Khó phát triển, hiếm cơ hội việc làm, nhiều lý thuyết là những điều mà mọi người vẫn thường nghĩ về ngành tâm lý.
Ngành tâm lý chỉ là học lý thuyết?
Được thực hành tại lớp theo nhiều cấp độ khác nhau, Thẩm Quyên, sinh viên năm 4, ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết rất hứng thú với những tiết học chuyên ngành. "Chúng tôi được thảo luận nhóm, viết, vẽ, đóng vai trải nghiệm, tự phân tích chính mình", Quyên cho hay.
Còn Cẩm Tú, sinh viên năm 2 ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ, chương trình đào tạo có học phần kiến tập và thực tập. Trong đó, kiến tập có 2 phần, kiến tập đợt 1 sinh viên được chủ động tìm cơ sở muốn đến, đi cá nhân hoặc theo nhóm. Đợt 2 đi chung theo khóa và được sự đồng hành, dẫn dắt của thầy cô ở một tỉnh ngoài TP.HCM.
Ngành tâm lý đang đẩy mạnh phần thực hành cho sinh viên. FREEPIK
Định hướng phát triển theo mảng tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Tường Vi, sinh viên năm 2 ngành tâm lý học Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đang chuẩn bị hồ sơ để kiến tập tại các cơ sở, trung tâm ở TP.HCM.
Theo Tường Vi, một số người giữ quan niệm ngành tâm lý chỉ học thuần trên sách vở, số khác cho rằng đây là ngành đoán suy nghĩ của người khác hoặc khó tìm việc. Tuy nhiên, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tâm lý ngày nay rất rộng mở bởi tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực đời sống. "Tâm lý học không phải là ngành dễ để theo đuổi, không chỉ học để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho cộng đồng mà còn thấu hiểu và khai phá bản thân", Tường Vi cho biết.
Theo Kỷ Hương/Thanh niên
https://thanhnien.vn/hoc-nganh-tam-ly-co-phai-ra-truong-chi-lam-tham-van-185231214143634021.htm