Mỹ cam kết viện trợ 2 triệu USD "thông qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar", và cho biết một đội ứng phó khẩn cấp của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đang được triển khai tới Myanmar.
Lực lượng cứu hộ làm việc tại một tòa nhà bị hư hại sau trận động đất mạnh ở Mandalay, Myanmar ngày 30-3 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, số người chết trong trận động đất 7,7 độ ở Myanmar tiếp tục tăng vào ngày 30-3, khi các đội cứu hộ và viện trợ nước ngoài bắt đầu đổ đến quốc gia Đông Nam Á này. Tại đây, các bệnh viện quá tải và nỗ lực cứu hộ đang diễn ra với nguồn lực hạn chế.
Chính quyền quân sự Myanmar cập nhật trận động đất vào ngày 28-3 đến nay đã khiến khoảng 1.700 người thiệt mạng, 3.400 người bị thương và hơn 300 người mất tích.
Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, cảnh báo số người chết có thể sẽ tăng lên, ba ngày sau khi ông kêu gọi quốc tế viện trợ.
Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga... nằm trong số các nước bắt đầu hỗ trợ Myanmar.
Tuy nhiên, người dân ở các thành phố Mandalay và Sagaing cho biết viện trợ quốc tế vẫn chưa đến giữa lo ngại về tình trạng thiếu lương thực, điện và nước nghiêm trọng.
"Sự tàn phá đã lan rộng và nhu cầu nhân đạo đang tăng lên từng giờ", Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế nhận định.
Ngày 30-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở cấp độ cao nhất, đồng thời kêu gọi tài trợ khẩn cấp 8 triệu USD để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại Myanmar trong 30 ngày tới.
WHO cho biết số lượng lớn nạn nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao trong bối cảnh năng lực phẫu thuật hạn chế tại quốc gia này, trong khi điều kiện cơ bản ở Myanmar có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
Theo Reuters, Mỹ đã cam kết viện trợ 2 triệu USD "thông qua các tổ chức hỗ trợ nhân đạo có trụ sở tại Myanmar" và cho biết một đội ứng phó khẩn cấp của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) - vốn đang bị cắt giảm mạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump - đang được triển khai tới Myanmar.
Hiện nay các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cầu, đường cao tốc, sân bay và đường sắt trên khắp quốc gia 55 triệu dân này đã bị hư hại, làm chậm các nỗ lực nhân đạo.
Chính quyền quân sự Myanmar đã từ chối yêu cầu của các nhà báo quốc tế muốn đưa tin về thảm họa này, với lý do thiếu nước, điện và khách sạn.
Theo Thanh Bình/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/dong-dat-o-myanmar-1-700-nguoi-chet-who-keu-goi-tai-tro-khan-cap-20250331071843034.htm