có thể do người đó đã mắc nhưng không biết. Hoạt động gắng sức chính là yếu tố tác động gây suy tim cấp, rối loạn nhịp tim, dẫn đến ngưng tim.

Hoặc người đó có bệnh tim mạch bẩm sinh (có bệnh tim tiềm ẩn), rối loạn nhịp tim bẩm sinh nhưng hầu như không có biểu hiện rõ rệt, ngay cả khi đi khám sức khỏe thông thường. Với trường hợp này, tình huống gắng sức là yếu tố gây rung thất (rung tâm thất là tình trạng rối loạn nhịp tim cấp cứu, khiến tim không thể bơm máu như bình thường được) khiến người đó bị ngưng tim đột ngột.

Cũng theo bác sĩ Giang, rối loạn nhịp tim, đôi khi có thể tự khỏi, nhưng thường cần được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực. Tuy nhiên, cũng có loại rối loạn nhịp tim thì phải sốc điện mới giúp tim đập lại, ví dụ như trường hợp ngưng tim do rung thất.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác về tim mạch cũng gây ngưng tim khi gắng sức. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ được phát hiện có bệnh về tim mạch khi khám chuyên khoa.

Tại Việt Nam chưa có số liệu về các ca ngưng tim đột tử khi chạy, nhưng tại một số nước có thống kê với tỷ lệ khoảng 0,5/100.000 người.

Cần lưu ý khi bù nước

Bác sĩ Giang cho biết thêm, rối loạn điện giải (do mất nước bởi ra mồ hôi nhiều khi chạy), trong đó có giảm kali cũng gây rối loạn nhịp tim, ngưng tim.

Bởi vậy, khi tập thể lực, hoạt động gắng sức trong thời tiết nóng, hoặc chạy là những vận động gây ra mồ hôi nhiều, kèm theo đó là "thất thoát" kali dễ gây rối loạn nhịp tim, đặc biệt khi có bệnh lý tim mạch.

Theo chuyên gia tim mạch, một số báo cáo cho thấy có sự trùng lặp tương đối về thời điểm xảy ra biến cố tim mạch khi chạy, đó là khi bệnh nhân đã ở chặng cuối, có khi đã gần về đích. Việc hạ kali máu do mất điện giải qua mồ hôi cũng có thể làm tăng nguy cơ gây ngưng tim.

"Bởi vậy, với những trường hợp có hoạt động gắng sức như chạy, vận động thể lực ra nhiều mồ hôi thì nên lưu ý thêm về bù nước điện giải, thay vì chỉ dùng nước uống thông thường", bác sĩ Giang lưu ý.

"Để giảm nguy cơ ngưng tuần hoàn, ngưng tim gây đột tử, khi tham gia thể thao dù chuyên nghiệp hay phong trào vẫn cần khám sức khỏe, bao gồm sức khỏe tim mạch. Đặc biệt, những ai có người thân trong gia đình từng bị đột tử thì nên đi khám chuyên khoa sâu về tim mạch".

Hồi sinh tim phổi cơ bản là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, cần được thực hiện ngay lập tức bởi người chứng kiến, nhằm duy trì tuần hoàn và ô xy cho não và các cơ quan khác cho đến khi hồi sức tim phổi nâng cao hoặc các can thiệp khác có thể được tiến hành bởi nhân viên y tế được đào tạo.

Đối với nạn nhân đã bất tỉnh, ngừng thở, mạch mất, cần nắm rõ và thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản.

Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Tần số sẽ là 100 - 120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.

Khi sơ cấp cứu cần tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi. Nếu có thì cần xử lý để làm thông đường thở cho người bệnh.

(Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/chuyen-gia-tim-mach-ly-giai-nguyen-nhan-ngung-tim-khi-chay-185240417074816887.htm

  • Từ khóa

Ca nhiễm cúm nặng tại Nhật Bản tăng vọt, thiệt hại có thể tới hàng ngàn tỉ yen

Dịch cúm bùng phát tại Nhật Bản với hơn 9,5 triệu ca, nhiều bệnh viện quá tải trong khi thuốc điều trị khan hiếm, khiến hệ thống y tế đối mặt với áp lực...
21:22 - 04/02/2025
165 lượt xem

Điều trị thành công cho người bệnh mắc ung thư da đầu đã xâm lấn vào xương sọ

Chị L.T.T. (46 tuổi, dân tộc Tày ở Tuyên Quang) đã có một cuộc đời đầy nghị lực khi phải chiến đấu với căn bệnh ung thư da đầu. Căn bệnh hiểm nghèo đã...
16:31 - 04/02/2025
302 lượt xem

Một trong những biến chứng nặng của cúm là viêm phổi, phòng bệnh ra sao?

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết cúm mùa là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất cao; một trong những...
15:40 - 04/02/2025
312 lượt xem

WHO ra khuyến nghị mới đáng chú ý về muối ăn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban hành hướng dẫn mới khuyến nghị mọi người thay loại muối thường dùng ở nhà bằng loại muối có chứa ít natri hơn.
14:16 - 04/02/2025
357 lượt xem

Công dụng đáng ngạc nhiên của cà phê đối với sức khỏe cơ bắp

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng cà phê có thể có tác động tích cực trong việc làm chậm quá trình mất khối lượng cơ khi về già, hay còn gọi là chứng teo...
10:34 - 04/02/2025
454 lượt xem