Cúm chỉ là cảm lạnh nặng, tiêm vắc xin cúm gây bệnh cúm, người khỏe mạnh không cần tiêm vắc xin... là các quan niệm sai lầm về bệnh cúm, gây chủ quan phòng ngừa.
Cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, nhưng nhiều người vẫn chủ quan - Ảnh minh họa
Bác sĩ Dương Quốc Bảo, phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), cho biết bệnh cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, nhưng nhiều người vẫn chủ quan do hiểu lầm về mức độ nghiêm trọng và cách phòng ngừa.
Dưới đây là những quan niệm sai lầm cần được đính chính để bảo vệ sức khỏe cộng đồng:
Quan niệm 1: "Cúm chỉ là cảm lạnh nặng"
Sự thật: Cúm là bệnh do vi rút cúm gây ra, khác với cảm lạnh thông thường. Triệu chứng cúm thường đột ngột và nghiêm trọng hơn: sốt cao, đau cơ, mệt mỏi kéo dài, có thể dẫn đến viêm phổi, suy đa tạng, thậm chí tử vong, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao (trẻ em, người già, phụ nữ mang thai).
Quan niệm 2: "Tiêm vắc xin cúm gây bệnh cúm"
Sự thật: Vắc xin cúm chứa vi rút đã bất hoạt hoặc thành phần protein vi rút, không thể gây bệnh. Một số người có thể bị đau nhức hoặc sốt nhẹ sau tiêm - đây là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch, không phải nhiễm cúm.
Quan niệm 3: "Người khỏe mạnh không cần tiêm vắc xin"
Sự thật: Dù ít nguy cơ biến chứng, người khỏe mạnh vẫn có thể mắc cúm và lây lan cho người xung quanh. Tiêm vắc xin giúp tạo "miễn dịch cộng đồng", bảo vệ những người không thể tiêm (trẻ sơ sinh, người dị ứng vắc xin).
Quan niệm 4: "Dùng kháng sinh trị cúm"
Sự thật: Kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn, không có tác dụng với vi rút cúm. Lạm dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Chỉ sử dụng thuốc kháng vi rút (như Tamiflu) khi có chỉ định của bác sĩ.
Quan niệm 5: "Vitamin C và ăn uống đủ phòng cúm"
Sự thật: Dinh dưỡng tốt hỗ trợ hệ miễn dịch, nhưng không ngăn ngừa được vi rút cúm. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vắc xin hằng năm kết hợp rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.
Bệnh cúm có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng, người dân không nên chủ quan - Ảnh minh họa
Quan niệm 6: "Không có triệu chứng thì không lây bệnh"
Sự thật: Người nhiễm cúm có thể lây lan vi rút 1-2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng. Một số người mang vi rút không biểu hiện bệnh (người lành mang bệnh) vẫn có khả năng lây nhiễm.
Quan niệm 7: "Cúm không nguy hiểm"
Sự thật: Theo WHO, hằng năm cúm khiến 290.000 - 650.000 người tử vong toàn cầu. Biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp có thể đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
Quan niệm 8: "Không cần tiêm vắc xin hằng năm"
Sự thật: Vi rút cúm biến đổi liên tục. Vắc xin được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng vi rút đang lưu hành. Tiêm nhắc lại là cách duy nhất duy trì hiệu quả bảo vệ.
Bác sĩ cảnh báo, hiểu đúng về bệnh cúm giúp phòng ngừa chủ động và bảo vệ những người xung quanh. Do đó hãy tiêm vắc xin cúm hằng năm, đặc biệt trước mùa dịch (tháng 10-12). Vệ sinh tay, che miệng khi ho, tránh tiếp xúc gần người bệnh.
Tham vấn bác sĩ nếu có triệu chứng nghiêm trọng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao
Cảnh báo nguy cơ lạm dụng kháng sinh trong điều trị cúm Theo bác sĩ Bảo, việc sử dụng thuốc kháng vi rút đúng cách là rất quan trọng trong điều trị cúm. Cần lưu ý rằng kháng sinh không có tác dụng đối với vi rút và việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay một số loại thuốc kháng vi rút thường được sử dụng để điều trị cúm bao gồm: Oseltamivir; Zanamivir; Peramivir. Thuốc kháng vi rút nên được bắt đầu trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện triệu chứng để đạt hiệu quả cao nhất. Cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Nếu triệu chứng này nặng, cần thông báo cho bác sĩ. Bác sĩ lưu ý, kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn gây ra, không có hiệu quả trong việc điều trị các bệnh do vi rút như cúm. Việc tự ý sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến kháng kháng sinh hoặc tác dụng phụ. "Việc sử dụng thuốc kháng vi rút đúng cách có thể giúp điều trị cúm hiệu quả và giảm nguy cơ biến chứng. Đồng thời, cần tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh để tránh những tác hại không đáng có. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả", bác sĩ Bảo khuyến cáo. |
Theo Ngọc Châu/ Thanh niên
https://tuoitre.vn/8-quan-niem-sai-lam-ve-benh-cum-20250213200853127.htm