190
/
176318
Sử dụng cốc nguyệt san sai cách có thể gây vấn đề về thận
su-dung-coc-nguyet-san-sai-cach-co-the-gay-van-de-ve-than
news

Sử dụng cốc nguyệt san sai cách có thể gây vấn đề về thận

Thứ 6, 14/02/2025 | 08:25:00
469 lượt xem

Các bác sĩ cảnh báo rằng việc đặt cốc nguyệt san không đúng cách không chỉ gây rò rỉ mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng liên quan đến thận, theo Sci Tech Daily.

Sử dụng cốc nguyệt san sai cách có thể gây vấn đề về thận - Ảnh 1.

Các biến chứng khi dùng cốc nguyệt san sai cách có thể bao gồm tình trạng sưng thận do dòng nước tiểu bị cản trở khi chảy vào bàng quang - Ảnh: SCI TECH DAILY

Các biến chứng có thể bao gồm tình trạng sưng thận do dòng nước tiểu bị cản trở khi chảy vào bàng quang. Cảnh báo được đưa ra sau báo cáo trên BMJ Case Reports, trong đó một phụ nữ trẻ phải điều trị do sưng thận.

Thận sưng do sử dụng cốc nguyệt san

Báo cáo nhấn mạnh cốc nguyệt san ngày càng được ưa chuộng như một phương pháp bền vững để sử dụng trong kỳ kinh nguyệt. Dù biến chứng là hiếm gặp, các tác giả lưu ý rằng rủi ro tiềm ẩn còn bao gồm đau đớn, tổn thương âm đạo, dị ứng, rò rỉ, tiểu không tự chủ, làm lệch vòng tránh thai (IUD) và nhiễm trùng.

Các bác sĩ đã điều trị cho một phụ nữ ngoài 30 tuổi nhận thấy có máu trong nước tiểu và bị đau vùng hông phải, kéo dài khoảng 6 tháng.

Ba năm trước, cô đã từng phẫu thuật loại bỏ sỏi thận 9mm. Cô cũng đang sử dụng vòng tránh thai bằng đồng. Mỗi tháng, vào những ngày kinh nguyệt nhiều nhất, cô dùng cốc nguyệt san và thay rửa 2-3 giờ một lần.

Khi chụp chiếu, các bác sĩ không tìm thấy dấu hiệu của sỏi thận, nhưng phát hiện thận phải và niệu quản của cô bị sưng. Hình ảnh cũng cho thấy cốc nguyệt san nằm ngay cạnh lỗ niệu quản vào bàng quang.

Bác sĩ yêu cầu cô ngừng sử dụng cốc nguyệt san trong kỳ kinh tiếp theo và quay lại tái khám sau một tháng. Kết quả cho thấy tình trạng sưng đã giảm, nước tiểu lưu thông bình thường và triệu chứng biến mất hoàn toàn. Điều này khiến nhóm tác giả kết luận rằng cốc nguyệt san đã chặn dòng chảy của nước tiểu từ niệu quản phải.

Sáu tháng sau, khi kiểm tra lại, bệnh nhân cho biết chỉ sử dụng cốc nguyệt san trong 3-4 giờ khi đi bơi và không dám dùng thường xuyên vì lo ngại biến chứng.

Nghiên cứu còn hạn chế

Các tác giả cho biết: "Theo hiểu biết của chúng tôi, chỉ có một số ít trường hợp tương tự từng được báo cáo trước đây. Trong hầu hết các trường hợp, hình ảnh chụp cho thấy tình trạng ứ nước ở niệu quản đã giảm".

Họ cũng lưu ý rằng trong ba trường hợp, bệnh nhân tiếp tục sử dụng cốc nguyệt san mà không tái phát triệu chứng, trong đó một người đã chọn cốc có kích thước nhỏ hơn.

Các bác sĩ nhấn mạnh phụ nữ và cả nhân viên y tế cần được cung cấp thông tin chính xác về cách sử dụng cốc nguyệt san cũng như các nguy cơ tiềm ẩn.

Họ giải thích: "Đoạn cuối của niệu quản đi vào bàng quang và nằm gần âm đạo. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thoát nước tiểu. Vì vậy, việc đặt đúng vị trí và chọn đúng kích thước, hình dạng cốc là rất quan trọng để tránh tác động tiêu cực đến đường tiết niệu".

Hiện nay, cốc nguyệt san có thể được mua và sử dụng mà không cần tư vấn y tế, cho thấy tầm quan trọng của việc cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết và rõ ràng cho người dùng.

Theo Bình Minh/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/su-dung-coc-nguyet-san-sai-cach-co-the-gay-van-de-ve-than-20250209111816805.htm

  • Từ khóa

Phát hiện dấu hiệu cảnh báo ung thư từ trước khi chào đời

Các nhà nghiên cứu tại Viện Van Andel đã phát hiện nguy cơ ung thư có thể được xác định ngay từ khi còn trong bụng mẹ do sự hình thành của gene biểu sinh...
16:40 - 14/02/2025
258 lượt xem

Chủng cúm AH3N2 có khả năng lây lan nhanh và dễ gây biến chứng nặng

Chủng cúm A chủ đạo đang gây bệnh hiện nay là H3N2, một chủng virus có khả năng lây lan nhanh và dễ gây biến chứng nặng ở trẻ em, người già và những người...
13:51 - 14/02/2025
314 lượt xem

8 quan niệm sai lầm về bệnh cúm

Cúm chỉ là cảm lạnh nặng, tiêm vắc xin cúm gây bệnh cúm, người khỏe mạnh không cần tiêm vắc xin... là các quan niệm sai lầm về bệnh cúm, gây chủ quan...
10:59 - 14/02/2025
363 lượt xem

Ca mắc cúm vẫn tăng, làm gì phòng ngừa khi thời tiết nồm ẩm?

Thời tiết nồm ẩm càng là yếu tố thuận lợi cho virus cúm phát triển. Tại nhiều cơ sở y tế, số ca mắc cúm nhập viện tiếp tục gia tăng và có không ít ca vào...
15:59 - 13/02/2025
861 lượt xem

Chuyên gia lý giải nguyên nhân gia tăng ca mắc cúm mùa

Tỷ lệ tiêm phòng cúm trong dân tại Việt Nam thấp, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai; thời tiết đông xuân nồm ẩm... là...
14:14 - 13/02/2025
865 lượt xem