213
/
170174
Sinh viên sáng chế máy tính cầm tay cho người khiếm thị
sinh-vien-sang-che-may-tinh-cam-tay-cho-nguoi-khiem-thi
news

Sinh viên sáng chế máy tính cầm tay cho người khiếm thị

Thứ 5, 26/09/2024 | 17:18:00
2,356 lượt xem

Máy tính dùng để tính toán nhưng cũng có thể học chữ, gõ văn bản và là trợ lý ảo giúp người khiếm thị tiếp cận được với tri thức nhân loại.

Máy tính cầm tay cho người khiếm thị được thử nghiệm tại Hội Người mù Lâm Đồng và TPHCM. 

Đây là sản phẩm của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Hỗ trợ người mù học tập

Nhóm sinh viên gồm: Phạm Mai Mẫn Nhi và Đào Anh Hào, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tạo ra thiết bị máy tính cầm tay trợ giúp người khiếm thị trong học tập, trau dồi tri thức, sau 4 năm nghiên cứu.

Sinh viên Phạm Mai Mẫn Nhi cho biết, máy tính có thể dễ dàng sử dụng cho tất cả người khiếm thị. Đối với trẻ em khiếm thị chưa biết chữ nổi Braille có thể sử dụng máy tính để học và làm các phép toán từ đơn giản đến phức tạp. Đối với người lớn có thể sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản rất tiện lợi, có hai chế độ gõ là Telex và VNI.

Máy sẽ phát âm từng ký tự để người sử dụng biết được chính xác chữ cần gõ. Khi hết một câu máy tính sẽ phát âm lại toàn bộ nguyên văn bằng tiếng Việt qua loa, hỗ trợ người mù có thể soạn thảo chính xác.

“Chức năng độc đáo nhất của máy tính là trợ lý ảo tích hợp xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Người khiếm thị có thể dễ dàng giao tiếp với máy bằng giọng nói, để có thể đọc báo điện tử, tra cứu thông tin…”, Mẫn Nhi nhấn mạnh.

Để tạo thành thiết bị, nhóm đã sử dụng thiết kế hệ thống mạch chắc chắn, gia công các nút bấm sử dụng keycap có độ bền cao, đảm bảo tuổi thọ đáp ứng yêu cầu sử dụng thường xuyên liên tục.

Trên các nút bấm đều có ký tự chữ nổi Braille để người khiếm thị cảm nhận. Qua đó hỗ trợ tính toán và gõ chữ giúp người khiếm thị thực hiện các phép toán qua loa hoặc tai nghe. Trong máy tính còn có bộ điều khiển Raspberry Pi để thực hiện các chức năng trí tuệ nhân tạo trợ lý ảo giao tiếp với người dùng.

Bàn phím được thiết kế các phím số và phím dấu dựa vào bàn phím số máy vi tính. Các phím chưa được thiết kế chữ nổi Braille sẽ được phát triển thêm các phép toán về căn thức, lũy thừa, phân số… trong tập hợp số thực. Máy tính cầm tay cho người khiếm thị có thể phát ra âm thanh khi thao tác trên các phím, giúp cho người khiếm thị có thể nghe bằng loa ngoài hoặc tai phone trong quá trình sử dụng.

Thân máy tính cầm tay được thiết kế bằng nhựa, đầu trên nhỏ, đầu dưới lớn giúp cho người khiếm thị dễ dàng xác định vị trí và các chức năng của máy. Dọc theo thân máy tính cầm tay và mặt bàn phím được sơn màu vàng để những người khiếm thị còn thấy mờ mờ có thể nhìn được, vì màu vàng là màu đặc trưng dành cho người khiếm thị.

Có nhiều phiên bản theo nhu cầu sử dụng

Theo nhóm tác giả, điểm nhấn của máy tính là sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói để đọc to các kết quả phép tính và văn bản được soạn thảo. Vì vậy, người dùng không cần nhìn màn hình (không thể nhìn) vẫn có thể thao tác chính xác. Bên cạnh đó, máy tính sử dụng màn hình có độ tương phản cao giúp người có thị lực kém vẫn nhận biết được.

Thiết kế của máy tính tương tự bố cục của bàn phím thông thường, giúp người khiếm thị dễ dàng sử dụng và thích nghi nhanh hơn. Cùng thiết kế nhỏ gọn, máy tính có nhiều phiên bản, kích thước để thuận tiện cho người khiếm thị mang theo.

Ngoài ra, phương pháp học chữ nổi và gõ bàn phím của người khiếm thị đòi hỏi cảm giác, xúc giác, sử dụng các bảng chuyên dụng, cần sự hỗ trợ từ giáo viên. Nhóm đã kết hợp nhiều kỹ thuật công nghệ như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông sáng tạo nên máy tính cầm tay cho người khiếm thị.

Từ năm 2020, từ nguồn kinh phí 7,8 triệu đồng do Quỹ Tâm nguyện Việt tài trợ, nhóm đã nghiên cứu và phát triển ra sản phẩm. Máy đã được thử nghiệm tại Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng và được đánh giá là thiết bị hỗ trợ đắc lực cho người mù học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ, hòa nhập cộng đồng.

Theo ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng, ý tưởng máy tính cầm tay cho người khiếm thị là giải pháp rất thiết thực, hữu ích, nhất là sử dụng cho người mới bắt đầu học chữ nổi, không chỉ riêng trẻ em mà còn cả người khi lớn mới bị mù. Cũng giống như người bình thường, để sử dụng thành thạo cần có thời gian sử dụng và bàn phím nổi sẽ giúp giai đoạn này trở nên dễ dàng hơn.

Sản phẩm đã nhận được 80% đánh giá tích cực về tính năng sử dụng bởi người khiếm thị. Khi hoàn thiện máy có thể triển khai sản xuất đại trà, mỗi tháng cung cấp hơn 10 sản phẩm.

Theo Nhật Phong/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-sang-che-may-tinh-cam-tay-cho-nguoi-khiem-thi-post702188.html

  • Từ khóa

Vệ tinh dẫn đường NVS-02 của Ấn Độ gặp sự cố kỹ thuật khi nâng quỹ đạo

Vệ tinh dẫn đường NVS-02 đã gặp sự cố kỹ thuật trong quá trình nâng quỹ đạo, nguyên nhân là do các van tiếp nhận chất oxy hóa để kích hoạt động cơ đẩy đã...
16:38 - 04/02/2025
292 lượt xem

Hàng trăm trang web của các cơ quan chính phủ Mỹ bất ngờ ngừng hoạt động

Các trang web bị sập bao gồm các trang liên kết với nhiều cơ quan chính phủ quan trọng như Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng, Bộ Giao thông, Bộ...
15:27 - 04/02/2025
300 lượt xem

Đào tạo nhân lực AI trong xu thế mới

Đầu năm mới, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin kiêm Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm Trường ĐH...
15:37 - 04/02/2025
300 lượt xem

Apple đặt niềm tin vào DeepSeek cho iPhone?

Sau khi gây chú ý với ngành công nghệ, công ty khởi nghiệp DeepSeek đã nhận được sự quan tâm từ Apple để tích hợp vào công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) của...
11:57 - 04/02/2025
386 lượt xem

Microsoft ngừng cung cấp dịch vụ Defender VPN

Dịch vụ VPN trong Microsoft Defender sẽ ngừng hoạt động từ ngày 28.2 do không thu hút người dùng và không đáp ứng được kỳ vọng về bảo mật.
09:18 - 04/02/2025
465 lượt xem