9
/
175750
Ở xứ người, những nàng dâu Việt nhớ tết quê hương
o-xu-nguoi-nhung-nang-dau-viet-nho-tet-que-huong
news

Ở xứ người, những nàng dâu Việt nhớ tết quê hương

Chủ nhật, 02/02/2025 | 09:27:00
1,011 lượt xem

Nhiều năm xa quê hương, không được đón tết cùng với gia đình, những nàng dâu Việt nhớ da diết cái Tết Nguyên đán tại Việt Nam.

Thèm cảm giác mặc áo dài vào ngày tết

Phùng Thu Anh (26 tuổi), hiện làm công nghệ thông tin tại một ngân hàng ở Hà Lan, cho biết năm nay cùng chồng về Việt Nam để lo chuẩn bị cho đám cưới, do đó không thể tham dự chương trình “Xuân Quê Hương” do Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức. Hằng năm vợ chồng Thu Anh tham gia chương trình này và gặp gỡ đồng hương để đỡ nhớ tết cổ truyền ở Việt Nam.

Thu Anh và chồng ẢNH: NVCC

Mặc dù vậy, Thu Anh vẫn giữ vững truyền thống của gia đình bằng cách tổ chức bữa tất niên tại nhà và chuẩn bị mâm cỗ để cúng ông bà, thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên trong dịp tết.

Với không khí lạnh giá của mùa đông Hà Lan, Thu Anh và chồng không thể mặc áo dài xúng xính như ở Việt Nam, dù họ vẫn muốn có những hình ảnh tết truyền thống. "Chúng mình phải mặc áo bông dày cộp và bật sưởi trong nhà, vì trời lạnh quá. Hình ảnh tết xúng xính áo dài là điều không thể có trong suốt hơn 7 năm qua", Thu Anh tâm sự. Tuy nhiên, dù không thể tham gia các sự kiện lớn, cô vẫn cố gắng mang không khí tết về ngôi nhà của mình.

Gia đình Thu Anh tổ chức gói bánh chưng tại Hà Lan ẢNH: NVCC

Ngoài việc chuẩn bị bữa tất niên, Thu Anh cùng chồng trang trí nhà cửa để đón tết, dù không thể tạo được không gian rực rỡ như ở quê nhà. "Chúng mình treo lồng đèn đỏ, băng rôn, câu đối và cắm hoa tuyết mai để tạo không khí tết. Dù đã cố gắng nhưng mọi thứ chỉ bằng 5 % so với không khí tết ở Việt Nam", Thu Anh chia sẻ.

Bên mâm cơm thịnh soạn nhưng thiếu… vị quê hương

Giáo sư Đặng Thu Hương (33 tuổi, quê Quảng Ninh), giáo sư bậc 1 (tenure-track Assistant Professor) tại Khoa Khoa học quản lý, Trường Quản lý Lancaster, Đại học Lancaster (Anh) cho biết năm nay tết vào giữa tuần nên không có nhiều thời gian chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn.

Giáo sư Đặng Thu Hương ẢNH: NVCC

Theo chị Hương, hôm giao thừa sau giờ dạy thì chạy nhanh về nhà chuẩn bị vài món truyền thống nấu nhanh gọn để cúng và ăn tết cho có không khí. Mọi năm có bánh chưng nhưng năm nay chị Hương chọn bánh khúc nếp cẩm, nem rán. Cuối tuần này, chị Hương tranh thủ cho con đi chơi tết bù: “Mình muốn con hiểu và yêu cái tết cổ truyền”.

Đây là năm thứ 8 chị Hương đón tết ở xứ người. Những ngày tết ở Việt Nam, bên Anh chị Hương vẫn phải đi dạy. Tuy vậy, chị Hương vẫn không thể quên được không khí tết ở quê nhà.

Bữa cơm đón tết do chị Hương nấu ẢNH: NVCC

“Mình nhớ cảm giác hồi hộp đếm từng giờ, từng phút đến giao thừa, xem bắn pháo hoa và qua chùa để thắp hương. Mình nhớ không khí mọi người sum họp, quây quần bên nhau, đến nhà người thân chúc tết”, chị Hương chia sẻ. Qua giao thừa, chị Hương canh thời gian để gọi video về chúc tết gia đình ở Việt Nam cho đỡ nhớ.

