Không ít bạn gái chọn trữ đông trứng để bảo đảm sức khỏe sinh sản của mình, bác sĩ cũng nhận định nhu cầu tìm đến phương pháp này ngày càng tăng. Trước thực tế này, có quan điểm cho rằng vì thích lối sống "tự do tự tại", lo cho sự nghiệp nhiều hơn… nên con gái thời nay chọn trữ đông trứng để trì hoãn việc lấy chồng, sinh con. Thực tế có phải như vậy?
Lỡ lấy chồng trễ vẫn yên tâm
Đã 31 tuổi và chưa có ý định sẽ lấy chồng trong 2 - 3 năm tới, nên N.T.K.H, ngụ TP.Dĩ An, Bình Dương, thường xuyên đối diện với những lời hối thúc từ ba mẹ về việc lập gia đình. H. cho biết mặc dù rất áp lực về sự hối thúc nhưng đó không phải là điều khiến cô lo lắng nhất, mà H. chỉ sợ càng lớn tuổi sẽ ảnh hưởng đến việc sinh con.
Người trẻ đến bệnh viện thực hiện phương pháp trữ đông trứng ẢNH: D.T
Cách đây không lâu, H. đăng dòng trạng thái tại một hội nhóm về kỹ năng làm mẹ trên mạng xã hội với nội dung hỏi về việc có nên đi trữ đông trứng để bảo toàn sức khỏe sinh sản nếu kết hôn muộn. Dưới bài đăng, không ít bình luận khuyên H. nên trữ đông trứng vì họ cũng đã làm như vậy.
Khi PV hỏi H.: "Vì sao lo sợ càng lớn tuổi sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà vẫn chưa có ý định lập gia đình?", H. nói: "Cuộc sống nhiều áp lực, lấy chồng sinh con lại thêm những áp lực khác. Mình muốn khi mọi thứ đã sẵn sàng thì mới lập gia đình".
H. cho biết sau khi hỏi ý kiến và tìm hiểu từ nhiều nguồn thì sắp tới cô sẽ thực hiện trữ đông trứng. Lý do H. chọn phương pháp này là để đảm bảo sau 2 - 3 năm tới, hoặc có thể lâu hơn vài năm nữa thì vẫn yên tâm lấy chồng và sinh con.
Đã chọn trữ đông trứng được hơn 1 năm, N.A.M (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết vì có ý định học lên, thời gian học mất khoảng 2 - 3 năm, nên quyết định tìm đến việc trữ đông trứng để an tâm tập trung cho việc học.
"Lúc chọn trữ đông trứng, mình cũng 30 tuổi rồi. Học xong mới lấy chồng sinh con thì cũng sợ ảnh hưởng đến chất lượng trứng. Lúc đầu cứ nghĩ 32, 33 tuổi vẫn sinh con bình thường, nhưng tìm hiểu thì mình biết thực tế trên 30 tuổi là trứng đã giảm chất lượng rồi. Mà muốn tập trung cho việc học nên mình quyết định trữ đông trứng", A.M. chia sẻ.
Mỗi ngày, tại Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) có nhiều người trẻ đến khám về sức khỏe sinh sản ẢNH: BỆNH VIỆN CUNG CẤP
A.M. cho biết một phần cũng vì lúc đó chưa có người yêu, nên không muốn vì lý do sinh con mà quyết định vội trong chuyện lập gia đình. "Đến tuổi này rồi sẽ dễ bị chọn vội, chọn đại. Mình muốn chọn đúng người rồi mới kết hôn, chứ không phải vì gấp gáp quá mà lấy đại. Việc trữ trứng sẽ giúp mình yên tâm hơn là chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến việc sinh sản nếu có lấy chồng trễ vài năm nữa. Thật sự lúc 27, 28 tuổi mình vẫn nghĩ còn trẻ quá, thậm chí còn nghĩ chẳng lẽ 30 tuổi mà mình chưa lấy chồng, rồi giờ cũng đã ba mươi mấy tuổi rồi", A.M. thổ lộ.
A.M. kể mình biết đến việc trữ đông trứng qua báo đài, nghe bạn làm rồi chia sẻ, cũng như thấy các nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng thực hiện phương pháp này. Sau đó, A.M. bắt đầu tìm hiểu và quyết định thực hiện khi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ.
Đến thời điểm hiện tại, A.M. đã có người yêu nhưng vẫn chưa có ý định cưới. Cô nàng cho biết: "Sau khi trữ đông trứng, mình cũng tự ra deadline là trong vòng khoảng 2 năm sẽ lấy chồng. Lấy chồng xong mình vẫn để có thai tự nhiên trước, nếu có vấn đề phát sinh mới dùng đến trứng đã trữ. Với mình, việc trữ trứng như là mua bảo hiểm sinh sản vậy, không biết có dùng đến hay không, nhưng giúp bản thân an tâm hơn trong trường hợp kết hôn và sinh con muộn".
Hôn nhân là mưu cầu hạnh phúc, không phải chạy deadline
Mới đây, chị Chế Dạ Thảo, chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng đã chia sẻ câu chuyện trữ đông trứng của mình.
Chị Thảo cho biết mất 1 năm để chị chuẩn bị mọi thứ về tâm lý, sức khỏe, tài chính và hành trình 15 ngày thực hiện trữ đông trứng.
