Tập đoàn chip lớn nhất Trung Quốc SMIC bị cơ quan điều tra Đài Loan cáo buộc "săn trộm" nhân tài chip trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực tự chủ ngành bán dẫn.
CNBC dẫn thông báo của cơ quan điều tra Đài Loan cho biết nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International (SMIC) đã tuyển dụng trái phép nhân tài công nghệ cao của nước này.
Theo Cục Điều tra thuộc Bộ Tư pháp Đài Loan (MIJB), SMIC đã sử dụng một thực thể có trụ sở tại Samoa (đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương) làm vỏ bọc để thành lập một công ty con "dưới vỏ bọc đầu tư nước ngoài" sau đó "tích cực tuyển dụng" nhân sự ngành chip từ Đài Loan.
SMIC chưa đưa ra bình luận về cáo buộc trên.
Logo tập đoàn chip lớn nhất Trung Quốc SMIC
MIJB cho biết Đài Loan bắt đầu điều tra vấn đề này từ tháng 12 năm ngoái. Cơ quan chức năng vùng lãnh thổ này đã đưa 11 doanh nghiệp Trung Quốc vào diện tình nghi "săn trộm" nhân tài chip, đồng thời tiến hành khám xét tại 34 địa điểm và thẩm vấn 90 cá nhân.
Bộ này cho biết: "Các doanh nghiệp Trung Quốc thường che giấu danh tính bằng nhiều cách, trong đó có cả việc hoạt động dưới vỏ bọc là công ty Đài Loan hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài".
Báo cáo nêu rõ các thực thể này được công ty Trung Quốc hậu thuẫn về vốn, thành lập các địa điểm kinh doanh trái phép tại Đài Loan mà không có sự chấp thuận của chính quyền. Họ cũng dùng môi giới việc làm để phục vụ mục đích của mình.
Trước đó Nikkei Asia cho biết dù rót nhiều tiền bạc để hiện thực hóa giấc mơ tự chủ ngành chip, Trung Quốc vẫn thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng cao, khiến các công ty ở đại lục liên tục mở các "cuộc đi săn" tại Đài Loan.
Để hạn chế bị chảy máu chất xám, Đài Loan đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm vào cuối năm 2020 để điều tra về tình trạng lôi kéo nhân tài chip. Cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều luật gắt gao về việc cho thuê, tuyển dụng lao động. Những công ty Trung Quốc có văn phòng tại Đài Loan phải được sự cho phép của cơ quan quản lý nếu muốn dùng lao động là người Đài Loan.
Trong khi đó các công ty Trung Quốc cũng tìm nhiều cách để lách luật như thành lập các pháp nhân ở Singapore hay Quần đảo Cayman để tiếp tục tuyển dụng nhân tài cấp cao.
Nikkei Asia dẫn tài liệu của chính phủ Trung Quốc năm 2020 cho thấy nỗ lực phát triển các máy sản xuất chip nội địa của họ đang chậm hơn phương Tây ít nhất 15 năm. Bên cạnh TSMC, Huawei cũng được cho là đã tăng cường nỗ lực lôi kéo nhân viên từ nhà sản xuất ống kính Carl Zeiss. Ống kính của Zeiss là 'độc nhất vô nhị' và không thể thiếu trong việc chế tạo các máy sản xuất chip tiên tiến.
SMIC là công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc. Công ty này đã trở thành tâm điểm chú ý vào năm 2023 khi tiết lộ là đã sản xuất thành công chip 7 nanomet cho smartphone Huawei. Vài năm trước, SMIC đã bị Mỹ đưa vào danh sách cấm vận.
Trung Quốc đã cố gắng tăng cường năng lực sản xuất chip của mình thông qua SMIC, nhưng công ty này vẫn tụt hậu so với các đối thủ như TSMC tại Đài Loan. Các hạn chế xuất khẩu chip do Mỹ áp đặt đồng nghĩa là SMIC không thể tiếp cận các công cụ sản xuất chip mới nhất từ các nhà cung cấp quan trọng như ASML của Hà Lan để giúp họ bắt kịp tiến bộ của toàn ngành.
Mới đây, SMIC công bố đã sản xuất thành công các tấm wafer 5nm với máy DUV, tuy nhiên việc sản xuất hàng loạt vẫn gặp khó khăn do chi phí cao và năng suất thấp. Những trở ngại này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến Huawei và khiến công ty chưa thể vượt qua công nghệ 7nm. Nhưng mọi thứ đang tích cực hơn khi SMIC dần chuyển sang máy EUV do chính Trung Quốc tạo ra.
Trong khi đó Đài Loan là nơi sản sinh ra nhiều tài năng trong ngành công nghiệp bán dẫn vì đây là quê hương của TSMC, nhà sản xuất chip lớn và tiên tiến nhất thế giới. Nhà Trắng đã tìm cách khai thác nguồn lực này bằng cách thuyết phục TSMC mở rộng quy mô sản xuất tại Mỹ.
Theo Khương Nha/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/dai-loan-to-smic-cua-trung-quoc-san-trom-nhan-tai-chip-18525033009375011.htm