Dự báo nhu cầu tuyển dụng năm 2025 cho thấy thị trường lao động có những biến chuyển lớn khi nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kỹ năng sử dụng các công cụ về trí tuệ nhân tạo (AI) và mức lương chi trả cao hơn các ngành công nghệ thông tin khác đến 50%.
LƯƠNG CAO HƠN TỪ 20 - 50%
Navigos Group đã có cuộc khảo sát với gần 2.000 người tham dự (bao gồm ứng viên công nghệ thông tin (IT) và doanh nghiệp trên toàn lãnh thổ VN) thông qua các hệ sinh thái của VietnamWorks inTECH để thực hiện báo cáo ngành công nghệ thông tin trong làn sóng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2024 - 2025.
Sinh viên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tại phòng thí nghiệm của ĐH Kinh tế TP.HCM
Theo đó, lập trình viên backend/frontend là vị trí doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng nhiều nhất (22,5%), theo sau đó là chủ sở hữu sản phẩm/quản lý sản phẩm/quản lý dự án (product owner/product manager/project manager) 15,7%. Kỹ sư kiểm soát chất lượng/đảm bảo chất lượng QC/QA và AI engineer đều chiếm tỷ trọng tương đương 13,1%, cho thấy các doanh nghiệp đang quan tâm đến việc kiểm thử chất lượng sản phẩm cũng như phát triển các ứng dụng AI.
Ông Phan Thanh Hiền, Giám đốc Sản phẩm và công nghệ của Navigos Group, nhận định: "AI đã và đang trở thành trợ thủ đắc lực của IT. Có đến hơn 80% doanh nghiệp IT tham gia khảo sát cho biết họ đang sử dụng AI để hỗ trợ công việc, và gần 60% trong số đó sử dụng nó mỗi ngày. Có tới hơn 50% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kỹ năng sử dụng các công cụ về AI. Trong đó 26,6% ưu tiên và 14,1% rất ưu tiên, cho thấy một phần doanh nghiệp đã nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng AI trong bối cảnh công nghệ phát triển".
Theo ông Phan Thanh Hiền, nhu cầu tuyển dụng nhân sự mảng AI đang tăng cao, với mức lương hấp dẫn và ưu tiên các kỹ năng lập trình, xử lý dữ liệu, và ứng dụng AI thực tiễn. Phần lớn doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương của ứng viên mảng AI cao hơn so với các vị trí khác. Cụ thể, 43,7% doanh nghiệp tiết lộ rằng mức lương họ chi trả cho nhân sự mảng AI cao hơn từ 10 - 20%, và 18,4% phản hồi rằng mức lương nhân sự AI của họ cao hơn từ 20 - 50%. Điều này phản ánh rõ ràng giá trị và nhu cầu ngày càng tăng đối với nhân sự AI.
PGS-TS Phạm Thành Dương, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho rằng nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao hiện đang tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ của các công nghệ tiên tiến. "Có thể kể ra các lĩnh vực như AI và học máy (machine learning), phát triển phần mềm và ứng dụng an ninh mạng (cybersecurity), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), thiết kế chip và các khâu trong công nghệ bán dẫn...
"Hiện nay có sự cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng gay gắt. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, và châu Âu đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ, khiến các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm nhân sự ở thị trường đang phát triển, tiêu biểu là VN và Ấn Độ. Do đó, từ năm 2025, nhu cầu tuyển dụng các ngành công nghệ, trong đó có AI, là rất lớn", PGS-TS Phạm Thành Dương nhận định.
TRƯỜNG ĐH, SINH VIÊN LÀM GÌ ĐỂ ĐÁP ỨNG ?
Theo PGS-TS Phạm Thành Dương, mặc dù số lượng sinh viên các ngành công nghệ cao ra trường hiện nay lớn, nhưng nhiều người chưa đáp ứng được yêu cầu về kiến thức cũng như kỹ năng và kinh nghiệm.
"Các chương trình đào tạo tại trường ĐH cần theo kịp sự phát triển của các công nghệ mới. Bên cạnh trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng của chuyên ngành liên quan lĩnh vực đào tạo thì việc trang bị những kiến thức và kỹ năng mới cần thiết cho thị trường lao động phải thường xuyên cập nhật vào chương trình đào tạo", TS Dương cho hay.
