9
/
178325
Người trẻ thời công nghệ...
nguoi-tre-thoi-cong-nghe
news

Người trẻ thời công nghệ...

Thứ 2, 31/03/2025 | 10:45:00
1,010 lượt xem

Thời công nghệ, có những người trẻ chưa từng đặt chân đến chợ hoặc đến một cách rụt rè. Vì họ ưa chuộng mua sắm trực tuyến, thích thanh toán không tiền mặt nên dẫn đến thiếu kỹ năng sống trầm trọng.

Chưa từng một lần đến chợ

Tưởng chừng chợ, không gian sinh hoạt cộng đồng và mua sắm, đã là nơi quen thuộc với mọi người, nhưng thực tế có những người trẻ không hề biết đến.

Đ.T.K (24 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) thừa nhận chưa đến chợ lần nào, dù từng được người thân rủ đi. Mỗi khi có nhu cầu mua sắm thì nơi K. hay đặt chân không phải là chợ, mà là trung tâm thương mại, siêu thị hoặc chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, cô là "tín đồ" mua sắm trực tuyến. "Chỉ cần một cú chạm nhẹ trên bàn phím qua các nền tảng thương mại điện tử, những gì muốn mua sẽ được giao đến tận cửa. Vì thế, tôi chưa từng đến chợ", K. cho biết.

Người trẻ thời công nghệ và xu hướng mua sắm trực tuyến - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ thường thanh toán không tiền mặt bằng cách chuyển khoản

"Người trẻ chưa từng đi chợ", chuyện tưởng đùa mà thật này không hề cá biệt, nhất là với gen Z. N.T.Q, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nói: "Nhà em ở gần chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình). Tuy nhiên em hay mua trực tuyến, từ đồ ăn cho đến các vật dụng, đồ đạc, nên em chưa từng đến chợ".

Chị H.T.D (37 tuổi, phụ huynh học sinh Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết con gái chị đang học lớp 11 cũng chưa từng đến chợ dù chỉ một lần. "Nhiều khi bảo con đi chợ mua giúp một số thức ăn thì con lắc đầu nói "mẹ làm khó con quá, con đã đi chợ lần nào đâu mà biết". Cứ thế, chợ trở thành nơi xa lạ với con", chị nói.

Theo chị N.V.N.C (32 tuổi, làm việc ở Q.Bình Tân, TP.HCM), trước đây chị rất hiếm khi đi chợ. Hiện tại, nhà chị có hai người em (19 và 22 tuổi) hình như chưa đi chợ lần nào. "Đi chợ truyền thống thường đông đúc, đưa lên đặt xuống, lựa chọn các món đồ rồi phải trả giá khá tốn thời gian. Dần dần dẫn đến thói quen không muốn đi chợ, thích giao dịch trực tuyến hơn", chị đưa ra lý do.

Chị Trần Thị Thu Hằng (33 tuổi, tiểu thương chợ Tân Định, Q.1, TP.HCM) cũng đồng tình việc chợ truyền thống đã và đang dần vắng khách là người trẻ. "Người lớn tuổi đi chợ nhiều hơn người trẻ. Nói đâu xa, những đứa em trong nhà tôi cũng chẳng biết cảnh mua bán ở chợ là thế nào vì chưa từng đến", chị kể.

Anh Đặng Tín (36 tuổi, tiểu thương chợ Cây Quéo, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xác nhận: "Đúng là rất hiếm khi thấy người trẻ dưới khoảng 25 tuổi đi chợ, hầu như chỉ có những người U.30 trở lên. Có lẽ người trẻ chỉ thích mua trên các chợ online chứ không lui tới chợ truyền thống. Như sạp bán cá của tôi, chỉ có người lớn, những cặp vợ chồng ghé đến mua, chứ không có khách trẻ như sinh viên".

L.H.Đ (sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: "Đi chợ truyền thống chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, trong khi người trẻ quen dùng thẻ ngân hàng, ví điện tử. Vả lại thói quen mua sắm đã thay đổi, nên người trẻ như em không muốn đi chợ. Ở phòng trọ của em, khi cần mua đồ ăn thường sử dụng các ứng dụng đi chợ hộ. Vì thế việc đến chợ truyền thống trở nên xa lạ với một số thành viên trong phòng".

Những tình huống bi hài

Vì một số bạn trẻ không quen với không gian chợ truyền thống, thích sự tiện lợi của siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi nên có những câu chuyện "cười ra nước mắt".

L.H.Đ kể có lần nấu lẩu, thiếu một loại rau nhưng nếu đặt qua ứng dụng trực tuyến thì tiền vận chuyển gấp 7 lần tiền rau. "Em ra chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM) gần nhà mua rau và đề nghị quét mã QR để thanh toán. Cô bán rau nói ở đây chẳng có quét mã, quẹt thẻ hay chuyển khoản gì cả, nên em đành ngậm ngùi bỏ bó rau xuống, tìm chỗ khác để mua. Nhưng nơi nào cũng vậy, thế là em phải đi tìm trụ ATM rút tiền mặt", Đ. nhớ lại.

Người trẻ thời công nghệ và xu hướng mua sắm trực tuyến - Ảnh 2.

