Các lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm nạn nhân sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở Myanmar ngày 28.3, nhưng gặp không ít thách thức.
Chiều qua (31.3), Tân Hoa xã đưa tin tính đến 8 giờ sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ Trung Quốc đã cứu được 6 người ở Myanmar sau trận động đất hôm 28.3, và tiếp tục thực hiện hoạt động cứu hộ tại TP.Mandalay, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, hy vọng tìm thấy thêm người sống sót ở Mandalay đang phai nhạt sau đầu giờ chiều qua, khi thời hạn 72 giờ có thể tìm thấy người còn sống đã hết.
AP hôm qua dẫn lời ông Tun Kyi, thành viên của Mạng lưới Hồi giáo Myanmar, cho hay có khoảng 700 tín đồ đã thiệt mạng khi nhiều đền thờ Hồi giáo sụp đổ do động đất hôm 28.3. Không rõ liệu con số tử vong này đã được đưa vào số thương vong chính thức hay chưa.
Chính quyền quân sự Myanmar ngày 31.3 thông báo trận động đất đã khiến hơn 2.050 người chết, 3.400 người bị thương và hơn 300 người mất tích. Chủ tịch Hội đồng Quản lý nhà nước Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, công bố quốc tang một tuần từ ngày 31.3 - 6.4
Cứu hộ tại một tòa nhà bị sập sau động đất ở Mandalay ngày 31.3 ẢNH: REUTERS
Cuộc tìm kiếm ở Bangkok tiếp diễn Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, các đội cứu hộ sử dụng cần cẩu hôm qua cũng tiếp tục cuộc tìm kiếm 76 người mất tích được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát của một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng bị sập do trận động đất 7,7 độ Richter ở Myanmar, theo Reuters. Thị trưởng Bangkok Chadchart Sittipunt nhấn mạnh cuộc tìm kiếm vẫn sẽ tiếp tục ngay cả sau 72 giờ. Giới chức Thái Lan hôm 30.3 cho hay ít nhất 18 người đã thiệt mạng tại Bangkok do động đất hôm 28.3, với hầu hết trong số đó là công nhân trong vụ sập tòa nhà 30 tầng, theo AFP. |
Nhiều thách thức
Vào sáng sớm qua, các nỗ lực cứu hộ diễn ra ít tích cực hơn tại Mandalay, nhưng điều kiện lại rất khó khăn, khi nhiệt độ dự kiến sẽ lên tới khoảng 40 độ C. Nhiệt độ cao đã khiến lực lượng cứu hộ kiệt sức và đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể, có thể gây khó khăn cho việc nhận dạng, theo AFP.
Ngoài ra, Mandalay đã không có điện kể từ khi trận động đất xảy ra, cản trở thêm thông tin liên lạc và nỗ lực phối hợp cứu trợ. Tình trạng cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng và hệ thống thông tin liên lạc yếu sau động đất cũng đã làm chậm di chuyển của các đội cứu hộ. Trong khi đó, các trận dư chấn tiếp tục xảy ra ở Mandalay vào cuối tuần qua, khiến người dân phải chạy ra đường và công tác cứu hộ bị ảnh hưởng.
Ngay trước trận động đất ngày 28.3, những thách thức Myanmar phải đối mặt là vô cùng to lớn. Myanmar đã bị tàn phá bởi 4 năm xung đột bùng nổ sau cuộc chính biến ngày 1.2.2021. Trước trận động đất đó, khoảng 3,5 triệu người đã phải di dời do cuộc xung đột đang diễn ra, và nhiều người có nguy cơ bị đói, theo AFP.
Nhóm đối lập Liên minh Dân tộc Karen ở Myanmar ngày 30.3 cáo buộc chính quyền quân sự "tiếp tục tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các khu vực dân sự, ngay cả khi người dân phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì trận động đất". Đến chiều qua chưa có thông tin về phản ứng của chính quyền quân sự Myanmar.
"Cuộc khủng hoảng thứ cấp"
Trước tình trạng như trên, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hôm 30.3 đã kêu gọi quyên góp khẩn cấp hơn 100 triệu USD để giúp đỡ các nạn nhân động đất ở Myanmar. Mạng lưới nhân đạo lớn nhất thế giới này cho hay nhu cầu đang tăng lên từng giờ khi nhiệt độ tăng cao và mùa gió mùa đang đến gần làm tăng nguy cơ xảy ra "cuộc khủng hoảng thứ cấp".
Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 30.3 cho hay đã phân loại thảm họa động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp cấp độ 3, mức cao nhất theo khung ứng phó khẩn cấp của WHO. Tổ chức này cho hay cần 8 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu y tế cấp bách trong 30 ngày tới, "để cứu sống, ngăn ngừa bệnh tật, ổn định và khôi phục các dịch vụ y tế thiết yếu" ở Myanmar. Các nhân viên cứu trợ ở Mandalay cho hay hàng ngàn cư dân đang ngủ ngoài trời và thiếu mọi thứ từ nước đến thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, theo tờ The Wall Street Journal.
Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan nằm trong số các nước láng giềng của Myanmar đã gửi hàng cứu trợ và đội cứu trợ, cùng với viện trợ và nhân sự từ Malaysia, Singapore và Nga. Trong đó, Trung Quốc đã gửi lô hàng cứu trợ đầu tiên trị giá 100 triệu nhân dân tệ (hơn 352 tỉ đồng) tới Myanmar sau trận động đất hôm 28.3, theo Tân Hoa xã hôm qua.
Theo Văn Khoa/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/ung-pho-hau-qua-dong-dat-myanmar-doi-mat-nhieu-thach-thuc-185250401000609394.htm