Ngày 10-2, Hội nghị thượng đỉnh hành động trí tuệ nhân tạo (AI) khai mạc tại thủ đô Paris, Pháp trong bối cảnh cuộc đua AI trên toàn cầu ngày càng sôi động.
Đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh hành động về AI tại Paris, Pháp ngày 10-2 - Ảnh: REUTERS
Ngay trước sự kiện kéo dài hai ngày này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiết lộ sẽ có các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân tổng cộng 109 tỉ euro vào AI tại Pháp trong những năm tới, giữa lúc châu Âu tìm kiếm chỗ đứng lớn hơn trong một lĩnh vực phát triển nhanh chóng đang do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu.
Quyết tâm của ông Macron
Hội nghị thượng đỉnh nói trên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước ca ngợi dự án hạ tầng AI trị giá hàng trăm tỉ USD có tên "Stargate", dự kiến được xây dựng tại Mỹ và do Công ty OpenAI của Mỹ cùng với SoftBank của Nhật Bản dẫn đầu. Cam kết đầu tư vào dự án này ban đầu là 100 tỉ USD, sau đó nâng khoản đầu tư lên 500 tỉ USD trong vòng bốn năm.
Trong khi đó bốn gã khổng lồ công nghệ Mỹ là Amazon, Meta, Microsoft và Alphabet định rót tổng cộng hơn 300 tỉ USD vào phát triển AI trong năm 2025. Tại Trung Quốc, các công ty như DeepSeek đang có những bước tiến lớn trong việc phát triển các mô hình AI có khả năng cạnh tranh nhưng với chi phí thấp, còn Huawei đang đầu tư mạnh vào việc sản xuất những con chip có thể cạnh tranh với những con chip dẫn đầu thị trường của Tập đoàn Nvidia (Mỹ).
Trên kênh truyền hình quốc gia France 2 hôm 9-2, Tổng thống Macron nói rằng đối mặt với cuộc cạnh tranh như vậy, "châu Âu và Pháp phải đẩy nhanh các khoản đầu tư của mình".
Để làm điều đó, ngày 10-2 Pháp công bố các công ty đã đồng ý đầu tư 109 tỉ euro (112,5 tỉ USD) vào các dự án AI tại quốc gia này trong những năm tới. "Đối với Pháp, điều này tương đương với những gì Mỹ đã công bố về Stargate", ông Macron nói.
Văn phòng Tổng thống Macron cho biết Tập đoàn quản lý tài sản Brookfield của Canada sẽ đầu tư 20 tỉ euro vào các dự án AI tại Pháp, cùng với đó là khoản đầu tư từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có thể lên tới 50 tỉ euro trong những năm tới... UAE sẽ đầu tư vào khuôn viên mới dành cho các trung tâm dữ liệu, với nguồn tài chính ban đầu sẽ đến từ quỹ MGX của Abu Dhabi.
Động thái trên càng cho thấy quyết tâm của ông Macron trong việc đưa Pháp và châu Âu trở thành một phần trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát triển và thương mại hóa công nghệ tiên tiến. Hiện nay Tổng thống Macron đang tích cực ủng hộ công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Paris tên Mistral AI, một trong những công ty phát triển mô hình ngôn ngữ lớn nổi bật ở châu Âu.
Các công ty khởi nghiệp châu Âu từ lâu đã tụt lại phía sau so với các đối thủ ở Mỹ và Trung Quốc khi họ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn do thiếu nguồn tài trợ, khả năng tiếp cận tài nguyên tính toán và tình trạng thiếu rõ ràng trong cách áp dụng các quy định.
Châu Âu trước áp lực cạnh tranh AI
Các nhà lãnh đạo chính trị và công nghệ đã đổ về Paris trong ngày 10-2 dự Hội nghị thượng đỉnh hành động AI với hy vọng tìm được tiếng nói chung về công nghệ mang tính cách mạng này.
Đồng tổ chức bởi Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hội nghị được tổ chức cũng nhằm mục đích đặt nền tảng cho việc quản lý lĩnh vực mới này, trong lúc các cường quốc toàn cầu chạy đua để dẫn đầu về một công nghệ đang phát triển nhanh chóng.
Các nhà phân tích cho rằng "sự háo hức" kiềm chế AI đã giảm đi kể từ các hội nghị thượng đỉnh trước đây ở Anh và Hàn Quốc, thời điểm các cường quốc thế giới tập trung vào những rủi ro của công nghệ này sau khi công cụ ChatGPT ra mắt vào năm 2022.
Tuy nhiên khi Tổng thống Trump bỏ đi các rào cản AI của người tiền nhiệm để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ, áp lực đã gia tăng lên Liên minh châu Âu (EU). Khối này đứng trước sức ép phải theo đuổi cách tiếp cận nhẹ tay hơn đối với AI nhằm giúp các công ty châu Âu có thể cạnh tranh trong cuộc đua công nghệ.
Năm ngoái, các nhà lập pháp châu Âu đã phê duyệt Đạo luật AI của khối, bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới quản lý công nghệ này. Các gã khổng lồ công nghệ và một số nước tại đây đang thúc đẩy thực thi đạo luật này một một cách linh hoạt.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu, gồm cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đang hy vọng sự linh hoạt sẽ được áp dụng cho Đạo luật AI mới của EU để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Ông Macron cảnh báo rằng nếu không có các quy định, AI có thể trở nên nguy hiểm nhưng ngược lại, việc đặt ra quá nhiều quy định có thể kìm hãm sự đổi mới và làm giảm tính cạnh tranh của châu Âu.
Chia sẻ trên báo Le Monde trước thềm hội nghị, ông Sam Altman - CEO của OpenAI - bình luận: "Nếu chúng ta muốn có được sự tăng trưởng, việc làm và tiến bộ, chúng ta phải cho phép những người đổi mới được đổi mới, những người xây dựng được xây dựng và các nhà phát triển được phát triển".
Quyền lực mềmĐối với Tổng thống Macron, Hội nghị thượng đỉnh hành động AI còn là cơ hội để cho thấy rằng Pháp vẫn có thể sử dụng quyền lực mềm trong các vấn đề lớn toàn cầu như AI. Nhà lãnh đạo Pháp ủng hộ châu Âu phát triển các nền tảng và ứng dụng AI của riêng mình, để không chỉ dựa vào những đổi mới của Mỹ và Trung Quốc đối với một công nghệ vốn sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, người tiêu dùng và xã hội. |
Theo Thanh Bình/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/ai-chau-au-khong-muon-cham-chan-20250210230046405.htm