190
/
174525
Hay nhai một bên khi ăn: Tưởng vô hại nhưng… nhiều tác hại!
hay-nhai-mot-ben-khi-an-tuong-vo-hai-nhung-nhieu-tac-hai
news

Hay nhai một bên khi ăn: Tưởng vô hại nhưng… nhiều tác hại!

Thứ 5, 02/01/2025 | 10:59:00
2,009 lượt xem

Nhai một bên khi ăn là thói quen thường thấy ở nhiều người. Điều này tưởng chừng vô hại nhưng có thể là nguyên nhân của nhiều vấn đề răng-hàm-mặt, thậm chí ảnh hưởng hệ thần kinh.

Nhai là một hành động sinh lý tự nhiên, giúp nghiền thức ăn thành các mảnh nhỏ và trộn đều với nước bọt để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Trong điều kiện bình thường, hoạt động nhai diễn ra đồng đều ở cả hai bên hàm, đảm bảo cân bằng cơ hàm, khớp thái dương hàm và sức khỏe răng miệng. Tuy nhiên, thói quen chỉ nhai một bên hàm là hiện tượng bất thường, trong đó lực nhai tập trung vào một bên hàm, gây mất cân đối chức năng và thẩm mỹ.

nhai một bên

Nhai một bên là thói quen của nhiều người khi ăn ẢNH: NHƯ QUYÊN

Nguy cơ ảnh hưởng dây thần kinh khi nhai một bên

Anh N.A.P (28 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thường nhai bên phải, bên nào cảm thấy ‘thuận’ hơn thì nhai thôi”.

Khi được hỏi về các tác hại tự nhận thấy được khi chỉ nhai một bên, anh P. cho biết thỉnh thoảng để ý thấy cơ mặt bên phải có vẻ linh hoạt hơn bên trái.

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Văn Hiều, khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175, cho biết, việc sử dụng một bên hàm để nhai nếu diễn ra lâu dài có thể gây nhiều tác hại như:

Lệch mặt: Thói quen này dẫn đến sự phát triển không đồng đều của cơ cắn (masseter muscle) giữa hai bên. Bên hàm nhai sẽ phì đại, trong khi bên đối diện teo nhỏ, gây mất cân đối khuôn mặt. Duy trì lâu dài có thể làm thay đổi cấu trúc xương hàm.

Rối loạn khớp thái dương hàm: Sự mất cân bằng trong lực nhai làm tăng áp lực lên khớp thái dương hàm bên nhai, gây ra các triệu chứng như đau khớp, hạn chế vận động hàm, tiếng kêu khi nhai, đau đầu và đau tai.

Mòn răng không đều: Sự phân bố lực nhai không đồng đều làm răng bên sử dụng bị mài mòn nhiều hơn, trong khi bên không sử dụng dễ bị tích tụ mảng bám, dẫn đến sâu răng, viêm nha chu, mất răng.

Rối loạn chức năng tiêu hóa: Việc nhai một bên làm giảm hiệu quả nghiền nát thức ăn, tăng gánh nặng cho dạ dày và ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu.

Đáng chú ý, thói quen nhai một bên còn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh. “Thói quen này làm mất cân đối hoạt động giữa các dây thần kinh và cơ vùng mặt, dẫn đến đau đầu do căng cơ, rối loạn cảm giác và đau lan”, bác sĩ Hiều nhấn mạnh.

Hay nhai một bên khi ăn: Tưởng vô hại nhưng… nhiều tác hại!- Ảnh 2.

Hiện tượng lệch mặt (một bên mặt to hơn bên còn lại) là hậu quả thường thấy của việc nhai một bên khi ăn ẢNH: AI

Cần làm gì để tránh tác hại lâu dài?

Thói quen là điều khó thay đổi, nhưng có thể được thay thế bởi thói quen tốt, lành mạnh hơn đối với sức khỏe nếu kiên trì.

