11
/
175828
Nhiều thay đổi lớn của giáo dục có hiệu lực từ đầu năm
nhieu-thay-doi-lon-cua-giao-duc-co-hieu-luc-tu-dau-nam
news

Nhiều thay đổi lớn của giáo dục có hiệu lực từ đầu năm

Thứ 3, 04/02/2025 | 08:51:16
81 lượt xem

Từ tháng 2, nhiều chính sách, thay đổi đặc biệt quan trọng của giáo dục có hiệu lực, dự báo tác động lớn đến việc dạy học và thi cử của các nhà trường phổ thông.

QUY ĐỊNH "ĐỘT PHÁ" VỀ DẠY THÊM

Thông tư mới về dạy thêm, học thêm (DTHT) do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 31.12.2024 và có hiệu lực từ ngày 14.2 tới. Trong đó có nhiều thay đổi đáng kể. Thay vì hàng loạt các lệnh "cấm" ép học sinh (HS) học thêm như quy định cũ, thông tư mới điều chỉnh theo hướng cho phép giáo viên (GV) dạy thêm HS của mình, cho phép dạy phụ đạo, bồi dưỡng… nhưng quy định rõ: không được thu tiền. Cụ thể: "GV đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học". Theo Bộ GD-ĐT, điều này để hạn chế việc GV đưa HS của mình ra ngoài dạy thêm.

Đối với DTHT trong nhà trường, thông tư mới hạn chế đối tượng được học thêm trong nhà trường gồm 3 loại, là những HS thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền: HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; HS được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đáng chú ý, theo Bộ GD-ĐT, để hạn chế tiêu cực bắt ép HS học thêm, thông tư mới quy định không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Thông tư của Bộ GD-ĐT quy định về quy chế thi tốt nghiệp THPT với nhiều điểm mới sẽ có hiệu lực từ ngày 8.2

Thông tư cũng nêu rõ: "Không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".

Bộ GD-ĐT cho hay: "Các quy định như trên nhằm đảm bảo tăng cường trách nhiệm của các nhà trường trong việc thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần đạt theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Các nhà trường có cơ hội dành quỹ thời gian và không gian của nhà trường chưa được khai thác hết để tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… nhằm phát triển toàn diện HS; đồng thời, hạn chế được hành vi "ép buộc HS học thêm" gây bức xúc trong dư luận".

Theo quy định của thông tư mới, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức DTHT ngoài nhà trường có thu tiền của HS phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của luật Doanh nghiệp.

Nhiều GV cấp trung học chia sẻ, lâu nay việc dạy buổi 2 ở nhà trường, dạy ôn tập tăng cường cho HS cuối cấp để chuẩn bị cho các kỳ thi... đều được thu tiền theo quy định chung và theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường, góp phần cải thiện thu nhập của GV. Tuy nhiên, từ 14.2, nếu nhà trường không có khoản kinh phí nào để hỗ trợ GV thì tất cả các hoạt động trên sẽ phải dừng lại. GV chỉ có trách nhiệm hoàn thành giờ dạy chính khóa theo định mức giờ dạy mà Bộ GD-ĐT đã quy định.

THI VÀO LỚP 10 VỚI MÔN THỨ BA KHÔNG CỐ ĐỊNH

Cũng có hiệu lực từ ngày 14.2, Thông tư 30/2024 của Bộ GD-ĐT quy định về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, trong đó đáng chú ý nhất là những quy định mới liên quan đến việc thi vào lớp 10 THPT công lập. Bộ GD-ĐT quy định các địa phương có thể chọn thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 hoặc kết hợp cả 2 phương án này.

Tuy nhiên, nếu thi tuyển thì sẽ phải thi đủ 3 môn, trong đó toán, văn là 2 môn bắt buộc; môn thứ ba (hoặc bài thi tổ hợp) sẽ do sở GD-ĐT lựa chọn từ các môn được đánh giá bằng điểm số. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh không chọn môn thi thứ ba lặp lại quá 3 năm liên tiếp. Các địa phương có thể công bố môn thi thứ ba sau khi kết thúc học kỳ 1 nhưng không muộn hơn ngày 31.3 hằng năm, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tránh học tủ, học lệch.

Kỳ thi lớp 10 sẽ bao gồm 3 môn, trong đó môn thứ ba không lặp lại quá 3 năm liên tiếp

Đến thời điểm này, có hơn 10 địa phương, trong đó sớm nhất là TP.HCM, đã công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10. Tất cả các địa phương này đều đã chọn tiếng Anh là môn thi thứ 3. Riêng Hà Nội, nơi có số lượng HS thi vào lớp 10 lớn nhất nước, mức độ cạnh tranh cũng căng thẳng nhất thì vẫn "im lìm" trong sự sốt ruột và hồi hộp của HS, phụ huynh và các trường.

