Hiện tượng La Nina khiến những đợt không khí lạnh xuất hiện nhiều và mạnh hơn bình thường, miền Bắc ghi nhận trời rét 1 độ C trong khi miền Nam đang trong mùa nắng lại trở lạnh dưới 20 độ C.
Các đợt lạnh dồn dập đẩy nhiệt độ miền Bắc xuống thấp
Ngày 9.2, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ghi nhận mức nhiệt thấp nhất ở các tỉnh miền Bắc là 1 độ C tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Mức nhiệt này thấp hơn 1 độ so với mức thấp nhất được ghi nhận trong đợt lạnh vào cuối tháng 1.2025, cũng tại Mẫu Sơn. Trong buổi sáng, các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ có nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 10 - 12 độ C. Hà Nội nhiệt độ 12 độ C, rét kéo dài cả ngày lẫn đêm. Thậm chí đến giữa trưa nhưng nhiệt độ khí tượng vẫn chỉ ở mức 17 độ C. Đáng nói, do gió mùa đông bắc thổi mạnh khiến cảm nhận của nhiều người còn lạnh hơn vài độ so với thực tế. Một số người làm việc ngoài đường thậm chí thường xuyên phải đốt lửa để sưởi ấm.
Không khí lạnh cũng ảnh hưởng đến các tỉnh bắc và trung Trung bộ. Cụ thể, Thanh Hóa, Nghệ An có nhiệt độ xuống mức 12 độ C và tại TP.Huế là 14 độ C. Đợt không khí lạnh này tiếp tục kéo dài đến hôm nay 10.2, miền Bắc và khu vực bắc, trung Trung bộ tiếp tục chịu ảnh hưởng với nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi cao có thể dưới 3 độ C, đồng bằng 9 - 12 độ C.
Đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc kéo dài đến ngày 10.2, sau đó suy yếu và đến ngày 12.2 lại xuất hiện một đợt mới. ẢNH: ĐÌNH HUY
Nguyên nhân đợt lạnh này đặc biệt mạnh do trong tháng 1, VN đón 3 đợt không khí lạnh. Đặc biệt là đợt lạnh vào ngày 26.1, có cường độ khá mạnh khiến nhiệt độ xuống thấp, xuất hiện băng giá, mưa tuyết ở một số nơi. Trên nền nhiệt độ thấp của đợt lạnh cuối tháng 1 đến đợt lạnh đầu tháng 2 hiện nay khiến nền nhiệt duy trì mức thấp kéo dài và xảy ra rét đậm, rét hại như hiện tại. Thống kê cho thấy trong tháng 1.2025, nhiệt độ trung bình cả nước thấp hơn trung bình nhiều năm phổ biến 0,5 - 1,5 độ C. Dự báo tháng 2, do ảnh hưởng của các đợt lạnh cường độ mạnh và liên tục, nhiệt độ trung bình cả nước phổ biến xấp xỉ so với cùng thời kỳ, riêng bắc và trung Trung bộ thấp hơn 0,5 - 1 độ C.
Trước đợt rét đậm, rét hại nhất kể từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện số 11 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó. Công điện cảnh báo: Đợt rét đậm, rét hại này có khả năng ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác; có khả năng xảy ra mưa giông lốc, sét và gió giật mạnh.
Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương từ Thừa Thiên-Huế trở ra tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống rét đậm, rét hại. Trong đó, cần hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ năng phòng, chống rét an toàn, hiệu quả. "Rà soát, kịp thời hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm, cung cấp thuốc men, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt chú ý các đối tượng người cao tuổi, trẻ em, người lang thang, vô gia cư và các đối tượng yếu thế khác. Tuyệt đối không để người dân đói, rét, đau ốm vì rét mà không tiếp cận được dịch vụ y tế", công điện nêu rõ.
Sau hôm nay 10.2, miền Bắc dự báo ấm dần lên, nền nhiệt tăng khoảng 5 - 6 độ C. Tuy nhiên, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cảnh báo: Đến ngày 12.2, thêm một đợt không khí lạnh mới lại về và miền Bắc sẽ rét trở lại. Đợt không khí lạnh mới có thể kéo dài đến ngày 16.2, gây hiện tượng mưa rét ở các tỉnh thành miền Bắc, đặc biệt vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.