“Người có thói quen nhai một bên nên tập luyện nhai đều cả hai bên hàm, có thể bắt đầu bằng cách cố tình nhai ở bên ít sử dụng với thức ăn mềm để tạo thói quen mới. Nếu nhai lệch xuất phát từ các bệnh lý răng miệng như sâu răng, lệch khớp cắn, mất răng hoặc đau vùng hàm, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị như trám răng, chỉnh nha hoặc phục hình răng. Trong trường hợp nghiêm trọng như hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm (TMD), các biện pháp như tiêm botulinum toxin để giảm co thắt cơ, liệu pháp nội khoa hoặc phẫu thuật chỉnh hình có thể được xem xét”, bác sĩ Hiều nói.

Ngoài ra, mọi người cũng có thể tiếp cận các bài tập vật lý trị liệu được thiết kế để cân bằng cơ hàm và giảm căng thẳng khớp thái dương hàm như mát xa cơ cắn, bài tập mở miệng chậm và đối xứng… Với các trường hợp nghiêm trọng hơn, cần kết hợp sử dụng khí cụ nha khoa như máng nhai, theo chỉ định của bác sĩ, để điều chỉnh lực nhai và giảm căng thẳng lên khớp thái dương hàm.

Việc nhai một bên hàm không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây ra các rối loạn chức năng phức tạp. Phát hiện và điều chỉnh sớm là chìa khóa để ngăn ngừa các hậu quả nghiêm trọng. Phối hợp điều trị giữa chuyên gia răng hàm mặt, vật lý trị liệu, và tâm lý sẽ đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc điều chỉnh thói quen này.

Lời khuyên từ bác sĩ

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Văn Hiều cho lời khuyên đối với những người có thói quen nhai một bên khi ăn để bảo vệ sức khỏe răng-hàm-mặt:

Chăm sóc răng miệng định kỳ: Khám nha khoa thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề về khớp cắn và sức khỏe răng miệng.

Chú ý khi ăn uống: Luyện tập nhai đều cả hai bên bằng cách cố tình nhai từ bên ít sử dụng, đặc biệt với thức ăn mềm.

Điều chỉnh lối sống: Tránh nhai các loại thức ăn quá cứng hoặc dai, có thể tạo áp lực lớn lên khớp và cơ hàm.

Tăng cường nhận thức về thói quen nhai: Giáo dục bệnh nhân về tác động lâu dài của thói quen nhai một bên và tầm quan trọng của sự cân đối trong hoạt động cơ hàm.

Hỗ trợ tâm lý và giảm căng thẳng: Nếu căng thẳng hoặc lo âu ảnh hưởng đến thói quen nhai, cần tham vấn chuyên gia tâm lý để cải thiện tình trạng.

Theo Như Quyên/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/hay-nhai-mot-ben-khi-an-tuong-vo-hai-nhung-nhieu-tac-hai-185250101213147807.htm 

  • Từ khóa

3 hiểu lầm về đột quỵ khiến người bệnh mất cơ hội sống

Dù ai cũng biết đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng trong một số trường hợp, chính sự chủ quan đã khiến người bệnh mất đi thời gian vàng để cứu chữa....
15:44 - 25/07/2025
1,001 lượt xem

Tập trung nhân lực, chuyên môn cứu chữa bệnh nhân vụ tai nạn trên QL1 ở Hà Tĩnh

Theo TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vụ tai nạn đã làm 10 người tử vong và 15 người...
13:22 - 25/07/2025
1,474 lượt xem

Bước ngoặt trong điều trị động kinh bằng robot định vị thần kinh hàng đầu thế giới

Những cơn động kinh mỗi ngày khiến bé trai 9 tuổi phải luôn trong tầm mắt cha mẹ vì nguy cơ té ngã, chấn thương. Trẻ không còn đáp ứng với các phương pháp...
11:11 - 25/07/2025
1,097 lượt xem

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao

Ngày 24/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1592/QĐ-TTg kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Phó Thủ tướng Chính...
09:36 - 25/07/2025
1,137 lượt xem

Hy hữu: Người phụ nữ phát hiện có 4 quả thận

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ vừa tiến hành ca phẫu thuật đặc biệt...
06:59 - 25/07/2025
1,166 lượt xem