Đề xuất miễn thuế nhập khẩu cho đơn hàng dưới 1 triệu đồng bán qua sàn thương mại điện tử của Bộ Tài chính tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.
Vừa thu lại miễn
Theo dự thảo mới nhất nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế cho từng đơn hàng trị giá từ dưới 1 triệu đồng; mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu không quá 48 triệu đồng/năm. Dự thảo mới này cũng bỏ nội dung quy định mức miễn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu có giá trị theo từng đơn hàng trên 2 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 200.000 đồng trước đây. Bộ Tài chính lý giải quy định này nhằm đảm bảo thuận lợi cho người khai hải quan và cơ quan hải quan trong theo dõi, thực hiện thủ tục hải quan.
Các chuyên gia có ý kiến khác nhau về việc miễn thuế nhập khẩu đối với đơn hàng giá trị nhỏ Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong thực tế, đề xuất trên không mới. Cách đây gần 15 năm, khi các sàn TMĐT chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Chính phủ đã có Quyết định 78/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Thế nhưng, đến đầu năm nay, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký ban hành Quyết định 01/2025 bãi bỏ toàn bộ Quyết định 78, theo đó hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Quy định có hiệu lực từ ngày 18.2, tức cách đây gần 1 tháng rưỡi.
Chuyên gia thương mại và marketing quốc tế Vũ Quốc Chinh (Pháp) bày tỏ sự khó hiểu khi một chính sách thu thuế hay không thu thuế lại thay đổi liên tục trong thời gian ngắn như vậy. Ủng hộ việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu qua sàn TMĐT, ông Chinh phân tích hiện doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước phải đóng thuế nhập khẩu cho hàng hóa, nguyên liệu nhập từ nước ngoài về. Thế nên, không có lý do gì hàng hóa mua qua sàn TMĐT nước ngoài nhập khẩu vào VN lại được miễn thuế. "Đã thu thuế, phải thu cho công bằng, đặc biệt, việc miễn thuế này có thể gây phương hại đến doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước. Hơn nữa, Chính phủ vừa mới bỏ quy định miễn thu thuế cho đơn hàng nhập có giá trị nhỏ dưới 1 triệu nay lại đề xuất không thu nữa khiến doanh nghiệp và người dân cảm thấy chính sách thiếu tính ổn định", ông Chinh nói.
Từ đó, ông Chinh đề xuất ngành tài chính cần có số liệu và báo cáo từ ngày 18.2 (thời điểm bỏ miễn thuế - NV) đến nay, việc khai báo, thu thuế nhập khẩu với hàng hóa bán qua sàn TMĐT thế nào. Nguồn thu có tăng không? Hệ thống hải quan điện tử có đáp ứng được không? Phát hiện hàng trốn thuế nhiều không? "Nếu việc triển khai thu này không hiệu quả so với chi phí bỏ ra, lực lượng công chức hải quan phụ trách tăng… cũng nên nói công khai cho người dân rõ trước khi đề xuất thay đổi chính sách. Bởi chính sách thay đổi quá nhanh trong thời gian ngắn như vậy là thiếu thuyết phục. Trước đây, để thuyết phục phải thu, cơ quan soạn thảo lý giải nhằm tránh thất thu thuế, đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước và thông lệ quốc tế. Nay yêu cầu miễn thuế, Bộ sẽ lý giải thế nào? Theo tôi, công bằng trong kinh doanh thì phải thu, còn theo hình thức nào là việc của cơ quan quản lý".
Đồng quan điểm, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng cho rằng việc kiểm soát thu thuế với lô hàng trị giá dưới 1 triệu đồng là cần thiết. Qua đó, có thể tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp; giúp thị trường hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất trong nước không bị chèn ép, thu hẹp, đặc biệt trước làn sóng hàng giá rẻ vào VN.
Vấn đề mấu chốt của TMĐT là phải hoàn thiện thể chế trước khi tính chuyện thu thuế nhỏ lẻ... Mục đích cuối cùng là dòng chảy của hàng hóa và dữ liệu thông tin tài chính có sự kết hợp nhuần nhuyễn rõ ràng thì việc thu thuế phí mới hiệu quả được. Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh |
Triển khai thu khó hiệu quả?
