Họa sĩ Đặng Ái Việt đã rơi nước mắt vì xúc động khi hơn 3.000 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng của mình được các bạn trẻ số hóa để lưu mãi ngàn đời sau…
Đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ
Sáng 11.4, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TP.HCM) xuất hiện một chiếc xe máy với rất nhiều phụ kiện nhuốm màu thời gian và các khung tranh triển lãm về những Mẹ Việt Nam Anh hùng được thực hiện bởi họa sĩ Đặng Ái Việt với chủ đề "Hành trình nét vẽ thời gian". Đó là hành trình rong ruổi hơn 10 năm khắp mọi miền Tổ quốc để thực hiện một việc thiêng liêng - họa lại chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng.
Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ về hành trình hơn 10 năm rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để vẽ các Mẹ Việt Nam anh hùng ẢNH: NỮ VƯƠNG
Tại chương trình giao lưu với họa sĩ Đặng Ái Việt và giới thiệu website "Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng" do Thành đoàn TP.HCM tổ chức sáng 11.4, họa sĩ Đặng Ái Việt bày tỏ: "Tôi rất xúc động, đêm hôm qua ngủ không được, khi thế hệ trẻ hôm nay, mà tôi gọi là thế hệ chia lửa, đã giúp tôi có thêm sức mạnh để chuẩn bị cho hành trình sắp tới".
Chia sẻ đến đây, nữ họa sĩ với mái tóc bạc phơ lau những giọt nước mắt vì xúc động, nói tiếp: "Xin cảm ơn thế hệ các bạn đã chia lửa với tôi, để công việc này được tiếp tục, đặc biệt là được lan tỏa mãi về sau. Tôi luôn nghĩ nếu lưu giữ bằng những tờ giấy vẽ như thế này thì e rằng không thể, nên gặp được các bạn trẻ dùng kỹ thuật số để lưu lại cho ngàn đời sau thì tôi vỡ òa mừng vui. Và hôm nay, tôi trao trọn tất cả những điều mình làm cho các bạn trẻ lưu giữ lại".
Cũng tại chương trình, trung tướng Phạm Văn Dỹ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân khu 7, đại diện gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuyến, xúc động chia sẻ: "Khi nhìn bức chân dung mẹ tôi do họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ, cùng trong một bức tranh, nhưng gia đình chúng tôi thấy được nửa thế kỷ trước của cuộc đời mẹ. Đó là quãng đời của sự gian lao, là chiến đấu, là nuôi con, giúp đỡ cách mạng, tiễn những đứa con ra đi và rồi 3 lần hóa đá khi nhận tin con mình hy sinh. Và họa sĩ cũng đã tái hiện sự viên mãn của mẹ tôi trong bức tranh, khi nửa thế kỷ sau của đời mình mẹ được sống trong hòa bình, được nhìn thấy đất nước phát triển…".
Trung tướng Phạm Văn Dỹ nhấn mạnh: "Công việc của họa sĩ Đặng Ái Việt như là người đi làm sử thi. Và nay tôi thấy các bạn trẻ đã số hóa, đưa những bức chân dung các Mẹ lên website, đây là sự đóng góp rất ý nghĩa trong việc lưu giữ sử thi đó cho con cháu đời sau".
Số hóa hơn 3.000 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng
Hướng đến kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Thành đoàn TP.HCM phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM triển khai dự án số hóa hơn 3.000 bức vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng do họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện từ năm 2010 đến nay.
Dự án được thực hiện thông qua nền tảng website "Mẹ Việt Nam anh hùng" được Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM xây dựng từ tháng 1.2020.
Ngoài ảnh chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng, trang web còn giới thiệu về từng bức ảnh, câu chuyện về các Mẹ cũng như hoàn cảnh ra đời bức chân dung. Đây không chỉ đơn thuần là trang thông tin mà còn là kho lưu trữ tiện ích, góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc đến các bạn trẻ.
Không chỉ có dự án này, thời gian qua, thông qua ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, thanh niên TP.HCM đã thực hiện công trình "Phục hồi di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sĩ trên địa bàn TP.HCM".
Phạm Ngọc Thạch, Đội phó Đội phục hồi Di ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sĩ của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết các bạn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo, chuyên môn về công nghệ thông tin để phục dựng di ảnh và trao tặng thân nhân các liệt sĩ.
Thạch kể: "Đến thời điểm hiện tại tụi mình đã phục dựng được hơn 100 di ảnh. Tụi mình được truyền cảm hứng rất nhiều từ hành trình của cô Đặng Ái Việt. Cô gọi tụi mình là thế hệ chia lửa, thì tụi mình sẽ tiếp lửa truyền thống này để tiếp tục thực hiện các công trình ý nghĩa cho cộng đồng, lưu giữ những giá trị truyền thống hào hùng của dân tộc".
Theo Nữ Vương/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/50-nam-dat-nuoc-thong-nhat-viet-tiep-lich-su-hao-hung-bang-cong-nghe-so-185250411204929228.htm