Hát xoan, một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Phú Thọ, nhất là trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Loại hình nghệ thuật này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, lòng biết ơn tổ tiên và tình yêu quê hương đất nước.
Các nghệ nhân xoan trình diễn tại đình Thét, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Hát xoan có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ cộng đồng. Những bài hát xoan đầu tiên được sáng tác và trình diễn trong các buổi lễ tại miếu Lãi Lèn, đình Thét và các di tích khác quanh khu vực Đền Hùng.
Theo thời gian, hát xoan dần lan tỏa ra nhiều địa phương, trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa dân gian. Các phường xoan được hình thành, truyền dạy từ đời này sang đời khác, giữ gìn nguyên vẹn những nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật này.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, hát xoan từng có thời gian mai một do chiến tranh, biến động xã hội và sự thay đổi trong đời sống văn hóa.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các nghệ nhân và chính quyền địa phương, hát xoan đã được phục hồi mạnh mẽ. Năm 2011, UNESCO công nhận hát xoan Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đến năm 2017, loại hình nghệ thuật này tiếp tục được nâng cấp thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy di sản của chính quyền và người dân tỉnh Phú Thọ.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (hàng đầu bên phải), trùm phường xoan Thét.
Để bảo tồn hát xoan, các cơ quan chức năng đã đưa loại hình nghệ thuật này vào chương trình giáo dục tại các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai tới tất cả các cấp học, mỗi cấp học sẽ có giáo trình riêng phù hợp từng lớp học để đạt hiệu quả tốt nhất, mời các nghệ nhân hát xoan đứng lớp truyền dạy.
Các nghệ nhân cao tuổi tận tình hướng dẫn thế hệ trẻ, giúp họ tiếp cận và kế thừa di sản một cách bài bản. Đồng thời, các trường sẽ tổ chức cho các em được học tập, trải nghiệm hát xoan thực tế tại miếu Lãi Lèn, đình làng Hùng Lô…
Tại đây, các em được tìm hiểu và tham gia vào các hoạt động: Tổ chức nghi lễ dâng hương; giới thiệu, thuyết minh; tìm hiểu về lịch sử, giá trị của hát xoan, giao lưu với các nghệ nhân và trải nghiệm các làn điệu hát xoan đặc sắc. Các em còn được biểu diễn tại các cuộc thi, liên hoan hát xoan trên địa bàn tỉnh.
Tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, nghệ nhân và học sinh sẽ biểu diễn các tiết mục hát xoan trong thời gian diễn ra lễ hội tại Khu di tích Đền Hùng, giới thiệu tới du khách thập phương về di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của quê hương đất Tổ.
Những hoạt động nêu trên sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử của loại hình nghệ thuật này, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và ý thức gìn giữ di sản dân tộc.
Nhận thức được tầm quan trọng của hát xoan, tỉnh Phú Thọ đã kết hợp loại hình nghệ thuật này vào các tour du lịch gắn với những nơi diễn ra các buổi biểu diễn, giúp du khách trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương.
Tại các điểm du lịch như Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đình An Thái…chủ thể trong chương trình biểu diễn là những nghệ nhân ở các phường xoan gốc Phù Đức, Thét và An Thái.
Du khách đến đây ngoài nghe hát còn được trực tiếp học và thực hành cùng nghệ nhân, tạo nên những trải nghiệm thú vị và sâu sắc, qua đó thu hút đông đảo du khách, nhất là người trẻ và du khách quốc tế.
Và chương trình “Hát Xoan làng cổ” giờ đây đã trở thành hoạt động điểm nhấn, để lại ấn tượng với đồng bào và du khách thập phương mỗi dịp Giỗ Tổ.
Năm nay, chương trình hát xoan làng cổ được tổ chức từ ngày 3/4 đến 7/4 (tức từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch) tại các điểm di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Tuy nhiên, dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, công tác bảo tồn hát xoan vẫn còn nhiều thách thức.
Đầu tiên là vấn đề thế hệ kế cận. Hiện nay, số lượng nghệ nhân cao tuổi còn lại không nhiều, trong khi thế hệ trẻ ít quan tâm hơn đến nghệ thuật truyền thống. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc truyền dạy và khuyến khích lớp trẻ tham gia gìn giữ di sản.
Các chương trình bảo tồn phải được duy trì và mở rộng, khuyến khích thanh thiếu niên tham gia các lớp học hát xoan.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, văn hóa đại chúng đang chiếm lĩnh thị trường giải trí, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long trò chuyện cùng các nghệ nhân xoan.
Để hát xoan có thể đứng vững, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận khán giả, đồng thời phải kết hợp giữa bảo tồn nguyên bản và sáng tạo phù hợp thời đại, đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hát xoan trên nền tảng số, đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng trong nước và nước ngoài.
Và việc kết hợp hát xoan với du lịch và giáo dục không chỉ giúp loại hình nghệ thuật này được bảo tồn mà còn góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, khẳng định giá trị bền vững của di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo Trường Giang/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/dua-di-san-hat-xoan-den-voi-cong-chung-post869181.html