11
/
178475
Quy đổi điểm tương đương xét tuyển ĐH: Mong sớm có hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT
quy-doi-diem-tuong-duong-xet-tuyen-dh-mong-som-co-huong-dan-tu-bo-gd-dt
news

Quy đổi điểm tương đương xét tuyển ĐH: Mong sớm có hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT

Thứ 5, 03/04/2025 | 07:37:00
530 lượt xem

Theo quy định, trong kỳ tuyển sinh năm 2025, các trường ĐH phải quy đổi tương đương điểm chuẩn/trúng tuyển giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển về thang chung.

Hiện nay nhiều trường ĐH đã chủ động tìm phương án quy đổi điểm tương đương, song vẫn đang chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

ĐỐI SÁNH KẾT QUẢ HỌC TẬP ĐỂ TÌM QUY TẮC QUY ĐỔI

Theo tiến sĩ Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân, sau khi Bộ GD-ĐT có chủ trương các trường không được chia chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển mà phải quy đổi điểm chuẩn tương đương giữa các phương thức, trường đã tiến hành xét dữ liệu trúng tuyển vào ĐH này của 3 năm gần đây (khoảng hơn 20.000 sinh viên - SV).

Từ đó, trường đối sánh điểm các em trúng tuyển vào trường bằng các phương thức khác nhau, tìm phương pháp quy đổi điểm tương đương.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM vào cuối tuần qua. Theo quy định, năm nay các trường phải quy đổi tương đương điểm chuẩn/điểm trúng tuyển giữa các phương thức, về thang chung

Nguyên tắc quy đổi là xét theo từng khoảng điểm. Trong mỗi khoảng, có thể xác định được công thức riêng vì trong mối tương quan giữa các điểm số là khác nhau. Ngoài ra, ĐH Kinh tế quốc dân còn xem xét dữ liệu kết quả học tập của SV, chia theo nhóm phương thức xét tuyển mà SV trúng tuyển. Có 5 nhóm (theo bài thi mà SV dùng để xét tuyển), điểm đầu vào của SV đều được quy đổi được ra điểm THPT trên thang 30 (vì hầu như thí sinh (TS) nào cũng có điểm này). Sau đó tính toán điểm trung bình chung học tập (tại ĐH Kinh tế quốc dân) của từng nhóm. Kết quả cho thấy cùng một mức điểm quy đổi nhưng có phương thức SV có kết quả học tập cao hơn. Ví dụ, cùng ở một mức điểm sau khi đã quy đổi về thang 30 thì nhóm SV sử dụng điểm thi SAT có kết quả học tập tốt hơn một chút so với nhóm thi tốt nghiệp THPT.

Vì thế mà mới đây Hội đồng tuyển sinh ĐH Kinh tế quốc dân quyết định sẽ đặt hệ số ưu tiên với các phương thức mà SV có kết quả học tập đạt điểm cao. Tuy nhiên, việc này có thực hiện được hay không còn chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, xem Bộ có cho phép hay không các trường đặt hệ số ưu tiên ở các phương thức khác nhau, giúp các trường ưu tiên những TS dùng phương thức phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường. "Khi chúng ta nói ưu tiên nhóm có điểm SAT hơn thì phải có minh chứng sau khi quy đổi là cùng trong khoảng điểm đó nhưng nhóm đó có kết quả học tập ở ĐH tốt hơn. Nhưng mức độ ưu tiên đến đâu thì phải chờ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay. Còn sau khi Bộ GD-ĐT chính thức ban hành hướng dẫn thì ĐH Kinh tế quốc dân có thể công bố được nguyên tắc cơ bản của việc quy đổi điểm tương đương", tiến sĩ Lê Anh Đức cho biết.

DỰ KIẾN XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN CHUNG CHO NHÓM XÉT TUYỂN

Tiến sĩ Lê Đình Nam, Phó ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết nhóm xét tuyển miền Bắc do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì đã tổ chức thảo luận cho nhóm (gồm 60 trường) về việc tìm quy tắc quy đổi tương đương điểm chuẩn các phương thức.