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia thương mại Phạm Ngọc Hùng - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN, nói xét về xu hướng, hiện rất nhiều nước không đánh thuế nhập khẩu với những gói hàng có giá trị nhỏ. Một số nước triển khai thu nhưng hiệu quả không cao. VN có nền kinh tế mở, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương và có rất nhiều hàng hóa nhập khẩu có thuế nhập khẩu bằng 0%, thì nên theo xu hướng phổ biến của thế giới là không thu thuế các đơn hàng nhập khẩu có giá trị thấp. "Tôi ủng hộ việc không thu thuế đối với các gói hàng có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng", vị này nói thẳng.
Một lý do nữa theo ông Phạm Ngọc Hùng, nếu tổ chức bộ máy thu thuế các đơn hàng có giá trị nhỏ sẽ gây khó khăn lớn cho cơ quan thực thi như hải quan, thuế… do lượng đơn hàng mỗi ngày rất lớn. Thống kê, tính thuế cho khối lượng hàng khổng lồ này là thách thức rất lớn về thủ tục hành chính và hạ tầng công nghệ. Dẫn ví dụ chuyện thu phí giữ xe vỉa hè tại TP.HCM sau 2 năm bị lỗ nặng, ông Hùng nói khoản lỗ này đến từ việc triển khai bộ máy để đi thu phí tốn hơn khoản thu mang về.
"Tất nhiên, so sánh giữa hai việc thu phí giữ xe vỉa hè và thuế nhập khẩu là không tương xứng, nhưng có một vấn đề chung là bất kể triển khai một quy định pháp luật nào cũng cần phải có đội ngũ nhân sự tương ứng để vận hành. Chúng ta có hệ thống hải quan điện tử, nhưng để thu được thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá thấp qua sàn TMĐT, có thể phải tốn rất nhiều chi phí để nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, chưa nói chi phí lương để duy trì bộ máy vận hành", ông Phạm Ngọc Hùng nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh, cũng thừa nhận trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ, thậm chí không có biên giới, việc triển khai thu thuế đơn hàng nhỏ lúc này là rất khó. "Vấn đề mấu chốt của TMĐT là phải hoàn thiện thể chế trước khi tính chuyện thu thuế nhỏ lẻ. Đó là hoàn thiện khung pháp lý ứng xử với dữ liệu, bởi công nghệ hiện đại đến đâu thì đều dựa trên dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn. Thứ 2, các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có. Thứ 3, tuân thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính. Mục đích cuối cùng là dòng chảy của hàng hóa và dữ liệu thông tin tài chính có sự kết hợp nhuần nhuyễn rõ ràng thì việc thu thuế phí mới hiệu quả được", chuyên gia Võ Trí Thành nói.
Ý kiến: Mới đây, ngành hải quan có báo cáo hạ tầng công nghệ thông tin đang vượt ngưỡng thiết kế 200%. Vì thế, có thể khoản thu vào chưa chắc bù đủ cho chi phí bỏ ra. Thế nên, quan điểm của tôi là không thu để giảm áp lực cho hệ thống thủ tục hành chính và hợp với xu hướng thương mại thế giới. Muốn vươn mình, trước hết phải cởi trói, vượt qua chính mình. Quy định nào gây tăng chi phí, khiến bộ máy cồng kềnh hơn, lại ít hiệu quả thì không nên áp dụng. Chính sách cần hướng đến nguồn thu lớn hơn. Ông Phạm Ngọc Hùng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN Chúng ta có cuộc vận động ưu tiên người Việt dùng hàng Việt trong thời gian dài. Tôi nghĩ các tiêu chí về thu thuế hàng nhập khẩu cần đặt vấn đề ưu tiên hàng Việt lên hàng đầu để tính toán thiệt hơn. Đừng quay lại chính sách gây thiệt thòi cho hàng hóa trong nước. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú |
Theo Nguyên Nga/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/thu-hay-mien-thue-don-hang-duoi-1-trieu-dong-185250330221454506.htm