Làn sóng trả mặt bằng diễn ra ào ạt trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Nhưng có một nghịch lý là ở nhiều nơi, người trẻ muốn khởi sự kinh doanh dù mỏi mắt đi tìm mặt bằng trống để thuê vẫn không được. Vì sao như vậy?
Trả mặt bằng nhiều, nhưng tìm thuê thì... lực bất tòng tâm
Bắt đầu từ đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), người viết chạy về hướng Q.Bình Tân. Trái ngược với hình ảnh các bảng "cho thuê mặt bằng" chằng chịt ở khu vực trung tâm, dù căng mắt nhìn khắp hai bên đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) nhưng chẳng thể nào tìm ra bất kỳ nơi cho thuê mặt bằng.
Tuyến đường này có nhiều công ty nên đông đúc công nhân. Quán xá "mọc" lên khắp nơi, tuyệt nhiên chẳng hề có mặt bằng trống để thuê.
Chạy ngược về H.Bình Chánh, hình ảnh cũ tiếp tục lặp lại. Đường Dương Đình Cúc dài cả vài ki lô mét, nhưng không hề có nơi cho thuê mặt bằng.
Nghe người viết nói ra mong mỏi của mình là tìm mặt bằng để thuê, chị Nguyễn Thị Liên (32 tuổi), chủ một spa trên đường Nguyễn Hữu Trí, cho biết: "Ở đây hình như không có chỗ nào cho thuê mặt bằng, dù diện tích nhỏ hay lớn đi chăng nữa. Muốn thuê mặt bằng thì chắc vào các quận nội thành mới có".
Nhiều người kinh doanh trên đường Nguyễn Cửu Phú (H.Bình Chánh) cho hay ở tuyến đường này không có nơi trả mặt bằng, nên rất khó để tìm mặt bằng trống cho thuê ẢNH: THANH NAM
Anh Đỗ Hải Đạt (35 tuổi), kinh doanh quán cà phê trên đường Nguyễn Cửu Phú, cho hay: "Làn sóng trả mặt bằng chỉ có ở các quận trung tâm TP.HCM. Còn ở những nơi xa trung tâm, như H.Bình Chánh chẳng hạn, hiếm có trường hợp trả mặt bằng. Chính vì thế, không có mặt bằng trống để cho thuê".
Đến các đường Hưng Nhơn, Trần Đại Nghĩa (cũng thuộc H.Bình Chánh), Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân)... người viết hầu như chẳng thể tìm ra mặt bằng cho thuê.
Rảo quanh các tuyến đường An Dương Vương (nằm trải dài trên cả 3 quận 8, 6, Bình Tân); Phan Anh, Tô Hiệu, Lý Thánh Tông, Lê Đức Anh (Q.Bình Tân); Hòa Bình (Q.Tân Phú); Lê Văn Quới, Mã Lò, Liên khu 5 - 6, Bình Long (Q.Bình Tân); Lê Thị Riêng, Lê Văn Khương (Q.12); Đặng Thúc Vịnh, Bùi Công Trừng (H.Hóc Môn)… để tìm ra mặt bằng cho thuê giống như "mò kim đáy bể".
Có những người kinh doanh ở các quận trung tâm thành phố nhưng không được như mong muốn và quyết định chuyển chỗ buôn bán về các quận, huyện ngoại thành ẢNH: THANH NAM
"Ở đường Liên khu 5 - 6 này ai cũng kinh doanh ổn định được vài năm, chẳng ai trả mặt bằng cả, nên chắc là không có mặt bằng cho thuê đâu", anh Phạm Anh Phương (33 tuổi, chủ một tiệm tạp hóa trên đường này) nói.
Anh Nguyễn Thành Chí (30 tuổi), chủ một quán cà phê trên đường Lê Văn Khương (Q.12), cho hay: "Có nhiều người bạn tôi kể chuyện trả mặt bằng rầm rộ ở khắp nơi. Bản thân họ cũng trả mặt bằng ở các quận 1, 3 rồi qua bên này (Q.12) để thuê nơi mới kinh doanh, nhưng không tìm ra".
"Giải mã" nghịch lý
Anh Hà Hoàng Hiếu (37 tuổi), chủ một quán bán bún, cơm, phở trên đường Nguyễn Cửu Phú (H.Bình Chánh), cho hay từng mở quán ở đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh). Tuy nhiên kinh doanh èo uột, không thể nào "gồng" nổi chi phí thuê mặt bằng lên đến 40 triệu đồng/tháng, nên anh quyết định chuyển quán về ngoại thành.
