Có thỏa đáng khi cho rằng những người mở lớn loa điện thoại, nói chuyện rôm rả trong quán cà phê có đông sinh viên đến học tập là kém lịch sự?
Người trẻ phân loại quán cà phê
Ngày nay, quán cà phê được nhiều sinh viên, người trẻ xem như thư viện, nơi học tập, thay vì phải vào trường tìm kiếm phòng học. Hàng ngày, rất nhiều người trẻ đi uống cà phê mang theo sách vở, laptop để học tập, làm việc. Thời gian trầm quán có khi từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối, thậm chí cả qua đêm.
Nhiều sinh viên có thói quen vào quán cà phê học tập thay vì đi thư viện ẢNH: THANH DUY
Ở thành phố tuy ra ngõ là gặp quán cà phê, nhưng không phải quán nào sinh viên cũng lui tới học tập. Bởi nhiều với nhiều bạn trẻ quán cà phê cũng được phân loại theo nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn như cà phê bệt thì thường là phù hợp với giới trẻ ngồi bệt la cà; cà phê chợ thì đủ thành phần, gồm cả những quán cóc vỉa hè, ghế xếp bàn nhựa, khách đông đúc như cái chợ; cà phê "nhà giàu" là những quán cà phê máy lạnh, có thương hiệu, giá một loại thức uống khá đắt tiền, người trẻ thỉnh thoảng tới để chụp ảnh check-in. Còn cà phê học tập là nơi có không gian đủ yên tĩnh, phòng kín máy lạnh, nhiều ổ cắm điện, kích thước bàn ghế được thiết kế gần giống với công sở để sinh viên thoải mái khi ngồi lâu.
Các sinh viên vào quán cà phê học tập đều có ý thức giữ trật tự để không ảnh hưởng tới mọi người xung quanh ẢNH: THANH DUY
Theo các bạn trẻ, hầu hết các quán cà phê đều có không gian mở, tức không có quy định nào về việc "đi nhẹ nói khẽ" để phiền lòng khách. Dẫu vậy, vô hình chung các sinh viên vào quán cà phê học tập đều có ý thức giữ im lặng, trao đổi chừng mực, không tạo ra tiếng ồn đáng kể để hạn chế ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Khách làm ồn là kém tinh tế?
Bạch Việt Thái (sinh viên ngành khoa học đất và nông nghiệp công nghệ cao, Trường ĐH Cần Thơ), cho biết tùy vào mục đích, sở thích mà khi đi cà phê sẽ có sự lựa chọn địa điểm khác nhau. Nếu trò chuyện cùng bạn bè, Thái đề xuất cà phê chợ để mọi người có thể nói cười thoải mái. Nhưng khi đã vào cà phê có nhiều người đến học tập thì bản thân sẽ tự động "bật chế độ" giữ trật tự.
Nhiều bạn trẻ ngồi học tập trong quán cà phê từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối, thậm chí qua đêm ẢNH: THANH DUY
Theo Việt Thái, những quán cà phê có đông sinh viên đến học tập thì vẫn có nhiều vị khách đến để vui chơi, giải trí. Thế nên cũng không khó bắt gặp những trường hợp khách vô tư gọi điện thoại mở video call, bật loa ngoài nói chuyện sang sảng như ở nhà. "Làm điều này tại quán cà phê có nhiều sinh viên đến học tập thì quả thật là kém tinh tế và lịch sự, vì khiến mọi người bị phân tâm, mất tập trung", Thái nói.
Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ trên, anh N.D.T., ở Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ cho rằng quán cà phê là điểm gặp gỡ, giao lưu, xả stress nên không thể không ồn ào. "Nếu các bạn trẻ đã ra quán cà phê để học tập thì nên chấp nhận và thông cảm điều này. Vì nó là điểm đến của cộng đồng và không phạm quy định của quán", vị khách bộc bạch.
Các sinh viên mong những vị khách vào quán cà phê vui chơi, giải trí cũng sẽ hạn chế làm ồn để không mất tập trung khi học tập ẢNH: THANH DUY
Trong khi đó, anh Huỳnh Gia Phong (30 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), cho biết với nghề kinh doanh tự do, anh thường giải quyết công việc ở nhiều quán cà phê. Có những quán chia hẳn thành nhiều khu riêng biệt cho các cho các gamer, họp nhóm, học tập…Tuy nhiên, số lượng những quán này không nhiều, ngoài ra giá cao không phù hợp lắm với túi tiền của sinh viên. Theo anh Phong, khi đến các quán cà phê có nhiều sinh viên học tập, việc có ý thức giữ trật tự cũng nói lên phần nào mình là người văn minh, lịch sự. Vì vậy, mỗi khi đi cà phê anh đều đem tai nghe dự phòng, nghe điện thoại thì bước ra ngoài để tôn trọng những người xung quanh. "Tôi nghĩ nếu có người nói chuyện rôm rả cũng không có gì phải phàn nàn, vì đó là quyền của họ. Nhưng trong cuộc sống mà mình vì mọi người, biết nghĩ cho những người xung quanh thì có tình có lý hơn", anh Phong nêu ý kiến.
Theo Thanh Duy/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/sinh-vien-ra-quan-ca-phe-hoc-tap-khach-lam-on-co-kem-lich-su-185250204152110272.htm