Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện khám tuyển nghĩa vụ quân sự theo Thông tư số 105/2023 ngày 6.12.2023, về quy định tiêu chuẩn sức khỏe và khám sức khỏe các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng với nhiều nét mới.
Áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe mới để chọn thanh niên đi nghĩa vụ quân sự
Năm 2025 là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe mới, đánh giá thể chất dựa trên chỉ số BMI để tuyển chọn thanh niên đi nghĩa vụ quân sự.
Theo Thông tư số 105/2023 ngày 6.12.2023, về quy định tiêu chuẩn sức khỏe và khám sức khỏe các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, áp dụng trong kỳ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2025, việc phân loại sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ dựa trên hai tiêu chí chính là thể lực và bệnh tật. Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự phải đạt sức khỏe loại 1, 2 hoặc 3.
Bộ Quốc phòng áp dụng cơ chế thang điểm để phân loại sức khỏe. Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám được cho điểm từ 1 đến 6, trong đó 1 là "rất tốt" và xuống dần đến 6 là "rất kém".
Cụ thể, điểm 1 là chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt, điểm 2 chỉ tình trạng sức khỏe tốt, điểm 3 chỉ tình trạng sức khỏe khá, điểm 4 chỉ tình trạng sức khỏe trung bình, điểm 5 chỉ tình trạng sức khỏe kém, điểm 6 chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.
Căn cứ số điểm cho các chỉ tiêu khi khám để phân loại sức khỏe, người đạt sức khỏe loại 1 có tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1, loại 2 có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2, loại 3 có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3, loại 4 có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4, loại 5 có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5, loại 6 có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.
Năm 2025 là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe mới, đánh giá thể chất dựa trên chỉ số BMI để tuyển chọn thanh niên đi nghĩa vụ quân sự ẢNH: NHẬT THỊNH
Áp dụng chỉ số BMI
Về thể chất, Bộ Quốc phòng áp dụng chỉ số BMI (Body Mass Index). Đây là chỉ số đo cân nặng của một người dựa trên chiều cao và cân nặng. Nó được sử dụng để đánh giá tình trạng cân nặng, xác định người đó đang béo phì, suy dinh dưỡng hay có cân nặng lý tưởng.
Công thức để tính BMI là: BMI = W/ [(H)2]. Trong đó: BMI đơn vị thường dùng là kg/m2, W là cân nặng (kg), H là chiều cao (m).
Chỉ số BMI được tính điểm như sau: loại 1 là từ 18,5 - 24,9; loại 2 là 25 - 26,9; loại 3 là 27 - 29,9; loại 4 từ <18,5 hoặc 30 – 34,9; loại 5 từ 35 – 39,9; loại 6 >= 40.
Thông tư số 105/2023 ngày 6.12.2023, về quy định tiêu chuẩn sức khỏe và khám sức khỏe các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, áp dụng trong kỳ tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2025 cũng thêm nét mới là có thêm khám cận lâm sàng gồm: chụp X-quang, siêu âm ổ bụng, điện tim, xét nghiệm virus viêm gan B. Đây là những điểm khác với thông tư trước đây là chỉ khám thể lực, lâm sàng, xét nghiệm HIV, ma túy.
Nếu bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực trầm cảm...
Về tiêu chuẩn phân loại sức khỏe về mắt có điều chỉnh nội dung về mắc các tật khúc xạ. Một số trường hợp khám những năm trước không đủ tiêu chuẩn vì mắc tật khúc xạ thì năm 2025 vẫn có khả năng đạt tiêu chuẩn sức khỏe.
Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện thực hiện. Nội dung khám sức khỏe gồm: Khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ);
Khám cận lâm sàng công thức máu, nhóm máu (ABO), chức năng gan (AST, ALT), chức năng thận (Ure, Creatinine), đường máu, virus viêm gan B (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV), HIV, nước tiểu toàn bộ (10 thông số), siêu âm ổ bụng tổng quát, điện tim, X-quang tim phổi thẳng, xét nghiệm nước tiểu nhằm phát hiện ma túy.
Ngoài ra, chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.
Thanh niên sẽ được khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ).
Khi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cũng được đánh giá về tình trạng bệnh tật. Trong đó, một số bệnh được quy điểm 4, 5, 6, tức nếu mắc sẽ không đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự. So với trước đây, Bộ Quốc phòng bổ sung các bệnh liên quan đến trầm cảm. Cụ thể, thanh niên bị rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ, vừa và nặng (điểm 4 - 6); rối loạn phân liệt cảm xúc trầm cảm (điểm 6); rối loạn cảm xúc lưỡng cực trầm cảm (điểm 6) đều không đảm bảo sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự.
Thời gian khám sức khỏe từ ngày 1.11 đến hết ngày 31.12 hàng năm và Bộ Quốc phòng điều chỉnh thời gian khi cần thiết.
Theo Thanh Nam/ Tuổi trẻ
https://thanhnien.vn/ap-dung-chi-so-bmi-trong-tuyen-chon-thanh-nien-thuc-hien-nghia-vu-quan-su-185250212014029269.htm