Yêu cầu đặt ra với các trường là cần quy đổi làm sao để tuyển chọn được TS phù hợp với các chương trình đào tạo. Quy chế thì chỉ yêu cầu quy đổi mức điểm chuẩn, nhưng để phục vụ cho công tác xét tuyển thì các trường cần phải lượng hóa được năng lực của TS, để có được danh sách TS theo thứ tự điểm quy đổi. Có như vậy các trường mới tuyển sinh được theo chỉ tiêu của từng ngành hoặc mã tuyển sinh. Vì vậy, việc các trường phải làm không chỉ quy đổi điểm chuẩn mà phải quy đổi cả điểm xét của TS, sau đó lấy theo danh sách từ trên xuống.

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng phương án chung cho nhóm xét tuyển miền Bắc, rồi đưa vào hệ thống phần mềm của nhóm này để các trường trong nhóm cùng sử dụng. Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ quy đổi điểm các phương thức khác về thang điểm của phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi đây là phương thức có phổ sử dụng rộng nhất. Thứ hai, để dễ hiểu và dễ thuyết phục phụ huynh học sinh, các trường sẽ phân khoảng, sau đó đồng nhất các khoảng để dùng nội suy hàm quy đổi, tuyến tính từng khúc. Thứ ba, cần đưa ra căn cứ để quy đổi. Ví dụ, TS đạt 50 - 60 điểm tư duy có thể tương ứng 20 - 24 điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Kết quả kỳ thi này được dùng để xét vào ĐH

CẦN NHIỀU DỮ LIỆU

Cũng theo tiến sĩ Lê Đình Nam, để có căn cứ cho quy đổi này thì các trường cần nhiều dữ liệu cho các mục đích: Thứ nhất, phân tích lại kết quả học tập của SV các năm tương quan với phương thức xét tuyển. Thứ hai là phổ điểm của nguồn tuyển. Ví dụ ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có phương thức là xét tuyển tài năng, thì cần có dữ liệu điểm của phương thức này; rồi cần phổ điểm của kỳ thi đánh giá tư duy, phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thứ ba là căn cứ về các thông số toán học trong các phổ điểm đó, về đặc trưng liên quan tới các phổ điểm.

"Có một bài toán bấy lâu nay các trường đã làm nhưng gặp khó khăn khi xét tuyển các tổ hợp khác nhau. Sau khi có điểm thi, Bộ cũng có công bố độ lệch giữa các tổ hợp, tuy nhiên việc tính toán độ lệch đó cũng chỉ ở mức tương đối. Đấy mới là phổ điểm của các tổ hợp trong một phương thức. Giờ chúng ta lại có đầu điểm của các phương thức. Vì thế các trường cần có công cụ toán học để hỗ trợ thêm", tiến sĩ Lê Đình Nam nói.

Tương tự, PGS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết để việc quy đổi đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng thì cần có cơ sở dữ liệu để thực hiện quy đổi. ĐH Quốc gia Hà Nội đã gửi công văn lên Bộ GD-ĐT đề nghị được cung cấp cơ sở dữ liệu về học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, để có căn cứ đối sánh. Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng mong Bộ GD-ĐT công bố điểm đối sánh những năm trước giữa điểm học bạ và điểm tốt nghiệp THPT cho các trường ĐH, để các trường có căn cứ làm hệ thống quy đổi, đảm bảo quy đổi khách quan, đảm bảo công bằng cho mỗi TS.

PGS Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM rút bớt số phương thức tuyển sinh. Trước kia có 6, năm nay có 3, ngoài tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT thì tuyển theo kết quả đánh giá năng lực và tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, nên chỉ phải quy đổi với 2 phương thức. Năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM đổi mới kỳ thi đánh giá năng lực cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới nên không sử dụng được dữ liệu các kỳ thi các năm trước đây để quy đổi điểm tương đương. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng sẽ có những khác biệt so với những năm trước. "Do đó sau khi có kết quả thi 2 kỳ thi này năm nay chúng tôi sẽ quy đổi điểm tương đương, dự định sẽ dựa trên tỷ lệ phần trăm ngang nhau, dựa vào chỉ tiêu của từng lĩnh vực. Rất mong đợi hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để triển khai các bước tiếp theo", PGS Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.

