Việc Mỹ thông qua kế hoạch bán 20 chiến đấu cơ F-16 cho Philippines trở thành dấu ấn quan trọng cho thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, nhất là khi Philippines đang chịu sức ép lớn từ Trung Quốc ở vùng biển này.
Hôm qua (2.4), CNN dẫn thông báo từ Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết nước này đã thông qua kế hoạch bán 20 chiến đấu cơ F-16 cho Philippines. Tổng đơn hàng có giá trị lên đến 5,58 tỉ USD, bao gồm cả các thành phần liên quan F-16.
Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Mỹ trong một lần hoạt động hồi năm 2024 Ảnh: Không quân Mỹ
"Thương vụ được đề xuất trên sẽ hỗ trợ chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách giúp cải thiện an ninh của một đối tác chiến lược tiếp tục là một lực lượng quan trọng cho sự ổn định chính trị, hòa bình và tiến bộ kinh tế ở Đông Nam Á", theo thông báo của DSCA. Thông báo được phát đi chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố sẽ chống lại sức ép quân sự từ Trung Quốc.
Tăng lực mạnh mẽ cho Philippines
Trả lời Thanh Niên tối qua (2.4), TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: "Hơn 10 năm trước, Philippines từng đề nghị Mỹ cung cấp chiến đấu cơ F-16, nhưng rồi Washington từ chối. Giờ đây, Mỹ thông qua việc bán 20 máy bay chiến đấu F-16 cho Philippines thì đây là một động thái quan trọng mà có thể giải thích bằng 2 lý do khả dĩ".
Thứ nhất, diễn biến trên cho thấy Mỹ đã quyết định tăng cường năng lực phòng thủ của Philippines. Trong quá khứ, khi xác định các năng lực mà đồng minh và đối tác cần sở hữu, thì Mỹ đáp ứng. Vào những năm 1980, khi tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân của Liên Xô hoạt động ở biển Okhotsk (gần đảo Hokkaidō của Nhật), Washington đã cung cấp cho Tokyo các khí tài chống tàu ngầm mới nhất, chẳng hạn như máy bay tuần tra và trực thăng, và theo dõi tàu ngầm Liên Xô giữa vùng Vladivostok với biển Okhotsk.
Gần đây, trong các thỏa thuận vũ khí cung cấp cho Ấn Độ, Mỹ tập trung vào khí tài tăng cường khả năng tấn công ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc và khí tài chống tàu ngầm ở Ấn Độ Dương. Trong trường hợp của Philippines lần này là chiến đấu cơ F-16 và các hệ thống phóng tên lửa Typhon.
Thứ hai, chiến đấu cơ F-16 có tốc độ cao nên có thể xâm nhập bất kỳ khu vực nào ở Biển Đông. Giữa bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường hoạt động ở Biển Đông để phục vụ tham vọng chủ quyền thì các lực lượng nước này có thể bị đe dọa bởi F-16 nếu Philippines sở hữu loại chiến đấu cơ này. Ngoài ra, F-16 có thể ném bom bất kỳ nơi nào, bao gồm các thành phố ven biển và các căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam của Trung Quốc. Hiện tại, Philippines chỉ sở hữu máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50, nên cần cải thiện sức mạnh không quân. Cùng với hệ thống tên lửa Typhon, khả năng tấn công của Philippines đang được cải thiện mạnh mẽ.
Nhiều động thái từ Mỹ
Từ năm ngoái, Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa Typhon đến Philippines. Hệ thống này có thể phóng tên lửa chiến lược tầm trung, cũng có thể phóng cả tên lửa hành trình thông minh Tomahawk và tên lửa phòng không SM-6. Trong đó, SM-6 không chỉ có thể đánh chặn chiến đấu cơ, máy bay không người lái mà cả các tên lửa đối hải.
Với các đặc điểm trên, các hệ thống phóng tên lửa Typhon góp phần khắc chế chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc đang hình thành ở Thái Bình Dương nhằm hạn chế tiềm lực quân sự của Mỹ ở khu vực. Bên cạnh đó, Philippines cũng đã công bố kế hoạch mua các hệ thống Typhon.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc liên tục dâng cao ở Biển Đông. Trả lời Thanh Niên, Ông Greg Poling (Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - AMTI, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) đánh giá: "Với những vụ việc đã diễn ra, năm 2024 là năm bạo lực nhất ở Biển Đông kể từ năm 1988. Chúng ta không chỉ chứng kiến rất nhiều bạo lực đối với Philippines, đặc biệt là ở Bãi Cỏ Mây. Số lượng tàu hải cảnh và tàu dân binh Trung Quốc dày đặc thường nhật quanh năm. Điều đó chưa từng xảy ra trước đây".
Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ) cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây muốn giảm nguồn lực của nước này liên quan xung đột Ukraine hay bất ổn Trung Đông để tập trung cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo Hoàng Đình/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/khi-my-ho-tro-khung-cho-philippines-truoc-trung-quoc-185250402225132976.htm