Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chuyên gia của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (NIMPE) cuối tháng 3 đã đi thăm một số bệnh nhân giun rồng tại 3 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Hòa Bình.
Giun rồng tại Việt Nam khác với loại đã ghi nhận
Thông tin về bệnh giun rồng tại VN, PGS-TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng (NIMPE), cho hay đây là bệnh hiếm gặp tại VN. Trên thế giới, năm 2023 - 2024, mỗi năm toàn thế giới chỉ có 13 - 14 ca, chủ yếu tại 4 nước châu Phi. Từ năm 2020 đến nay, VN có 24 ca tại 5 tỉnh: Yên Bái (11 ca), Phú Thọ 8 ca, Thanh Hóa và Lào Cai mỗi nơi 2 ca, Hòa Bình 1 ca. Đa số bệnh nhân (BN) là nam giới.
Theo PGS-TS Đỗ Trung Dũng, qua ghi nhận các BN cho thấy những thói quen ăn uống có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun rồng là: ăn động vật chưa nấu chín như cá nước ngọt, ếch, rắn; uống nước chưa nấu chín (nguy cơ uống phải ấu trùng giun rồng có trong nước)...
Giun rồng tự chui ra, không thể lấy bằng phẫu thuật hay rạch da ẢNH: TƯ LIỆU CDC YÊN BÁI
WHO khuyến cáo VN nên có hoạt động giám sát bệnh này và truyền thông để người dân ăn chín uống sôi; VN cần tiếp tục nghiên cứu về nguy cơ lây nhiễm giun rồng tại VN cũng như định loại, đặt tên cho loại giun rồng này tại VN, vì nó không thuộc loại phổ biến đã thấy ở châu Phi mà gần như là một loại mới, đồng thời có thông báo cụ thể về loài giun rồng này.
Chưa có thuốc chữa
Theo PGS-TS Đỗ Trung Dũng, hiện không có phương pháp xét nghiệm để phát hiện sớm nhiễm giun rồng; cũng không có thuốc điều trị giun rồng, không có vắc xin ngừa loại giun này.
"Phương pháp điều trị duy nhất với giun rồng là khi chúng xuất hiện, chui ra khỏi da của người, thì sẽ lấy nó ra khỏi và đừng làm đứt nó. Như với giun rồng ghi nhận tại châu Phi, có thể phải mất 2 - 3 tuần mới lấy hết được con giun rồng ra, vì nó có chiều dài đến 70 cm, thậm chí lên đến 1,2 m", PGS-TS Đỗ Trung Dũng lưu ý.
Phương pháp điều trị duy nhất với giun rồng là khi chúng xuất hiện, chui ra khỏi da của người, thì sẽ lấy nó ra khỏi và đừng làm đứt nó. Như với giun rồng ghi nhận tại châu Phi, có thể phải mất 2 - 3 tuần mới lấy hết được con giun rồng ra, vì nó có chiều dài đến 70 cm, thậm chí lên đến 1,2 m. PGS-TS Đỗ Trung Dũng (Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư) |
Chuyên gia về ký sinh trùng của NIMPE hướng dẫn: cần từ từ cuộn giun rồng quanh cây que nhỏ để lấy ra, tuyệt đối không được rạch chọc da để lấy chúng ra, không thể lấy chúng ra bằng cách phẫu thuật. Vì trong mỗi con giun rồng có khoảng 3 - 4 triệu ấu trùng giun rồng bên trong. Nếu giun bị đứt sẽ giải phóng các ấu trùng này, gây các phản ứng cho người bệnh.
"Chúng tôi gặp nhiều BN ở VN sau khi làm đứt giun rồng thì đã có phản ứng viêm, dị ứng rất mạnh, sưng nóng đỏ đau toàn bộ chi, đau nhiều, phù nề rất mạnh", TS Dũng chia sẻ thực tế từ một số ca bệnh giun rồng.
Theo Trưởng khoa Ký sinh trùng, nếu để giun rồng tự chui ra thì không nguy hiểm. Nếu nó không ra ngoài, mà tự thoái hóa ở tổ chức dưới da cũng không gây nguy hiểm. Nhưng nếu chúng chui vào các khớp, chui vào cột sống và chết, thoái hóa tại đó thì rất nguy hiểm vì để lại di chứng rất nặng nề, khiến BN không thể cử động được vì giun rồng dài, kẹt trong các khớp. Khi thấy giun chui ra tại ổ sưng tấy, nên khéo léo bắt chúng bằng cách sử dụng một que tròn rồi lăn cuộn từ từ để kéo hết giun ra ngoài.
Từ khi BN nhiễm phải ấu trùng này qua đường ăn uống, đến khi có triệu chứng lâm sàng đầu tiên và chúng chui ra thì thường mất 11 - 12 tháng. Trong suốt thời gian đó, BN hoàn toàn không có triệu chứng nào, không có gì xét nghiệm để biết đã nhiễm giun rồng. Chỉ khi BN xuất hiện nốt phồng rộp sưng nóng, đỏ và giun rồng chui ra từ nốt sưng tấy đó thì BN mới biết bị nhiễm giun rồng.
Theo đại diện của NIMPE, ca bệnh giun rồng ghi nhận gần đây nhất là tại VN hồi tháng 8.2024. Năm 1998, WHO đã chứng nhận VN không có giun rồng.
Tỷ lệ nhiễm bệnh giun truyền qua đất khoảng 30%Hội nghị khoa học toàn quốc về ký sinh trùng lần thứ 51 do NIMPE tổ chức hôm qua 1.4 tại Hà Nội, cập nhật kiến thức, công tác đào tạo nhân lực cho chuyên ngành này. NIMPE đã có các hoạt động phòng chống côn trùng truyền bệnh sang người như sốt mò, bọ xít hút máu; bệnh rickettsia do ve, kiến ba khoang; dịch hạch do bọ chét; rận; bệnh do muỗi cát; bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi Culex, ruồi vàng tấn công người… Với các bệnh do ký sinh trùng, Viện trưởng NIMPE đánh giá VN có điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt và vệ sinh môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm. Ví dụ, bệnh giun truyền qua đất, tỷ lệ nhiễm cả nước khoảng 30%; ngoài ra ghi nhận các bệnh sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, bệnh giun sán truyền từ động vật sang người… |
Theo Liên Châu-Thúy Anh/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/vn-nghien-cuu-ve-loai-giun-rong-moi-ghi-nhan-185250401194854805.htm