Theo PGS Nguyễn Hữu Công, Phó giám đốc ĐH Thái Nguyên, Bộ GD-ĐT nên thống nhất khung nguyên tắc quy đổi. "Theo tôi là trường nhóm trên thì hệ số K phải khác với trường nhóm dưới, nhóm trung bình. Nhóm dưới có thể thiên về học bạ hơn chẳng hạn, nên hệ số K học bạ sang THPT có thể là 1,5; còn nhóm trên có khi K chỉ cần bằng 1,1, thậm chí 0,8. Bộ nên có hướng dẫn để có hệ số quy đổi tốt hơn", PGS Nguyễn Hữu Công nói.

Ông Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết nhà trường dự kiến lấy khoảng 20% số TS có nguyện vọng xét tuyển vào trường. Do đó nhà trường không xem xét phổ điểm của toàn kỳ thi mà xem phổ điểm của những TS nộp hồ sơ xét tuyển vào trường mình.

Như vậy phải có dữ liệu của TS nộp vào trường thì mới ra được hệ số chính thức công bố với xã hội. Nhà trường dự định công bố trước với TS về nguyên tắc, còn hệ số chỉ công bố sau khi TS nộp hồ sơ vào trường.

Các yêu cầu khi quy đổi điểm

Theo dự thảo hướng dẫn xét tuyển ĐH, CĐ 2025, Bộ GD-ĐT yêu cầu việc quy đổi tương đương điểm chuẩn các phương thức phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng. Trong đó, các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi.

Các trường phân tích dữ liệu thống kê số lượng TS trúng tuyển theo từng phương thức (tối thiểu 2 năm trước liền kề), kết quả học tập của từng SV.

Từ tương quan giữa kết quả học tập ở ĐH và phổ điểm các phương thức của cùng nhóm TS; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho tới mức tối đa của thang điểm xét, các trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm (ví dụ là xuất sắc - giỏi, khá, đạt), từ đó xây dựng tối thiểu 3 hàm tương quan tuyến tính (3 hàm bậc nhất) cho các vùng điểm này.

Bộ GD-ĐT sẽ công bố căn cứ quy tắc chuẩn sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Còn các trường ĐH căn cứ đặc thù của mã ngành tuyển sinh để hoàn thiện quy tắc đổi của trường mình.

Theo Quý Hiên/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/quy-doi-diem-tuong-duong-xet-tuyen-dh-mong-som-co-huong-dan-tu-bo-gd-dt-185250402182914241.htm

  • Từ khóa

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Quy định mới về việc rời khỏi khu vực thi

Năm nay Bộ GD-ĐT quy định nghiêm ngặt hơn trong khâu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo an ninh, an toàn về đề thi.
15:18 - 03/04/2025
364 lượt xem

Bộ GD&ĐT nhắc nhở 7 địa phương báo cáo muộn về dạy thêm, học thêm

Bộ GD&ĐT nhắc nhở 7 địa phương báo cáo muộn về dạy - học thêm và cho biết một số địa phương còn lúng túng trong triển khai quy định này.
14:30 - 03/04/2025
413 lượt xem

Đề xuất xây dựng Luật Giáo dục đại học mới

Bộ GD-ĐT đã có tờ trình Chính phủ báo cáo đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2024.
10:43 - 03/04/2025
467 lượt xem

Tiến sĩ Hàn Quốc thất nghiệp hàng loạt

Vào năm 2024, tình trạng thất nghiệp của tiến sĩ Hàn Quốc đã đạt mức kỷ lục, đặc biệt nghiêm trọng đối với những người dưới 30 tuổi.
08:59 - 03/04/2025
513 lượt xem

Yale và Harvard sa thải nhiều nhân viên

Các trường đại học danh tiếng như Yale, Harvard đang sa thải hàng loạt nhân viên dưới sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump...
15:42 - 02/04/2025
948 lượt xem