190
/
172699
Mùa lạnh: Bác sĩ cảnh báo gia tăng đột quỵ xuất huyết não
mua-lanh-bac-si-canh-bao-gia-tang-dot-quy-xuat-huyet-nao
news

Mùa lạnh: Bác sĩ cảnh báo gia tăng đột quỵ xuất huyết não

Thứ 6, 22/11/2024 | 07:14:00
2,120 lượt xem

Thời tiết lạnh, chuyển mùa có thể làm co giãn quá mức hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não nếu không kiểm soát huyết áp tốt.

Ngày 22.11, Phó giáo sư, tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 - Phó chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, cho biết trong thời điểm cuối năm, bắt đầu từ khoảng tháng 11-12 đến đầu năm sau, số ca đột quỵ do xuất huyết não nhập viện cấp cứu tăng khoảng 10-20%. Mặc dù các triệu chứng của bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não cũng tương tự như đột quỵ nhồi máu não, nhưng tình trạng bệnh sẽ nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.

"Sự gia tăng này lặp lại hằng năm và đặc điểm chung của các bệnh nhân hầu hết là nam giới, có uống rượu bia, có bệnh sử huyết áp rất cao nhưng không uống thuốc, thường xuyên bia rượu... nhập viện cấp cứu do xuất huyết não. Đây được xem là dạng đột quỵ nặng nhất, với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%", bác sĩ Thắng chia sẻ.

Yếu tố thời tiết “kích hoạt” đột quỵ

Bác sĩ Thắng cho biết, theo y văn, một số tình huống thời tiết có thể ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ. Thời tiết quá lạnh, quá nóng, đặc biệt khi kèm với khí hậu ẩm ướt đều có thể được xem là yếu tố “kích hoạt” đột quỵ.

Thời tiết quá nóng ẩm, cơ thể mất nước khá nhiều, sẽ dễ tạo ra huyết khối trong mạch máu (đặc biệt là hệ tĩnh mạch). Nguy cơ càng cao khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, hoặc khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C.

Ngược lại khi thời tiết quá lạnh, chúng ta thường uống nước không đủ, điều này làm cơ thể thiếu nước, cũng có thể dẫn đến việc tạo ra các huyết khối.

"Ngoài ra, thời tiết quá lạnh hoặc nóng đều có thể gây ra các tác động đến sự co giãn quá mức hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim. Sẽ càng nghiêm trọng đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, nhưng không được kiểm soát tốt", bác sĩ Thắng phân tích.

Mùa lạnh: Bác sĩ cảnh báo gia tăng đột quỵ xuất huyết não - Ảnh 1.

Thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng, đặc biệt khi kèm với khí hậu ẩm ướt được xem là yếu tố “kích hoạt” đột quỵ ẢNH: LÊ CẦM

Thời điểm chuyển mùa, huyết áp có khuynh hướng tăng cao

Theo bác sĩ Thắng, nhiều nghiên cứu chỉ rõ, các thời điểm thay đổi thời tiết trong năm, được xem yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ. Nguyên nhân do cơ thể chưa kịp thích nghi với việc thay đổi nhiệt độ. Vào thời điểm chuyển mùa, mức huyết áp thường dao động có khuynh hướng tăng cao, đặc biệt với bệnh nhân tăng huyết áp lớn tuổi và không uống thuốc huyết áp thường xuyên.

"Với bệnh lý xuất huyết não, thủ phạm của hầu hết các trường hợp là do tăng huyết áp (>90%). Số liệu qua nhiều năm tại Bệnh viện Nhân dân 115, vào những tháng cuối năm và kéo dài đến đầu năm sau, tỷ lệ nhập viện do xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp có khuynh hướng cao rõ rệt", bác sĩ cho hay.

Phòng ngừa đột quỵ thời điểm cuối năm

Theo khuyến cáo hiện nay, để phòng ngừa đột quỵ, huyết áp tâm thu cần đưa xuống mức dưới 130 mmHg ở mọi lứa tuổi. Trong nghiên cứu PROGRESS với những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ trước đó, khi đưa mức huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg, hiệu quả phòng ngừa sẽ đạt hiệu quả tối ưu. Với nhiều sự lựa chọn các thuốc kiểm soát huyết áp theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, việc đạt được huyết áp mục tiêu không phải là điều quá khó.

"Khi mức huyết áp ổn định ở mức thấp nhất có thể, nguy cơ xuất huyết não sẽ vô cùng thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ cần giảm huyết áp tâm thu 10 mmHg thì tỷ lệ xảy ra xuất huyết não đã giảm 64%. Từ đó cho thấy khi đưa huyết áp về trị số tối ưu thì việc phòng ngừa xuất huyết não sẽ càng hiệu quả", bác sĩ nhấn mạnh.

Mùa lạnh: Bác sĩ cảnh báo gia tăng đột quỵ xuất huyết não - Ảnh 2.

Kiểm soát mức huyết áp ổn định là việc vô cùng quan trọng ẢNH: PEXELS

Trong thời điểm cuối năm, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân cần kiểm soát chặt các bệnh nền, đặc biệt là tăng huyết áp vì huyết áp có thể bị đẩy lên rất cao trong thời tiết thay đổi khi chuyển mùa. Với người lớn tuổi, béo phì và có nhiều bệnh nền kèm theo được xem là những đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt, vào cuối năm, có nhiều dịp ăn uống, sử dụng bia rượu sẽ có thể làm cho mức huyết áp tăng rất cao, do vậy cần tiết chế tối đa.

"Với các bệnh nhân tăng huyết áp, nên để sẵn một vài viên thuốc kiểm soát huyết áp ở nhiều nơi như ví, bàn làm việc..., đồng thời có thể cài hẹn giờ để tránh việc quên uống thuốc. Trên 70% các bệnh nhân bị đột quỵ có thể tránh được nếu uống thuốc dự phòng trước đó", bác sĩ Thắng khuyến cáo.

Theo Lê Cầm/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/mua-lanh-bac-si-canh-bao-gia-tang-dot-quy-xuat-huyet-nao-185241120052108258.htm

  • Từ khóa

Cách nào nhận biết nông sản, thực phẩm có sử dụng vàng O?

Vàng O (Auramine O) là chất có khả năng gây ung thư cao. Đây là chất dùng để tạo màu trong công nghiệp, bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, không được dùng để...
10:30 - 07/02/2025
83 lượt xem

5 biểu hiện cúm trở nặng, cần đến ngay cơ sở y tế

Bệnh cúm hầu hết có diễn biến nhẹ, nhưng một số trường hợp có thể biến chứng, bội nhiễm gây viêm phổi suy hô hấp, suy đa phủ tạng. Cần lưu ý triệu chứng...
07:51 - 07/02/2025
150 lượt xem

Chủ động phòng cúm bằng cách nào?

Cúm là bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, thậm chí tử vong, đặc biệt ở những...
16:45 - 06/02/2025
507 lượt xem

Nghiên cứu: Thực phẩm tốt cho từng nhóm máu

Một nghiên cứu mới đây đã khám phá ra điều đáng ngạc nhiên về cách gien và nhóm máu quyết định loại thực phẩm nào giúp cơ thể phát triển tốt hơn, loại nào...
14:41 - 06/02/2025
566 lượt xem

Quan hệ tình dục qua đường miệng có lây bệnh tình dục?

ThS.BS Dương Lê Trung, khoa lâm sàng 3 Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho hay quan hệ tình dục qua đường miệng được hiểu là việc sử dụng miệng để kích thích...
14:30 - 06/02/2025
518 lượt xem