Có lẽ ý tưởng 'Dạy AI cho trẻ lớp 1' là dạy trẻ tiếp cận với những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, không phải là ý tưởng đào tạo chuyên gia AI từ khi học lớp 1.
Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Cười
Hôm qua đọc báo thấy có ý kiến của một lãnh đạo tập đoàn công nghệ đã đề xuất ý tưởng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) cho trẻ em ngay từ lớp 1. Đọc bài báo thấy có ý kiến ủng hộ từ một phụ huynh. Và tất nhiên cũng sẽ có những ý kiến không ủng hộ từ những phụ huynh khác.
Tôi thấy việc dạy AI cho học sinh từ lớp 1 là một cách tiếp cận sớm. Có lẽ phát biểu này chỉ như một câu chuyện bên lề chứ không phải là một nghiên cứu đầy đủ trước những tác động mà AI mang lại cho trẻ nhỏ trong độ tuổi thiếu nhi. Đây là độ tuổi mà mỗi khi có một đề xuất giáo dục, người ta sẽ phải nghiên cứu những tác động một cách rất kỹ lưỡng.
Cho học sinh tiểu học tiếp cận với trí tuệ nhân tạo cần rất thận trọng - Ảnh do AI tạo
Cho trẻ tiếp cận sớm với AI có những tác động gì?
Ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo của trẻ
Trẻ em trong giai đoạn 6-12 tuổi là thời kỳ phát triển mạnh mẽ tư duy sáng tạo.
Nếu trẻ tiếp xúc quá sớm với công nghệ, đặc biệt là AI, có thể tự động hóa nhiều hoạt động tư duy, trẻ dễ trở nên phụ thuộc vào công nghệ thay vì rèn luyện khả năng sáng tạo và tư duy độc lập
Trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức để hiểu được AI
AI là một công nghệ phức tạp, người sử dụng được yêu cầu cần có khả năng tư duy phản biện.
Ở lứa tuổi thiếu nhi, trẻ chưa có đủ nền tảng để hiểu được AI hoạt động như thế nào, từ đó dễ tiếp nhận thông tin một cách thụ động và không kiểm chứng.
Ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội
Việc tiếp xúc với công nghệ quá sớm có thể làm giảm khả năng tương tác xã hội của trẻ. Ở tuổi này, trẻ cần được khuyến khích phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và trải nghiệm thực tế thay vì dành quá nhiều thời gian trước màn hình và sử dụng công nghệ một cách bị động.
Độ tuổi nào thì có thể đào tạo trẻ em sử dụng AI?
Ngày nay, trẻ em đã có các kỹ năng sử dụng máy tính với các yêu cầu cơ bản khá sớm. Lứa tuổi phù hợp để đào tạo cho trẻ tiếp cận với những ứng dụng của AI nên bắt đầu từ 12 tuổi.
Chúng ta có thể bắt đầu với kỹ năng nền tảng như tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề trước khi đi sâu vào AI.
Mặt khác, việc đào tạo AI nên được đi đôi với một chương trình giáo dục về "Đạo đức công nghệ". Trẻ cần được dạy cách sử dụng AI có trách nhiệm, tránh gian lận hay lạm dụng AI vào mục đích xấu.
Định hướng sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ, thay vì để trẻ lệ thuộc vào công nghệ một cách thụ động.
Việc dạy AI cho trẻ nhỏ cần một cách tiếp cận khoa học và có trách nhiệm.
Chúng ta không phản đối AI, nhưng cần đảm bảo rằng việc giáo dục AI cho trẻ nhỏ phải thực sự phục vụ lợi ích tốt nhất cho sự phát triển của cả một thế hệ tương lai.
Theo Khang Lê/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hoc-sinh-tieu-hoc-dang-phat-trien-tu-duy-sang-tao-co-nen-cho-hoc-ve-ai-20250214081929173.htm