Nam bộ lạnh 17 độ C ngay trong mùa nắng nóng
Không chỉ miền Bắc mà nhiệt độ ở khu vực Nam bộ cũng đang giảm trở lại. Sáng qua 9.2, nhiều người dân TP.HCM cảm thấy bất ngờ khi trời se lạnh và có gió nhẹ, nhiệt độ xuống dưới
20 độ C. Đến khoảng 9 giờ sáng, khi nắng ấm xuất hiện thì nhiệt độ tăng lên mức 23 - 24 độ C và đến giữa trưa cũng chỉ 30 - 31 độ C. Nhiều người dân TP.HCM cho biết vào thời điểm này năm ngoái, TP đang trải qua giai đoạn nắng nóng gay gắt 37 - 38 độ C, trái ngược hẳn với tiết trời dịu mát, thậm chí se lạnh của năm nay. Thậm chí nhiều người tập thể dục và ra đường vào sáng sớm còn phải mặc thêm áo ấm. Đáng nói, thời gian nắng nóng với mức nhiệt 31 - 32 độ C cũng chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, trong khi nhiệt độ cảm nhận chỉ tăng hơn nhiệt độ khí tượng khoảng 1 độ C. "Thời tiết này chắc năm nay đỡ lo tiền điện tăng vọt trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên, hiện nay do thời tiết biến đổi bất thường nên nhiều người dễ bị bệnh, cảm cúm kéo dài, đặc biệt là trẻ con", chị Ngọc An ở Q.Bình Thạnh chia sẻ.
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Sáng 9.2, tại TP.HCM, nhiệt độ thấp nhất là 20,5 độ C (tại trạm Nhà Bè), còn trên khu vực Nam bộ, nhiệt độ thấp nhất là 17,6 độ C tại Tà Lài (Đồng Nai). Nhiều nơi khác ở miền Đông cũng ghi nhận mức nhiệt dưới 20 độ C như: Phước Long (Bình Phước) 19,5 độ C; Long Khánh (Đồng Nai) 18,4 độ C; Biên Hòa (Đồng Nai) 19,6 độ C; và Trị An (Đồng Nai) là 19,5 độ C. Vào sáng sớm, người dân cảm thấy trời se lạnh vì nhiệt độ thấp kèm theo gió nhẹ khiến cho chúng ta có cảm giác như lạnh hơn.
"Nhiệt độ hiện nay ở Nam bộ không bất thường, vì năm nay khí hậu đang ở pha lạnh (La Nina). Vào những năm La Nina xuất hiện, thường trên cả nước và nhất là các tỉnh phía bắc xuất hiện nhiệt độ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Khi xuất hiện nhiệt độ dưới 10 độ C thì miền núi phía bắc thường có băng giá, tuyết. Đợt hiện nay, không khí lạnh có cường độ rất mạnh, kết hợp sóng lạnh trên cao khuếch tán sâu xuống các tỉnh phía nam, làm cho nhiệt độ giảm. Trong những ngày qua vào lúc sáng sớm tại miền Đông có những ngày nhiệt độ không khí giảm dưới 17 độ C, đây cũng là điều bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2 và tháng 3, nước ta vẫn còn tiếp tục có những đợt không khí lạnh về nhưng theo xu hướng là cường độ yếu dần. Các đợt không khí lạnh này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ của các tỉnh thành Nam bộ nhưng sẽ không làm nhiệt độ giảm sâu như hiện tại", ông Quyết dự báo.
Cảnh báo xâm nhập mặn Hiện nay, các tỉnh thành Nam bộ, đặc biệt là ĐBSCL, chuẩn bị bước vào đợt triều cường rằm tháng giêng. Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh khiến gió mùa đông bắc thổi mạnh gây sóng to gió lớn trên Biển Đông. Đây là điều kiện thuận lợi cho nước mặn từ biển xâm nhập sâu vào các cửa sông. Bà con nông dân cần tích cực theo dõi thông tin thời tiết để chủ động ứng phó với mặn theo thủy triều vào sâu trong các nhánh sông ảnh hưởng đến nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. |
Theo Chí Nhân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/mien-bac-ret-dam-1-do-c-mien-nam-lanh-bat-ngo-185250209212809899.htm