Có tới hơn 50% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kỹ năng sử dụng các công cụ về AI
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, khuyến nghị các trường ĐH, CĐ cần đổi mới chương trình đào tạo, phát triển chương trình liên ngành như kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực công nghệ - kinh tế, kỹ thuật - môi trường, y tế - công nghệ... nhằm đào tạo nhân lực có khả năng thích ứng cao với nhiều ngành nghề. Đồng thời, quan tâm đầu tư vào việc đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng số lồng ghép vào các môn học, chú trọng đào tạo các ngành nghề theo xu hướng phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế bền vững, công nghệ sáng tạo.
"Để có năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay, ngay trong quá trình học ĐH, sinh viên cần liên tục cập nhật thông tin thị trường lao động, theo dõi các dự báo về xu hướng nghề nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp từ sở thích, năng lực và xu hướng thị trường, lập kế hoạch học tập và phát triển bản thân, chú trọng phát triển hình ảnh cá nhân và tác phong công nghiệp để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng", bà Hiếu chia sẻ.
Trong lĩnh vực IT, đặc biệt là AI, ông Phan Thanh Hiền cho biết các doanh nghiệp ưu tiên kinh nghiệm làm việc và dự án đã thực hiện, nhất khi xem xét tuyển dụng ứng viên, với tỷ lệ cao (46,9%). Các yếu tố như kỹ năng lập trình và sự sáng tạo cũng được chú trọng, cho thấy nhu cầu cao về kỹ năng chuyên môn và khả năng đổi mới.
"Nhìn chung, các kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu đối với ứng viên AI là tập trung vào khả năng thực hành và ứng dụng công nghệ. Việc yêu cầu ứng viên thành thạo ngôn ngữ lập trình (Python, R, Java) và xử lý dữ liệu lớn cho thấy nhu cầu làm việc với lượng dữ liệu khổng lồ trong các dự án AI thực tế", ông Hiền thông tin.
Vì thế, theo ông Hiền, để nâng cao kỹ năng và bắt kịp làn sóng AI, sinh viên, người lao động cần có một chiến lược học tập và ứng dụng có định hướng rõ ràng. Việc học không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà cần có sự thực hành thường xuyên.
Nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực công nghệ hiện đại Bà Nguyễn Hoàng Hiếu cho biết: "Với tầm nhìn trở thành đô thị thông minh, năm 2025, TP.HCM chú trọng ứng dụng công nghệ số và dữ liệu dân cư để tối ưu hóa quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, việc phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, như dịch vụ cao cấp và công nghệ hiện đại". Cuối năm 2024, trung tâm này đã điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp tại 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM để có dự báo nhu cầu nhân lực trong năm 2025. Theo đó, xét theo khu vực kinh tế, năm 2025, nhóm ngành thương mại - dịch vụ giữ vị trí chủ đạo với 70,32% tổng số lao động (khoảng 3,36 triệu người); ngành công nghiệp - xây dựng đứng thứ hai với 28,39% (1,36 triệu lao động). Các ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo (25,89%), bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy (25,59%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (12,65%), vận tải - kho bãi (6,47%), xây dựng (5,07%), giáo dục - đào tạo (3,57%) và các ngành khác chiếm 20,76%. TP.HCM cần thêm khoảng 310.000 - 330.000 lao động. Cụ thể, quý 1 cần 79.000 - 84.000, quý 2 cần 77.000 - 82.000, quý 3 cần 75.500 - 80.500 và quý 4 cần 78.500 - 83.500. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ dẫn đầu với 67,7% tổng nhu cầu, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 31,8%. Các ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 18,6%, trong đó cơ khí 6,58%, hóa dược 4,96%, chế biến lương thực - thực phẩm 3,99% và sản xuất hàng điện tử 3,07%. Các ngành dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất gồm bán buôn - bán lẻ, sửa chữa xe (20,77%), thông tin - truyền thông (8,36%), bất động sản (8,17%), khoa học - công nghệ (7,72%), tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (4,29%), dịch vụ lưu trú - ăn uống (3,79%), vận tải - kho bãi (3,51%), giáo dục - đào tạo (2,26%) và y tế - trợ giúp xã hội (1,04%). Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ 88,11%. Trong đó, lao động có trình độ sơ cấp chiếm 34,61%, trung cấp 20,14%, cao đẳng 14,6% và ĐH trở lên 18,76%. Lao động phổ thông chỉ chiếm 11,89%. |
Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/nam-2025-nhu-cau-tuyen-dung-nhan-su-ai-tang-cao-185250204183619404.htm