Với chị Thảo, dù sức khỏe hiện tại vẫn đủ khả năng có con và sinh con tự nhiên, nhưng chị cho rằng không thể xác định chính xác khi nào sẽ gặp được người thương, kết hôn. Và sự thật thì tuổi tác đã qua giai đoạn tốt cho việc sinh sản, chờ thêm sẽ tăng rủi ro, và chị kiên định nói không với rất nhiều ý kiến xung quanh rằng: "Cưới đại ai đi để sớm có con". Chính vì thế, chị Thảo chọn trữ đông trứng.
Chị Thảo khẳng định: "Mình thích kết hôn và có con, mình vẫn luôn tin vào hôn nhân. Mình muốn đảm bảo chất lượng trứng vẫn tốt và hạn chế rủi ro, lỡ đâu 2, 3 hay 4 năm nữa vẫn chưa kết hôn mà đã hết trứng tốt thì sao. Và hơn hết là mình luôn giữ quan điểm: hôn nhân là mưu cầu hạnh phúc, không phải chạy deadline".
Chị Thảo cho biết sự đồng hành của người thân là vô cùng quan trọng trong suốt quá trình thực hiện trữ đông trứng ẢNH: NVCC
Kể về quá trình thực hiện trữ đông trứng của mình, chị Thảo cho biết mỗi ngày đều sẽ tiêm thuốc, liên tục trong 13 ngày (tùy phác đồ). Trong quá trình này sẽ có đau, nhưng chị Thảo cho biết đau ít hay đau nhiều là tùy cơ địa và tùy thuốc.
"May mắn cơ thể mình đáp ứng thuốc tốt, số lượng trứng kích và trữ được vượt ngoài kỳ vọng của gia đình lẫn bác sĩ. Khi nào kết hôn mình vẫn để sinh con bình thường, nếu thời điểm đó quá lớn tuổi hoặc đã hết trứng thì mới phải dùng tới trứng đã trữ", chị Thảo chia sẻ.
Gửi lời khuyên đến các bạn trẻ, chị Thảo cho rằng nếu còn trẻ hãy chăm sóc sức khỏe tốt, cố gắng cân bằng giữa sự nghiệp và đời sống tình cảm, đừng vì áp lực sự nghiệp mà quên đi rằng chúng ta cũng cần yêu thương.
"Nếu thích kết hôn, hãy dành thời gian nhiều hơn cho các mối quan hệ tích cực, cả nam lẫn nữ, vì ở nam rủi ro hiếm muộn không hề thấp. Còn nếu đã lớn tuổi mà vẫn muốn có con khỏe mạnh, không muốn rủi ro và hối tiếc về sau thì cân nhắc về việc thực hiện hành trình hỗ trợ như mình. Do căng thẳng và vấn đề thực phẩm, một số người thì rượu bia quá nhiều, thức khuya... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản ngoài chuyện tuổi tác, nên cũng có những bạn dưới 30 tuổi vẫn phải can thiệp làm trữ đông trứng", chị Thảo nhắn gửi.
Chuẩn bị gì khi muốn trữ đông trứng? Từ kinh nghiệm đã trải qua, chị Chế Dạ Thảo cho biết khi thực hiện trữ đông trứng cần chuẩn bị về nhiều mặt. 1. Chuẩn bị tâm lý: Khi chưa kết hôn, thực hiện quy trình dễ tạo cảm giác lo lắng và tủi thân. Chưa kể sự mong đợi về kết quả của quy trình khiến sự lo lắng gia tăng. Lúc này rất cần người thân ở cạnh và đồng hành. 2. Sức khỏe tốt: Trước khi làm phải kiểm tra sức khỏe đảm bảo mới được làm, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, sinh hoạt để có chất lượng noãn tốt nhất. 3. Tài chính: Tùy mỗi cá nhân sẽ có phác đồ riêng, không quá lớn nhưng cũng cần kế hoạch tài chính phù hợp. 4. Kiến thức: Chủ động tìm hiểu và trao đổi với bác sĩ để hiểu đúng, đủ về quá trình trữ trứng, khi hiểu đúng thì tinh thần lạc quan và thoải mái hơn. 5. Thời gian: Dù không phải nghỉ làm hay nghỉ học nhưng nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều sau khi chọc trứng và bổ sung dinh dưỡng để hồi phục nhanh sức khỏe. |
Còn với A.M, sau khi làm trữ đông trứng, cô cho rằng nếu được quay lại sẽ chọn trữ đông trứng sớm hơn. Lý do theo A.M: "Do làm lúc 30 tuổi nên số lượng trứng đã giảm, vì thế mình nghĩ các bạn trẻ nếu có điều kiện thì nên thực hiện sớm hơn, tầm 26 - 27 tuổi là đã nên làm trữ đông trứng. Nếu bây giờ được quay lại thì mình sẽ chọn trữ trứng sớm hơn. Vì sau khi đã trữ đông trứng, việc chọn bạn trai cũng thoải mái hơn, không bị áp lực thời gian. Kiểu đúng người thì mới quen chứ không vội".
Theo Nữ Vương/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/ngay-cang-nhieu-nguoi-tre-di-tru-dong-trung-18525041018541946.htm