Tắm nước lạnh ngay sau khi đi ngoài trời nắng nóng về có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não...
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 cho biết, vào mùa nắng nóng, nhiều người có thói quen sau khi đi nắng về thích tắm nước lạnh cho mát. Nhưng đây là một thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não
"Cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ nước lạnh đột ngột, các mạch máu sẽ co lại, giảm mất nhiệt, điều này có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ bị vỡ mạch máu, dẫn đến đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, đặc biệt là ở những người có sẵn các bệnh tim mạch", bác sĩ Hương phân tích.
Những người có lối sống ít vận động, tập luyện thì sự thay đổi đột ngột nhiệt độ khi tắm nước lạnh cũng gây ra những phản ứng quá mức làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Tắm sau khi đi nắng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe ẢNH: AI
Tắm nước lạnh ngay khi đi nắng về dễ bị sốc nhiệt
Tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về có thể gây sốc nhiệt, khiến thân nhiệt hạ đột ngột, đặc biệt ở người lớn tuổi khi khả năng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ giảm.
Những dấu hiệu nhẹ của việc hạ thân nhiệt bao gồm rùng mình, chóng mặt, đờ đẫn, mệt, buồn nôn, nhịp tim tăng nhanh. Dấu hiệu nặng có thể gây thở không sâu, nhịp tim chậm, cơ thể yếu dần...
Dễ gây cảm lạnh
Khi cơ thể toát mồ hôi và tỏa nhiệt, tắm nước lạnh ngay lúc này sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông, mồ hôi không thoát được ra ngoài dễ gây cảm lạnh.
Ngoài ra, sau khi đi nắng về, nhiều người còn có thói quen thích đứng ngay dưới máy lạnh hoặc để quạt hơi nước thổi trực tiếp vào mặt, lên người đang mồ hôi làm cơ thể bị "sốc lạnh", dẫn đến viêm họng, sổ mũi, nhức đầu.
Co cơ đột ngột dễ dẫn đến chuột rút
Việc tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về có thể làm co cơ đột ngột dễ dẫn đến tình trạng chuột rút hay còn gọi là vọp bẻ. Lúc này cơ thể phải đối mặt với những cơn co thắt cơ rất mạnh và đau.
"Nên đợi ít nhất khoảng 20-30 phút để mồ hôi khô rồi mới tắm. Trong thời gian này, nên bổ sung nước cho cơ thể, uống theo từng ngụm và chia đều thời gian uống. Không nên để quạt hoặc máy lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Khi tắm không nên xả nước từ trên đầu xuống, nên làm ướt vùng chân, tay trước để cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi nhiệt độ", bác sĩ Hương khuyến cáo.
Theo Lê Cầm/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tam-nuoc-lanh-ngay-sau-khi-di-nang-bac-si-canh-bao-dieu-gi-185250409105948776.htm