4
/
175941
Doanh nghiệp logistics đầu tư mạnh, nâng cao sức cạnh tranh
doanh-nghiep-logistics-dau-tu-manh-nang-cao-suc-canh-tranh
news

Doanh nghiệp logistics đầu tư mạnh, nâng cao sức cạnh tranh

Thứ 5, 06/02/2025 | 07:20:00
73 lượt xem

Các doanh nghiệp ngành logistics đã và đang đầu tư mạnh cho công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp tăng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ logistics

Theo chia sẻ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), từ đầu tháng 01/2025 đến nay sản lượng hàng hóa gửi qua Bưu điện tăng 25% so với trước đó. Có thời điểm lên tới hơn 900.000 bưu gửi/ngày. Hàng hóa được gửi trong dịp này chủ yếu là thực phẩm, quần áo, hóa mỹ phẩm…

Vietnam Post có nhiều đơn hàng dịp Tết

Việc “sốt” đơn hàng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp logistics – ngành nghề được đánh giá đã, đang và sẽ rất “hot”. Đây cũng là lý do hàng loạt doanh nghiệp đã và đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực logistics. Đơn cử, tháng 1 vừa qua, tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), thương hiệu chuyển phát nhanh J&T Express Việt Nam đã khai trương trung tâm trung chuyển lớn nhất miền Bắc của doanh nghiệp này.

Với diện tích 38.000 m2, 23 cổng hàng vào và 150 cổng hàng ra, trung tâm có hàng chục băng chuyền và khu vực xử lý hàng hóa hiện đại. Tại đây trang bị các lớp kiểm soát bằng hệ thống máy DWS tích hợp tự động quét mã hàng, cân nặng và kiểm tra kích thước; hệ thống ma trận phân loại hàng tự động giúp quá trình hàng vào và ra chỉ trong 3-5 phút với độ chuẩn xác tới 99%. Các hệ thống này phục vụ tối ưu cho lượng hàng hóa lớn, kể cả trong dịp cao điểm với công suất 2,4 triệu bưu kiện/ngày.

Một doanh nghiệp khác là Viettel Post trước đây chủ yếu giao hàng chặng cuối, song vài năm trở lại đây, Viettel Post còn hướng đến xây dựng một hệ thống logistics xuyên biên giới. Theo đó, từ cuối năm 2024, dự án Công viên logistics Viettel diện tích 143 ha tại Lạng Sơn, giáp biên giới Trung Quốc đi vào hoạt động đã giúp Viettel Post nâng cao sức cạnh tranh khi không chỉ giải quyết bài toán ùn tắc hàng hóa, đặc biệt là nông sản, mà còn rút ngắn thời gian thông quan từ 3 - 4 ngày xuống chỉ còn 24 giờ. Nhờ đó, các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu giờ đây có thể xuất khẩu nhanh chóng và an toàn, giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại do "tắc biên".

Cũng là một doanh nghiệp lớn ngành logistics, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã xây dựng quy trình lựa chọn và kiểm định chất lượng sản phẩm nông sản theo các quy định và tiêu chuẩn chất lượng Quốc gia, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Với quy trình lựa chọn sản phẩm chặt chẽ, cùng thế mạnh về cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển chuyên dùng và kinh nghiệm triển khai về sàn thương mại điện tử, Vietnam Post đảm bảo nông sản đến tay người tiêu dùng luôn tươi ngon, an toàn.

Đáng chú ý, để đẩy mạnh xuất khẩu, cuối năm 2024, Vietnam Post cũng đã ký kết với Việt Nam SuperPort™ cũng ký kết thỏa thuận với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để phát triển các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Á. Sự hợp tác này hướng đến tối ưu hóa chi phí vận chuyển, kho bãi, và cung cấp các giải pháp logistics hiệu quả, giúp tăng cường dòng chảy hàng hóa khu vực và mở ra cánh cửa quốc tế cho SMEs Việt Nam.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, chia sẻ sự kết hợp giữa hạ tầng bưu chính-logistics rộng khắp của Bưu điện Việt Nam và các giải pháp công nghệ từ Việt Nam SuperPort™ sẽ mang đến các dịch vụ toàn diện, hỗ trợ các doanh nghiệp tiến ra thị trường toàn cầu. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng cho hai bên, mà còn là động lực để SMEs và các hộ kinh doanh Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Bộ Công Thương, tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines).