THI TỐT NGHIỆP THPT: GIẢM MÔN, GIẢM SỐ BUỔI THI

Thông tư 24/2024 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 8.2 quy định về quy chế thi tốt nghiệp THPT với nhiều điểm mới, trong đó giảm số môn thi và buổi thi.

Cụ thể, thí sinh làm bài thi 4 môn thay vì 6 môn như trước, trong đó chỉ còn 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn lựa chọn nằm trong các môn hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ và ngoại ngữ. Đây là lần đầu tiên tin học, công nghệ (công nghiệp, nông nghiệp) trở thành môn thi tốt nghiệp.

Số buổi thi tốt nghiệp THPT cũng giảm chỉ còn 3 thay vì 4 buổi như trước. Bộ GD-ĐT kỳ vọng việc giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi so với các năm trước sẽ giúp kỳ thi từ năm 2025 giảm áp lực cho thí sinh, giảm chi phí cho xã hội.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập của HS ở lớp 10, 11 và 12 lên 50% và điểm thi tốt nghiệp chiếm 50%.

Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định được miễn thi môn này nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp sẽ không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này.

Thông tư mới về dạy thêm có hiệu lực từ ngày 14.2 tới có nhiều thay đổi đáng kể 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ những nhiệm vụ lớn trong năm 2025

Chia sẻ với báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành giáo dục có nhiều nhiệm vụ lớn sẽ tập trung triển khai trong năm 2025.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2025, dự thảo luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội khóa XV lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 9. Bộ GD-ĐT đã và đang tập trung cao cho việc hoàn thiện dự thảo sau lần đầu lấy ý kiến Quốc hội. "Chúng tôi mong rằng những tâm huyết, ấp ủ về một dự thảo luật sẽ phát triển được lực lượng nhà giáo, gỡ vướng hàng loạt các vấn đề về quản lý nhà giáo trong suốt thời gian qua… sẽ thuyết phục được đại biểu Quốc hội, thuyết phục được xã hội. Không chỉ chúng tôi mà hơn 1,6 triệu nhà giáo cả nước đang ngóng chờ thời điểm luật Nhà giáo chính thức được thông qua và đi vào cuộc sống. Chúng tôi sẽ rà soát luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học, luật Giáo dục nghề nghiệp để xem xét sửa đổi, bổ sung", Bộ trưởng Kim Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Kim Sơn, sau 4 năm triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết giai đoạn đầu triển khai chương trình để đặt ra những mục tiêu, giải pháp đổi mới có chiều sâu hơn cho giai đoạn tiếp theo.

Ngay khi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành chu trình đầu tiên, chương trình Giáo dục mầm non mới được triển khai thí điểm tại 20 tỉnh, TP. Năm 2025 sẽ đánh dấu bước khởi đầu của đổi mới giáo dục mầm non - cấp học nền tảng nhưng còn nhiều khó khăn nhất hiện nay.

Theo ông Kim Sơn, năm 2025, ngành giáo dục tiếp tục có nhiều công việc, nhiệm vụ phải làm trong hành trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, nhiệm vụ rất lớn là Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để hoàn thiện chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Ngoài ra, năm 2025 cũng là năm Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục thực hiện việc tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trước mắt, Bộ GD-ĐT đang tổ chức cắt giảm đầu mối, sáp nhập, tiếp nhận các đơn vị... theo chỉ đạo của T.Ư.

Theo Tuệ Nguyễn/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/nhieu-thay-doi-lon-cua-giao-duc-co-hieu-luc-tu-dau-nam-185250203213311571.htm

  • Từ khóa

Nhiều giáo viên đã nhận được tiền thưởng theo nghị định 73

Nhiều địa phương đã hoàn tất chi trả tiền thưởng cho giáo viên theo nghị định 73 trước Tết, một số nơi như Hà Nội thực hiện sau Tết.
10:56 - 04/02/2025
34 lượt xem

Nhiều trường đại học cho sinh viên học online tuần đầu tiên sau Tết

Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhiều trường đại học cho sinh viên học online nhằm giảm áp lực tàu xe, đi lại.
06:54 - 04/02/2025
131 lượt xem

Giáo dục nghề nghiệp cần đi vào thực chất

Việc chuyển giao quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từ Bộ LĐ-TB&XH sang Bộ GD&ĐT từ năm 2025 được kỳ vọng sẽ khắc phục nhiều bất cập.
17:15 - 03/02/2025
477 lượt xem

Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho HSSV: Hun đúc khát vọng cống hiến

Giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng với mỗi nhà trường.
12:27 - 03/02/2025
580 lượt xem

Vươn xa mô hình lớp học số

Các lớp học số được tổ chức theo đơn vị lớp và theo thời khóa biểu được thiết kế đặc thù vì phụ thuộc thời khóa biểu của GV giảng dạy.
09:17 - 03/02/2025
652 lượt xem