11
/
176145
Minh bạch để bảo đảm quyền lợi cho học sinh
minh-bach-de-bao-dam-quyen-loi-cho-hoc-sinh
news

Minh bạch để bảo đảm quyền lợi cho học sinh

Thứ 3, 11/02/2025 | 07:08:00
195 lượt xem

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, đánh dấu bước thay đổi quan trọng trong quản lý dạy thêm, học thêm. Với nhiều điểm đổi mới, Thông tư số 29 được kỳ vọng không chỉ giúp khắc phục những bất cập, hạn chế trước đây mà còn tạo ra hướng đi minh bạch trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Giờ học môn tiếng Anh tại Trường tiểu học Châu Sơn (Ba Vì, Hà Nội).

Một trong những điểm mới nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận trong Thông tư số 29 đó là không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục-thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Ngoài ra, đối với học sinh các cấp học nói chung, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba đối tượng: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Bên cạnh đó, thông tư quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy tại trường. Các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp...

Thầy giáo Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Quang Khải (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) chia sẻ: Những quy định trong Thông tư số 29 giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động dạy thêm, học thêm, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Nhà trường quán triệt giáo viên tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa, có những biện pháp giảng dạy hiệu quả hơn, tận dụng triệt để 45 phút mỗi tiết học để truyền đạt cho học sinh trọn vẹn kiến thức; đồng thời, tăng cường kiểm tra đánh giá để nắm bắt khả năng tiếp thu của từng học sinh. Ngoài ra, các tổ, nhóm bộ môn trong trường đã họp bàn để xây dựng kế hoạch giảng dạy khoa học hơn, hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc, tự nghiên cứu một cách có hệ thống. Giáo viên sẽ cụ thể hóa những kiến thức trọng tâm, đặt ra các yêu cầu cần đạt để học sinh có lộ trình học tập rõ ràng, giúp các em tự chủ hơn trong việc học. Thầy Hồng khẳng định: “Tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng để bảo đảm chất lượng giảng dạy. Nhà trường sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để học sinh không cần phụ thuộc vào việc học thêm mà vẫn đạt kết quả tốt”.

Giờ học môn Địa lý của cô và học sinh Trường trung học cơ sở Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. 

Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết: Thực hiện theo quy định, học sinh khối 10 và 11 của nhà trường đã dừng học thêm tại trường, còn học sinh khối 12 do là năm cuối cấp, nhà trường động viên giáo viên tham gia giảng dạy miễn phí nhằm bảo đảm các em không bị gián đoạn kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Cũng theo thầy Đạo, một số phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn về việc quản lý con em vào buổi chiều, khi không còn các lớp học thêm trong trường như trước đây. Để giải quyết vấn đề nêu trên, nhà trường đã đưa ra giải pháp trước mắt cho khối 10 và 11 bằng cách điều chỉnh thời khóa biểu. Một số nội dung học tập vốn được bố trí vào buổi sáng như hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, thể dục, giáo dục quốc phòng và an ninh sẽ được tổ chức vào buổi chiều để giảm bớt thời gian học sinh ở nhà, phụ huynh yên tâm hơn. Đồng thời, nhà trường cũng giảm bớt tiết học thứ 5 để học sinh được tan học sớm hơn. Về kế hoạch dài hạn, trong năm học tới, nhà trường sẽ thiết kế lại chương trình giảng dạy để bảo đảm học sinh tiếp thu đầy đủ kiến thức, đáp ứng yêu cầu thi cử mà không cần phụ thuộc vào học thêm.

Chị Võ Thu Hương, có con đang học lớp 7 ở Hà Nội chia sẻ: Trước đây, không ít phụ huynh lo ngại việc con mình không đăng ký học thêm có thể bị giáo viên phân biệt đối xử, đánh giá không khách quan. Vì vậy, việc siết chặt quản lý dạy thêm sẽ giúp bảo đảm tính công bằng giữa các học sinh; giúp học sinh có nhiều thời gian tự học, rèn luyện kỹ năng mềm, từ đó phát triển toàn diện thay vì chỉ tập trung vào việc học kiến thức trong sách vở.

Mặc dù phần lớn các ý kiến đồng tình với việc tăng cường các giải pháp quản lý việc dạy thêm, học thêm, nhưng vẫn còn một số băn khoăn là sẽ xảy ra việc học sinh chuyển sang học tại các trung tâm bên ngoài, phụ huynh khó đánh giá được chất lượng thật sự của giáo viên và chương trình học. Một điều chắc chắn là chi phí học thêm tại trung tâm sẽ cao hơn đáng kể so với học thêm tại trường.

Chia sẻ với các băn khoăn của phụ huynh, học sinh, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó, Bộ đã quy định cụ thể số tiết, số môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giao cho nhà trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm hiệu quả và thầy, cô giáo chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của chương trình là phát triển năng lực học sinh. Như vậy, về mặt nguyên tắc, nếu như nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định thì đã bảo đảm đầy đủ cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…; thời gian trong trường phổ thông không chỉ là học kiến thức mà còn là để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thời gian qua, khi dạy thêm, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy, cô giáo cũng bị ảnh hưởng, tổn thương, do đó quy định mới lần này còn hướng tới “bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo”. Thay đổi, đổi mới bao giờ cũng khó khăn, khó tiếp nhận, nhưng những gì Thông tư số 29 quy định việc dạy thêm, học thêm đang hướng tới là vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Do vậy, dù bước đầu khó khăn nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng sẽ có sự đồng lòng, quyết tâm trong triển khai các quy định mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sát sao cùng địa phương, nhà trường, thầy cô trong quá trình thực hiện.

Theo Quỳnh Nguyễn/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/minh-bach-de-bao-dam-quyen-loi-cho-hoc-sinh-post859423.html

  • Từ khóa

Bộ GD-ĐT nói gì trước phản hồi trái chiều về quy định dạy thêm?

Còn vài ngày nữa thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm có hiệu lực trong khi nhiều thầy, cô và phụ huynh vẫn ngổn ngang tâm tư.
13:56 - 11/02/2025
23 lượt xem

Australia: Chi phí giáo dục đại học tăng mạnh

Trong 4 năm qua, chi phí giảng dạy trên mỗi sinh viên tại các trường đại học công lập Australia đã tăng đáng kể.
11:04 - 11/02/2025
94 lượt xem

Nhiều đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh

Cho thí sinh chọn môn xét tuyển, bỏ xét tuyển học bạ, siết tổ hợp xét tuyển, tất cả tổ hợp đều có môn nhân hệ số 2... là những điểm mới trong tuyển sinh...
10:17 - 11/02/2025
115 lượt xem

Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số

Không chỉ ưu tiên nguồn lực bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Điện Biên luôn quan tâm giữ gìn tiếng nói, chữ...
08:48 - 11/02/2025
141 lượt xem

20 địa phương chọn tiếng Anh là môn thi thứ ba trong kỳ thi vào lớp 10

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 20 địa phương thông tin sẽ chọn tiếng Anh, hoặc ngoại ngữ, là môn thi thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay.
16:22 - 10/02/2025
530 lượt xem