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào ngành này. Khảo sát của Dự án Thương mại số tại Việt Nam với sự hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công Thương Việt Nam công bố mới đây cho hay, các doanh nghiệp đã từng bước đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Giải pháp và hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số ngày càng đa dạng, trong đó điển hình như nhóm doanh nghiệp cảng có 67% đơn vị được khảo sát áp dụng chuyển đổi số tổng thể; 50% có kết nối khách hàng và nhà cung cấp, áp dụng phần mềm cảng thông minh và các phần mềm chức năng; 67% doanh nghiệp dành ngân sách từ 1 đến 5 tỷ đồng/năm cho chuyển đổi số…

Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm thương mại điện tử cao nhất Đông Nam Á (khoảng 43,9 triệu người), do vậy dịch vụ logistics đáp ứng cho nhu cầu ngành thương mại điện tử luôn là cần thiết. Hơn hết, xu hướng chuyển đổi số, thay đổi hành vi mua sắm và các yếu tố tác động khác đang đưa thương mại điện tử thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

Nâng cao năng lực ngành logistics

Bên cạnh những điểm sáng, trong hơn 35.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam có trên 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa phần trong số đó mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư công nghệ, chuyển đổi số. Nguồn vốn hạn chế, sự đầu tư ngân sách còn hạn chế và thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn… là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ trong đổi mới công nghệ.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành logistics. Trong đó, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định logistics là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định một trong những nhiệm vụ nhằm phát triển logistics Việt Nam đến năm 2025 là “nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Công Thương cũng đã tích cực trao đổi với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, các Hiệp hội, các doanh nghiệp để rà soát lại toàn bộ các hoạt động logistics trong 10 năm qua. Đồng thời, xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp hơn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đã được triển khai và ban hành trong thời gian vừa qua. Từ đó, tạo ra được khung khổ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt, nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.

Chiến lược đặt ra các mục tiêu: phát triển dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng, coi dịch vụ logistics là yếu tố động lực dịch vụ hạ tầng thiết yếu để thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc dân; phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao và hàm lượng tri thức cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngày càng sâu và rộng hiện nay và với sự tham gia của rất nhiều các thành phần kinh tế; phát triển nguồn nhân lực logistics có chất lượng cao…

Khi được phê duyệt, chiến lược được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy ngành dịch vụ này phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm. Điều này khẳng định vai trò quan trọng đa chiều với sự tác động trực tiếp và gián tiếp của ngành dịch vụ logistics vào kim ngạch xuất nhập khẩu. 

 

Theo Lan Phương/ Công Thương

https://congthuong.vn/doanh-nghiep-logistics-dau-tu-manh-nang-cao-suc-canh-tranh-372463.html

  • Từ khóa

Bán hàng online thắng lớn

Trong khi nhiều cửa hàng kinh doanh truyền thống vẫn chưa mở cửa thì các đơn hàng online đã tấp nập đến tay người tiêu dùng
09:00 - 06/02/2025
19 lượt xem

Dân ùn ùn mua nhẫn tròn trơn, nhà vàng lo 'cháy hàng'

Sáng 5.2, nhiều người dân ùn ùn đi mua vàng, chủ yếu mua nhẫn tròn trơn. Từ nay tới ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng giêng năm Ất Tỵ), nhiều đơn vị kinh...
15:51 - 05/02/2025
439 lượt xem

5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam

Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
13:56 - 05/02/2025
505 lượt xem

Cẩn trọng đặt phòng qua ứng dụng, mạng xã hội

Nhiều du khách đã trở thành nạn nhân khi đặt phòng qua ứng dụng, mạng xã hội dịp Tết vừa qua.
11:39 - 05/02/2025
581 lượt xem

Giá sầu riêng, lúa gạo vẫn thấp vì sao?

Tháng đầu năm, sầu riêng và gạo rớt giá khiến nhiều người lo ngại. Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia, việc này chỉ mang tính thời điểm, nhu cầu...
10:22 - 05/02/2025
571 lượt xem