"Sau khi kinh doanh ở nơi mới một thời gian, tôi nhận ra quyết định của mình là chính xác. Bởi lẽ, dù ở xa trung tâm thành phố, nhưng ở đây dân cư cũng đông đúc. Tuyến đường này có nhiều công ty, bệnh viện… nên việc kinh doanh cũng ổn", anh Hiếu nói.
Vợ chồng anh Đỗ Tấn Tài và chị Nguyễn Huỳnh Hoa (cùng 36 tuổi), cho biết từng kinh doanh khách sạn trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) nhưng không có khách. Hai vợ chồng đã tìm mặt bằng trên đường Trần Đại Nghĩa (H.Bình Chánh) để mở lại khách sạn và… làm ăn được.
Theo chia sẻ của nhiều người trẻ khởi sự kinh doanh, câu chuyện họ rời các quận nội thành để đến các quận, huyện xa trung tâm thành phố diễn ra cách đây 3, 4 năm trước.
"Những năm 2022, 2023, tìm mặt bằng để thuê ở các tuyến đường H.Bình Chánh không khó như bây giờ, vì khi đó mặt bằng trống cần cho thuê khá nhiều. Nhưng hình như theo thời gian, nhiều người đã có xu hướng chuyển về ngoại thành để kinh doanh, nên tỷ lệ lấp đầy các mặt bằng trống ngày càng tăng lên. Đến nay, trên nhiều tuyến đường, hầu như không còn nơi cho thuê mặt bằng, dù mặt bằng hàng trăm mét vuông hay vài chục mét vuông cũng không có. Tôi đang muốn tìm mặt bằng ở gần đây, xung quanh các đường Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Cửu Phú (H.Bình Chánh) để mở thêm tiệm nhưng chưa thể tìm ra", anh Trần Hồng Phong (32 tuổi), chủ tiệm hớt tóc trên đường Trần Đại Nghĩa, nói.
Anh Phong cũng cho hay: "Trước đây tôi đã từng mở quán trên đường Thành Thái (Q.10) và đường Nguyễn Gia Trí (tên cũ là đường D2, Q.Bình Thạnh) nhưng ế ẩm".
"Giải mã" nghịch lý này, anh Lê Văn Hưng (31 tuổi), chủ quán cơm tấm trên đường Bình Long (Q.Bình Tân), cho rằng: "Khi kinh doanh, ai cũng muốn lời. Ngày trước ai cũng muốn kinh doanh ở các quận nội thành vì có tâm lý nghĩ sẽ đông đúc, buôn bán sẽ đông khách. Tuy nhiên thực tế diễn ra không như mong đợi. Và vì thế, sẽ có nhiều người rút lui, chuyển về các quận, huyện xa trung tâm thành phố".
Anh Hưng kể tiếp: "Tôi cũng vậy, từng mở quán ở đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận), sau đó chuyển qua Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình), nhưng không khả quan nên quyết định ra xa trung tâm một tí. Có thể ở đây không quá nhộn nhịp, xô bồ như ở các quận khác. Nhưng may mắn là hiện tại lượng khách của quán ổn, tôi không phải lo nghĩ đến chuyện phải trả mặt bằng như trước đây".
Anh Nguyễn Văn Hữu (32 tuổi), chủ một quán bida trên đường Lê Văn Quới (Q.Bình Tân), nói: "Khi tôi trả mặt bằng trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh) để chuyển quán về đây, nhiều bạn bè nói muốn kinh doanh phải thuê ở khu vực trung tâm thành phố, chứ ra ngoại thành thì làm sao có khách? Thế nhưng tôi vẫn làm theo suy nghĩ của mình, và hiện tại khách đông. Nếu thử rảo quanh các tuyến đường gần đây có thể thấy cảnh sầm uất. Dù ở ngoại thành, nhưng hầu như dịch vụ gì ở lĩnh vực nào cũng có, không ít quán khách đông đúc…".
Di chuyển về lại trung tâm thành phố, từ đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), sau đó là Cách Mạng Tháng Tám (Q.10)... hình ảnh các bảng "cho thuê mặt bằng" lại bắt đầu xuất hiện...
Theo Thanh Nam/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/lan-song-tra-mat-bang-ao-at-sao-tim-moi-mat-khong-co-cho-cho-thue-185250220201648123.htm