Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 23% về giá trị so với năm 2023. Để giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh giá gạo giảm và cạnh tranh gia tăng giữa các nguồn cung, các doanh nghiệp cần có giải pháp hiệu quả nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024/25 sẽ tăng lên 533,8 triệu tấn, tăng 11,6 triệu tấn so với niên vụ 2023/24; tổng nguồn cung toàn cầu dự kiến sẽ tăng 10,6 triệu tấn, đạt 713,1 triệu tấn; thương mại gạo dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 57,2 triệu tấn do xuất khẩu tăng từ nhiều quốc gia.
Nguồn cung tăng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ cuối tháng 9/2024, khi Ấn Độ đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (phi basmati) thì giá gạo xuất khẩu của hầu hết các quốc gia đều sụt giảm. Tuy nhiên, kết thúc năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt những cột mốc mới.
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại liên tục giảm mạnh, hiện nay giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức thấp nhất so với 3 quốc gia xuất khẩu lớn khác là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, chỉ đạt 404 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 434 USD/tấn, gạo Ấn Độ và Pakistan lần lượt đạt 415 USD/tấn và 412 USD/tấn.
Nguyên nhân là do nguồn cung tiếp tục tăng ở nhiều quốc gia trong khi các nước nhập khẩu lớn đều đang có chủ trương gia tăng sản xuất kèm theo chính sách hạn chế nhập khẩu gạo giá cao trong năm 2025.
Thí dụ như Indonesia, quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong nhiều năm qua, đang dự kiến sẽ giảm nhập khẩu gạo vào năm 2025 nhờ tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất trong nước.
Bộ Nông nghiệp Indonesia thông báo chính phủ đã đặt mục tiêu cho Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) mua 3 triệu tấn gạo sản xuất trong nước với giá 401 USD/tấn để thực hiện lộ trình tự cung tự cấp lương thực vào năm 2027; đồng thời mở rộng diện tích trồng trọt để tăng năng suất cây trồng, đạt được hai vụ thu hoạch từ 1,7 triệu ha vào năm 2024 và hướng tới 2,5 triệu ha vào năm 2025. Dự kiến mức thặng dư này sẽ khuyến khích nông dân tăng sản lượng và đóng góp vào an ninh lương thực quốc gia.
Bên cạnh đó, các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng sẽ có sự chững lại trong nhập khẩu gạo năm 2025. Cụ thể, tại Hàn Quốc, lượng tiêu thụ gạo bình quân đầu người năm 2025 dự kiến sẽ giảm xuống còn 53,3 kg do thói quen ăn uống thay đổi.
Trong khi đó, theo VFA, Nhật Bản có kế hoạch giải phóng một phần trong số 1 triệu tấn gạo dự trữ chiến lược để giải quyết tình trạng giá gạo trong nước tăng vọt và người tiêu dùng lo ngại về tình trạng thiếu gạo tại quốc gia này, nhằm mục đích ổn định giá cả và bảo đảm nguồn cung trên thị trường trong giai đoạn nhu cầu cao.
Không chỉ Việt Nam, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cũng dự đoán xuất khẩu gạo của nước này cũng sẽ giảm đáng kể, xuống còn 7,5 triệu tấn vào năm 2025, do sự cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ và nhu cầu giảm từ Indonesia.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo trở lại thì diện tích và sản lượng lúa dự kiến cũng tăng lên trong những tháng tới. Tính đến cuối tháng 1/2025, nông dân Ấn Độ đã trồng lúa vụ Rabi đạt 3,515 triệu ha, tăng 15,7% so với 3,038 triệu ha của năm 2024, sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 3-4/2025 tạo ra nguồn cung mới cho thị trường.
Linh hoạt sản xuất và điều hành xuất khẩu
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến hết tháng 1/2025, vụ thu đông 2024 tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 711.000 ha/700.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được 711.000 ha với năng suất khoảng 58,45 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4,157 triệu tấn lúa.
Vụ đông xuân 2024-2025 đã xuống giống được hơn 1,4 triệu ha, đạt 100% diện tích kế hoạch, đã bắt đầu thu hoạch khoảng 167.000 ha với năng suất 61 tạ/ha, sản lượng ước 1,018 triệu tấn lúa.
Như vậy, một lượng lúa lớn đã được thu hoạch và đưa ra thị trường, theo đó nguồn cung gạo của Việt Nam cũng dồi dào hơn. Điều này đã khiến giá lúa trong nước giảm vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua. Do đó, để bảo đảm giá lúa ổn định và có lợi cho nông dân thì hoạt động xuất khẩu gạo phải được khơi thông ngay từ những tháng đầu năm.
Tính đến giữa tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 268.700 tấn gạo, đạt kim ngạch gần 165,7 triệu USD, tăng 38,7% về lượng và tăng 23,28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Nhìn nhận thị trường là vấn đề quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2025, các bộ ngành liên quan đã lên kế hoạch tập trung mạnh vào khâu xúc tiến thương mại. Theo Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để giữ đà tăng trưởng cho ngành hàng này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng để tăng tiềm lực tài chính trong thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, ngay từ 1/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng hơn về xuất khẩu gạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước; đồng thời nâng cao giá trị, chất lượng gạo, xây dựng thương hiệu gạo và thúc đẩy xúc tiến thương mại. Cụ thể, Nghị định nêu rõ, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hằng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại gạo, bảo đảm tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo.
Ngoài các thị trường truyền thống là Philippines, Indonesia, Malaysia, năm 2025 sẽ tập trung vào việc khai thác thị trường đang gia tăng nhu cầu như khu vực Trung Đông, khu vực Bắc Âu, đồng thời có các giải pháp mới để khai thác hiệu quả hơn thị trường Trung Quốc vốn bị sụt giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo khá nhiều trong năm 2024.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cần tích cực phối hợp với Bộ Công thương trong việc đưa mặt hàng gạo của Việt Nam vào các chuỗi phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị bán lẻ tại các quốc gia nhập khẩu nhằm quảng bá, tăng cường sự nhận diện của khách hàng về sản phẩm gạo Việt Nam.
Theo Ánh Tuyết/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/mo-rong-thi-truong-giu-vung-tang-truong-xuat-khau-gao-post858964.html