Hơn 10 năm kể từ khi chị Cao Thị Thu Diễm (31 tuổi), rời Tây Ninh để theo chồng sang TP. Busan (Hàn Quốc), cuộc sống ở nơi đất khách vẫn không thể xóa nhòa nỗi nhớ quê hương, đặc biệt mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Dù đã quen với việc sinh sống ở xứ sở kim chi, nhưng vào những ngày tết, lòng chị vẫn dâng trào cảm giác hoài niệm. Tết này, như mọi năm, chị vẫn chuẩn bị những món ăn đậm chất Việt để gia đình quây quần. “Tôi ra chợ mua gà, làm nem rán, nấu canh rau củ. Mặc dù ở đây có sẵn thực phẩm Việt, nhưng không khí ngày tết vẫn thiếu vắng. Bữa cơm này không thể sánh với cảm giác sum vầy ở quê nhà”, chị Diễm chia sẻ.

Bữa cơm tết chị Diễm nấu tại Hàn Quốc ẢNH: NVCC

Ngoài việc chuẩn bị mâm cơm truyền thống, chị Diễm còn dạy cho hai con những phong tục đón Tết Nguyên đán, từ việc lì xì đến lời chúc, nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa Việt trong gia đình dù xa cách tổ quốc.

“Ở Hàn Quốc, tết không thể trọn vẹn như khi ở Việt Nam. Mâm cơm ngon là vậy, nhưng thiếu không khí đoàn viên, những tiếng cười đầm ấm của các thành viên trong gia đình. Đồ ăn Việt có thể tìm thấy ở đây, nhưng thiếu vắng hương vị và cảm giác thân quen. Những lúc như vậy, tôi không khỏi nhớ nhà và không ít lần đã bật khóc”, chị Diễm tâm sự.

Chị nhớ lại những ngày đầu tiên đến Hàn Quốc vào năm 2014. “Năm đầu tiên, mình thật sự rất buồn. Mình nhớ tết, nhớ quê hương và ba mẹ. Mỗi khi gọi về cho gia đình, mình chỉ biết khóc. Thời gian khiến mình nguôi ngoai và vẫn không ngừng gìn giữ các phong tục của dân tộc ở xứ người”, chị Diễm kể lại.

Mặc dù cuộc sống nơi đất khách đã giúp chị Diễm trưởng thành và thích nghi, nhưng những ký ức về tết ở Việt Nam luôn là một phần không thể thiếu trong trái tim người mẹ trẻ. Trong những ngày tết xa quê, chị Diễm vẫn giữ những nét văn hóa Việt đến với gia đình nhỏ.

Theo Kim Ngọc Nghiên/ Thanh Niên

https://thanhnien.vn/o-xu-nguoi-nhung-nang-dau-viet-nho-tet-que-huong-185250201154246492.htm

  • Từ khóa

'Đảng viên phải là những người dám nghĩ, dám nói, dám làm'

Thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy T.Ư Đoàn đề nghị đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ Hội mà trước hết là cán bộ, đảng...
16:16 - 03/02/2025
263 lượt xem

Tết- Cơ hội chữa lành những tổn thương trong gia đình

Tết không chỉ là dịp sum vầy mà còn là cơ hội để mỗi người nhìn lại, thấu hiểu và hàn gắn những tổn thương trong gia đình.
14:37 - 03/02/2025
301 lượt xem

Nhân chứng lịch sử nhắn nhủ thanh niên về niềm tin theo Đảng

Tại chương trình Giao lưu tiếp lửa truyền thống với chủ đề 'Đảng là lẽ sống của tôi', nhân chứng lịch sử ở mảnh đất Tân Trào, cội nguồn của cách mạng Việt...
12:50 - 03/02/2025
359 lượt xem

6 cách nạp năng lượng trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết

Sau kỳ nghỉ dài, việc trở lại nhịp độ công việc thường khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.
08:53 - 03/02/2025
439 lượt xem

Đi du lịch Đà Lạt, nhưng ở lại Bảo Lộc vì kẹt xe hàng cây số

Những ngày qua (từ mùng 2 đến mùng 4 tết), trên quốc lộ 20 đoạn qua TP.Bảo Lộc, kẹt xe xếp thành hàng dài (chiều hướng về TP.Đà Lạt). Ngán ngẩm với cảnh...
15:22 - 01/02/2025
1,455 lượt xem