Chợ truyền thống đã và đang dần vắng khách trẻ ẢNH: THANH NAM

N.T.B.T (25 tuổi, làm việc ở Q.Bình Thạnh) cũng có trải nghiệm đáng quên. Một lần đi chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) thấy thịt bò tươi, Thủy dừng lại mua. "Đó cũng là lần đầu tiên mình đi chợ. Khổ nỗi vì thói quen chuyển khoản, trong khi chủ sạp không nhận thanh toán kiểu đó, nên mình chẳng biết phải làm sao. Bài học mình rút ra là cần phải có ít tiền mặt trong ví, đề phòng những trường hợp cần thiết", T. cho hay.

Một số người trẻ cũng nhớ lại những lần chẳng đặng đừng phải đến chợ để mua thực phẩm, hàng hóa và bị người bán la mắng vì thói quen "xin số tài khoản, mã QR". "Mình bị la cũng đúng, vì mua vài trái ớt, củ tỏi, quả chanh, giá chỉ vài ngàn đồng mà cũng xin chuyển khoản", Đ.T.K.M, sinh viên Học viện Hàng không VN, nói.

P.T.T.N (sinh viên Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi, TP.HCM) kể có lần đi chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) để mua 2 quả trứng gà về nấu canh cà chua trứng. Chọn trứng xong, theo thói quen, Ngân kiếm mã QR để quét thanh toán. "Cô chủ quán nói thay vì kiếm mã QR để quét thanh toán thì quét thử trong ví có 10.000 đồng để đưa cho cô. Lúc ấy, mình vừa ngại vừa mắc cười", N. kể.

Cô bạn cho biết thêm lần đầu trải nghiệm đi chợ gặp không ít lúng túng. Chẳng hạn mua thịt yêu cầu người bán phải đóng gói chân không, thế là chủ sạp bảo "nghe xong muốn đóng luôn quán, ở đây là chợ chứ phải siêu thị đâu mà đòi đóng chân không"…

Theo chuyên gia kỹ năng sống Huỳnh Thanh Tú, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thanh toán không tiền mặt là xu hướng tất yếu của thời chuyển đổi số, nhất là khi các ứng dụng ví điện tử, ngân hàng số ngày càng phổ biến. Chính vì thế, nhiều người trẻ chuộng quẹt thẻ, quét mã QR, chuyển khoản. Câu chuyện này thúc đẩy nền kinh tế số, giảm giao dịch tiền mặt, mọi giao dịch nhanh chóng và thuận tiện. Tuy nhiên cũng dẫn đến nhiều câu chuyện bi hài, như mua đồ giá chỉ vài ngàn đồng cũng yêu cầu chuyển khoản vì trong ví không có tiền mặt; hay gặp khó khăn khi mua bánh tráng trộn, đồ ăn vặt ở nơi không có thanh toán bằng mã QR, quẹt thẻ, đành phải nhờ bạn bè trả giúp…

"Người trẻ đừng nên lệ thuộc hoàn toàn vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến. Thay vào đó, có thể thỉnh thoảng tìm đến những chợ truyền thống. Không những giúp trải nghiệm cảnh mua bán rôm rả ở chợ, mà còn rèn kỹ năng mua sắm trực tiếp, thương lượng, biết hơn về giá cả thị trường. Hiển nhiên, trong trường hợp này, cần chuẩn bị tiền mặt để không phải rơi vào những tình huống hài hước", ông Tú nói.

Theo Thanh Nam/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/nguoi-tre-thoi-cong-nghe-185250330172837599.htm 

  • Từ khóa

Vì sao lại tỏ tình trong ngày nói dối?

Ngày 1.4 dương lịch hằng năm được biết đến là ngày cá tháng tư, nhiều bạn trẻ còn đùa vui rằng đây là ngày quốc tế tỏ tình. Bởi nhân dịp cá tháng tư, có...
15:16 - 01/04/2025
323 lượt xem

Làm việc cả chục năm thu nhập vẫn... dậm chân tại chỗ, làm sao để khá lên?

Miệt mài làm việc cả chục năm nhưng mức lương vẫn chẳng có nhiều thay đổi là câu chuyện không hề hiếm gặp. Có cách nào để thay đổi thực tế này?
14:59 - 01/04/2025
347 lượt xem

Người con trai chi 10 tỉ đồng xây nhà tặng ba mẹ

Phạm Xuân Vinh (30 tuổi), quê Tiền Giang, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khá giả, bỗng dưng rơi vào cảnh trắng tay khi gia đình phá sản.
12:41 - 01/04/2025
411 lượt xem

Người Việt ở Mỹ đi xem show Choctaw: Không gian đậm chất Việt nơi đất khách

Oklahoma từng được gọi là 'Indian Territory', là vùng đất mang đậm văn hóa của người da đỏ với những luật lệ riêng biệt. Với nhiều người, Oklahoma còn là...
10:08 - 01/04/2025
442 lượt xem

Từ drama cháy khắp cõi mạng của ViruSs: Cơn sốt hay hiểm họa tâm lý?

Drama của ViruSs gây sốt với 4 triệu người theo dõi, liệu có tiềm ẩn hiểm họa tâm lý? Từ hiệu ứng FOMO đến sự hài lòng từ schadenfreude, hiện tượng này...
07:55 - 01/04/2025
538 lượt xem