Giáo hoàng Francis làm việc chăm chỉ đến ngày cuối đời và ra di nguyện bày tỏ mong muốn được an táng 'dưới lòng đất, không có đồ trang trí đặc biệt'.
Sau khi nằm viện hơn 5 tuần vì bệnh viêm phổi kép, các bác sĩ đã nói với Giáo hoàng Francis rằng ông cần nghỉ ngơi 2 tháng, nhưng nhà lãnh đạo của 1,4 tỉ người Công giáo trên thế giới vẫn tiếp tục làm việc cho đến phút cuối.
Vào ngày Phục sinh (20.4), một ngày trước khi qua đời ở tuổi 89, ông xuất hiện trước công chúng trong thời gian dài lần đầu tiên kể từ tháng 2, tiến vào quảng trường Thánh Peter trên chiếc xe giáo hoàng màu trắng (Popemobile) để chào đón đám đông reo hò.
Và lần thứ 2 kể từ khi xuất viện vào ngày 23.3, Giáo hoàng Francis đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài, chào đón Phó tổng thống Mỹ JD Vance đến dinh thự của mình trong một cuộc gặp gỡ ngắn.
"Tôi rất vui khi được gặp Giáo hoàng vào hôm qua, dù ngài ấy rõ ràng là rất yếu. Cầu mong Chúa cho linh hồn ngài được yên nghỉ", ông Vance viết trên mạng xã hội X.
Giáo hoàng Francis di chuyển trên chuyên xa tại Vatican hôm 20.4. ẢNH: REUTERS
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic và gia đình ông cũng đã có một cuộc gặp ngắn với Giáo hoàng Francis hôm 20.4.
"Đó là một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng vô cùng cảm động, một cuộc gặp gỡ đầy lòng tốt, nụ cười và phước lành", Thủ tướng Plenkovic cho biết.
Sứ mệnh Giáo hoàng
Dù đang dưỡng bệnh sau một thời gian dài nằm viện, Giáo hoàng Francis đã làm việc rất chăm chỉ. Hồng y Michael Czerny, một viên chức cấp cao của Vatican, người gần gũi với Francis, cho biết ông không nghĩ rằng Giáo hoàng đã thúc đẩy bản thân một cách vô trách nhiệm.
"Nghỉ ngơi tuyệt đối không phải là chữa lành. Ông cân bằng thời gian dưỡng bệnh với việc làm Giám mục của Rome", Hồng y Czerny nói và nhắc lại rằng Giáo hoàng nhiều lần chỉ đạo các giám mục phải gần gũi với giáo dân của mình.
Giáo hoàng Francis (phải) gặp Phó tổng thống Vance hôm 20.4. ẢNH: REUTERS
Tác giả Austen Ivereigh, người viết tiểu sử về Giáo hoàng Francis, cho biết Giáo hoàng "đã lắng nghe cẩn thận lời khuyên của bác sĩ nhưng ưu tiên hàng đầu của ngài là sứ mệnh hiện diện của mình".
Ông Ivereigh cho biết Giáo hoàng Francis là "bậc thầy về thời gian". "Ngài đã đảm bảo rằng chúng ta có một vị Giáo hoàng vào dịp lễ Phục sinh và duy trì sứ mệnh hiện diện của mình cho đến phút cuối cùng", tác giả này cho biết.
Trong thời gian nằm viện, Giáo hoàng Francis đã bị các cơn khó thở nghiêm trọng. Vatican cho biết vào tối 21.4 rằng Giáo hoàng đã qua đời vì đột quỵ và sau đó là ngừng tim không thể phục hồi.
Di nguyện giản dị Giáo hoàng Francis đã xác nhận trong di chúc cuối đời của mình rằng ngài muốn được chôn cất tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria ở Rome chứ không phải tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican, không giống như nhiều giáo hoàng trước đây. Di chúc nêu rõ rằng ông muốn được chôn "dưới lòng đất, không có đồ trang trí đặc biệt" nhưng phải khắc tên giáo hoàng của ông bằng tiếng La tinh là Franciscus. Bên cạnh lời chia buồn và tiếc thương của lãnh đạo nhiều nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông và phu nhân Melania Trump sẽ tham dự tang lễ Giáo hoàng Francis. Ông Trump đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và tại các cơ sở liên bang trên toàn cầu. "Ông ấy là một người đàn ông tốt, ông ấy làm việc chăm chỉ và yêu thế giới", Tổng thống Mỹ phát biểu. Cựu Tổng thống Joe Biden ca ngợi cố Giáo hoàng là "không giống bất kỳ ai trước ông". "Giáo hoàng Francis sẽ được nhớ đến như một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất thời đại chúng ta và tôi cảm thấy vui hơn khi được biết đến ông", ông Biden viết trên X cùng với bức ảnh chụp ông cùng Giáo hoàng. |
Theo Khánh An/Thanh niên
https://thanhnien.vn/giao-hoang-francis-lam-viec-den-ngay-cuoi-doi-bat-chap-khuyen-cao-cua-bac-si-185250422073758755.htm